Chất đường hóa học trong ô mai khô cao gấp 2,5 lần so với ngưỡng quy định an toàn của Bộ Y tế.
Loại ô mai mai khô (Ô mai ngũ vị) của Công ty Cổ phần Quí Hợp (số 3, Hàng Giầy, Hoàn Kiếm) có hàm lượng đường hóa học Acesulfam K 2695 mg/kg, cao gấp 2,5 lần so với quy định của Bộ Y tế.
Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, trong 18 mẫu ô mai khô được lấy để kiểm nghiệm về chất tạo ngọt, chất bảo quản và phẩm mầu thì có 17 mẫu đạt các quy định về an toàn thực phẩm. Chỉ riêng mẫu ô mai khô trên là có hàm lượng đường hóa học cao (Tiêu chuẩn cho phép là 1000 mg/kg).
Được biết, chất Acesulfam K hay E950 là chất tạo ngọt nhân tạo, ngọt hơn đường 150 lần. Hiện nay có nhiều tranh cãi về tính độc hại của nó đối với sức khỏe. Một số nước vẫn chấp nhận đây là chất an toàn với ngưỡng giới hạn cho phép.
Trong đợt kiểm tra này, Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng tiến hành lấy mẫu kiểm tra một số mặt hành thực phẩm hay sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Kết quả cho thấy, 5 mẫu rượu kiểm tra có các chỉ tiêu xét nghiệm hóa lý, vi sinh an toàn. 5 mẫu hạt khô cũng đạt tiêu chuẩn về hóa lý, vi sinh vật. 11 mẫu nước quả các loại, 10 mẫu bánh kẹo cũng đã được xét nghiệm cho kết quả an toàn.
Chi cục an toàn thực phẩm cũng lấy mẫu của các mặt hàng rất “nhạy cảm” với chất bảo quản, hàn the là giò, xúc xích và măng khô. Theo đó, 10 mẫu giờ, nem chua, xúc xích, lạp xưởng được lấy xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn về hóa lý, vi sinh vật.
7 mẫu măng tươi (gồm măng củ tươi, măng lá tươi) và 8 mẫu măng khô (gồm măng lá khô, măng củ khô, măng vầu khô) đều cho kết quả âm tính với phẩm màu kiềm và hàm lượng lưu huỳnh tổng đều ở mức thấp.