Trong một cuộc họp vào giữa tháng 9.2013, bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu các nhà mạng “không được bán sản phẩm dưới giá thành”. Và yêu cầu này là “đèn xanh” cho các nhà mạng tăng cước 3G. Thế nhưng tăng bao nhiêu, bao giờ tăng, các nhà mạng còn gườm nhau vì lo ngại người dùng từ chối dịch vụ.
Theo số liệu của cục Viễn thông, tổng kinh phí đầu tư cho 3G tại Việt Nam tính đến nay đã trên 28.000 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 8.2013, có khoảng 20 triệu thuê bao 3G đã kích hoạt nhưng hoạt động thực tế chỉ khoảng 10 triệu thuê bao. Theo tính toán của các nhà mạng, doanh thu từ dịch vụ 3G trong năm 2013 ước chừng 7.200 tỉ đồng. Nguồn thu này chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu dịch vụ di động. Theo đánh giá của phòng giá cước và khuyến mãi cục Viễn thông, bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), tuỳ theo gói, giá bán dịch vụ 3G chỉ bằng 35 – 62% giá thành.
Bán giá thấp để hút khách
Ông Nguyễn Đình Chiến, phó giám đốc Mobifone cho biết, việc chấp nhận các gói cước 3G giá thấp đã làm tăng thuê bao, khai thác được băng thông nhưng cho đến thời điểm này, chưa có nhà mạng 3G nào có lãi, mà chỉ lỗ. Ông Nguyễn Anh Dũng, trưởng đại diện của Vietnamobile tại TP.HCM, cũng xác nhận: “Đầu tư 3G là chuyện phải làm nhưng với giá cước hiện nay, các nhà mạng đều lỗ”. Trong các nhà mạng có 3G, Vietnamobile chịu lỗ ít nhất vì mạng 3G của họ mới hoạt động nhưng rõ ràng, với chi phí đầu tư cao, doanh thu thấp nên nhà mạng này chỉ phát triển 3G ở ba thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Tháng 10.2009, Viettel trải nghiệm kết nối 3G trước khi chính thức công bố dịch vụ mạng 3G. Ảnh: Minh Phúc
Đại diện một nhà mạng cho biết, thời gian qua nhà mạng đưa ra giá thấp để thu hút sử dụng 3G. “Đây cũng chính là khoảng thời gian chúng tôi phát triển nội dung chạy trên nền mạng 3G. Sau đó mới tính đến chuyện điều chỉnh giá cước”, đại diện nhà mạng này cho biết. Nhưng chính việc các nhà mạng “níu chân” nhau bằng những gói cước giá thấp đã làm chính các nhà mạng tự “bắn vào chân mình”. Lần điều chỉnh giá cước 3G gần đây nhất là vào ngày 1.4.2013, Vinaphone và Mobifone đã điều chỉnh giá gói cước 3G Max từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng. Còn Viettel, Vietnamobile “nghiến răng” chịu đựng, không tăng cước để giữ chân khách hàng.
Đến lúc “gặt lông cừu”
Một nguồn tin cho biết, dự kiến đầu tháng 10.2013, giá của nhiều gói cước, nhất là những gói cước 3G sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Ông Nguyễn Sơn Hải, phó phòng kinh doanh của Vinaphone cho rằng, điều chỉnh cước là chuyện bắt buộc phải làm vì nhiều năm nay nhà mạng đã chịu lỗ. Còn ông Chiến bình luận: “Với tình hình kinh doanh mạng 3G như hiện nay, nhà mạng khó có đủ sức để mở rộng mạng 3G, nói gì đến việc đầu tư mạng 4G trong tương lai”.
Viettel là nhà mạng đầu tiên đặt vấn đề với bộ TT&TT về chuyện điều chỉnh giá của gói cước nhưng lộ trình, mức tăng, nhà mạng này từ chối tiết lộ vì cho rằng đây là bí mật kinh doanh. Các nhà mạng khác như Vinaphone, Mobifone, theo chân Viettel cũng đang chuẩn bị trình bộ TT&TT phương án tăng cước.
Dù không tiết lộ chi tiết nhưng các nhà mạng đang kinh doanh 3G đều cho rằng, tăng cước 3G cần có lộ trình để tránh những phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng. Đại diện một nhà mạng cho biết, nếu tuân thủ đúng việc không bán dưới giá thành, mức tăng cước sẽ phải là 100%, nghĩa là gấp đôi giá hiện hành. Ông Dũng chia sẻ: “Phải cân nhắc và tính toán kỹ trước khi điều chỉnh giá cước. Cuộc sống của người dân đang khó, nếu tăng quá mạnh nhà mạng sẽ thiệt thòi”.
Được biết, cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng phải dành những gói cước phổ cập với mức giá thấp, từ 10.000 – 20.000 đồng/tháng cho người dân vùng sâu vùng xa.