Nguy cơ ung thư từ dưa, cà muối bằng thùng sơn

Ngày 09/07/2014 10:53 AM (GMT+7)

Nhìn thùng dưa muối vàng của chị Lan Anh, ông bác Việt kiều Australia là giảng viên hóa học hốt hoảng bảo, tuyệt đối không dùng nhựa công nghiệp để thay thế nhựa thực phẩm.

Chị Nguyễn Lan Anh (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho biết, nhà chị thường có thói quen giữ lại những thùng sơn sau khi đã sơn hết để đựng nước, đồ khô, thi thoảng muối dưa, muối cà. Tháng trước, gia đình chị có ông bác Việt kiều Australia là giảng viên hóa học, về chơi.

“Nhìn thùng dưa muối vàng của tôi, tưởng bác sẽ thích ai ngờ bác hốt hoảng kêu tôi cấm tuyệt đối không dùng nhựa công nghiệp để thay thế nhựa thực phẩm", chị Lan Anh lo lắng nói. Việc muối dưa trong thùng sơn và bày bán xuất hiện khắp nơi.

Thùng sơn dùng lâu rồi hay đánh rửa sạch đi có dùng được không? - tiến sĩTrần Hồng Côn cho rằng, lâu hay không không phải vấn đề vì monome có trong polime, không phải ở bề mặt. Thùng sơn vì thế chỉ nên tận dụng làm thùng rác, tuyệt đối không dùng đựng thực phẩm nóng, thực phẩm có dung môi.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, tuyệt đối không nên làm như vậy.

Theo lý giải chuyên gia này, thùng sơn là polime đã kết dẻo. Do đã được tổng hợp lại nên nó không độc vì không hòa tan. Nhưng trước khi thành polime nó là những đơn chất, được gọi là monome.

"Trong quá trình làm vẫn còn một số monome tồn tại, phân tử này hòa tan được vào nước dưa. Khi vào cơ thể, nó sẽ hòa tan trong máu, hòa tan vào tế bào và gây ung thư", tiến sĩ Thịnh nói và giải thích thêm, nguy cơ ung thư sẽ tùy thuộc vào việc ăn dưa muối, cà muối từ thùng sơn nhiều hay ít.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo, các loại thùng sơn còn nguy hiểm hơn các loại thùng nhựa bình thường vì còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi... từ sơn. Thức ăn cần được bảo quản đúng cách trong các vật lưu trữ bằng nhựa thực phẩm. 

Nguy cơ ung thư từ dưa, cà muối bằng thùng sơn - 1

Các nhà khoa học khuyến cáo người dân không đựng dưa, cà muối trong thùng sơn. Ảnh:TL.

"Nếu nhìn thấy người bán hàng đựng cà, dưa nói riêng và thực phẩm nói chung vào các thùng sơn cũ nên thẳng thừng tuyên bố với họ tôi không mua loại này, đây là loại nhà nước cấm dùng" - PGT.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Hóa học (Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, tiêu chuẩn nhựa dùng trong ngành công nghiệp và nhựa trong ngành thực phẩm được quy định hoàn toàn khác nhau. Việc khuyến cáo người dân không nên dùng nhựa công nghiệp trong ngành thực phẩm là hoàn toàn đúng.

Về tác hại của thùng sơn khi muối dưa, tiến sĩ Côn cho hay, dùng thùng sơn để đựng thực phẩm nóng, chín, thực phẩm có tính axit như dưa muối, cà muối... thì monome từ nhựa polime có thể tan ra và giữ lại trong nước. Khi ăn sẽ theo thức ăn vào cơ thể.

“Việc dùng thùng sơn cũ để đựng gạo, thóc, ngô, đồ khô... có thể chấp nhận được vì monome còn sót từ thùng sơn có thể bay hơi, không thẩm thấu như với thực phẩm chín, hoặc thực phẩm có dung môi”, tiến sĩ Côn nói.

Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, về mặt quản lý nhà nước, Bộ Y tế đã có văn bản kiểm soát quá trình sử dụng chất nhựa trong thực phẩm, để đảm bảo an toàn nhưng "không ai nghe".

Hoang mang với “chất trắng” trong dưa, cà muối

Liên quan tới “chất trắng” được cho là phụ gia cho vào dưa, cà khiến dưa không bị khú, nổi váng như truyền thống mà gần đây nhiều người lo lắng. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, “Chất trắng” được dùng trong muối dưa, cà là sorbat natri hay sorbat kali. Đây là chất không có độc, có khả năng tiêu diệt tạp khuẩn nhưng không tiêu diệt vi khuẩn lên men lactic.

Nếu như trước đây dân gian muối dưa, cà bằng cách làm sạch, hòa nước muối, muối, ép cho lên men, khiến cà chua, nhưng làm như vậy khả năng nhiễm khuẩn vẫn còn. Để tránh nhiễm khuẩn, người ta cho sorbat natri vào, đây là hóa chất được phép sử dụng, khiến dưa không khú, cà không bị nhớt.

Theo Thanh Huyền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot