Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho biết, 23 mẫu xúc xích bò (một số mẫu có nhãn mác, được cấp phép đầy đủ) thì có tới 8 mẫu không phát hiện có hàm lượng thịt bò, 15 mẫu còn lại hàm lượng thịt bò cực thấp.
Thịt bò mà lại không phải là thịt bò, mua phở bò, giò bò nhưng lại phải ăn sản phẩm làm từ thịt lợn…là những vấn đề gây rất nhiều bức xúc cho người dân trong những ngày vừa qua. Theo đó, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia vừa công bố kết quả kiểm tra, giám sát các mẫu thịt bò, sản phẩm từ bò trên địa bàn Hà Nội. Kết quả được công bố khiến rất nhiều người không khỏi bất ngờ, khi không chỉ những sản phẩm làm từ bò như: giò bò, xúc xích bò bị làm giả mà ngay cả bò tươi, thịt bò cũng bị làm giả.
Cụ thể, trong 44 mẫu thịt bò tươi, có 35 mẫu là thịt bò thật, còn lại 8 mẫu là thịt lợn, 1 mẫu là thịt trâu. Ngoài ra, kết quả lấy mẫu từ 10 cửa hàng chuyên phở bò được kiểm nghiệm, có 8 quán là phở bò, còn lại 2 quán là phở thịt lợn. Trong 12 mẫu nạm bò thì chỉ có 2 mẫu là bò thật còn có tới 10 mẫu là thịt lợn.
Nhiều quán phở bò dùng thịt lợn để bán cho khách.
Đặt biệt, trong số 20 mẫu giò bò được lấy tại chợ và siêu thị thì 9 mẫu hoàn toàn là thịt lợn, 8 mẫu hàm lượng bò thấp, chiếm 13%, 2 mẫu có lượng thịt bò chiếm 33% và 1 mẫu duy nhất đạt hàm lượng thịt bò 60%.
Ngoài ra, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cũng đã lấy 23 mẫu xúc xích bò tại chợ và một số mẫu có nhãn mác, được cấp phép đầy đủ thì có tới 8 mẫu không phát hiện có hàm lượng thịt bò, 15 mẫu còn lại hàm lượng thịt bò rất thấp.
Trước thực tế trên, nhiều người dân đã bức xúc cho rằng, từ trước đến nay người tiêu dùng đã bị “lừa” khi tiêu thụ các sản phẩm từ bò. “Xúc xích, giò bò thì khả năng pha trộn thịt lợn thì đã đành, nhưng thịt bò tươi, phở bò cũng bị làm giả thì không thể chấp nhận được”, chị Loan (Vạn Phúc – Ba Đình -Hà Nội) bức xúc.
Theo chị Loan, điều chị lo ngại nhất đó chính là việc làm giả thịt lợn mà giống y như thịt bò thì chắc chắn sẽ phải có chất phụ gia gì đó để có mùi vị giống thịt bò và đó là điều người dân hiện nay lo sợ nhất.
“Từ một miếng thịt lợn nạc có màu trắng hồng mà họ biến thành một miếng thịt bò có mùi đặc trưng và chuyển sang màu đỏ tươi thì quả là đáng sợ”, chị Loan bức xúc.
Còn về phía cơ quan chức năng, khi phóng viên trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Long – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc thịt bò và các sản phẩm làm từ bò nhưng không phải thịt bò dù chưa gây ảnh hưởng sức khỏe, nhưng đây là hành vi gian lận thương mại và sẽ phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp này.
Xúc xích vẫn có thành phần bò dù ít nhưng vẫn là bò.
Đối với trường hợp xúc xích bò nhưng tỷ lệ bò rất ít, TS Long cho biết, việc ghi nhãn rất quan trọng: “Nếu xúc xích bò thì thành phần phải được doanh nghiệp ghi bao nhiêu % bò ở ngoài bao bì, nếu xét nghiệm không đúng tỷ lệ % đó thì sẽ bị phạt.
Trong trường hợp sản phẩm đó dù tỷ lệ % nhỏ, chúng ta cũng không thể nói không có. Vấn đề doanh nghiệp công bố là bao nhiêu. Ví dụ 2% thì nó là 2%, không thể vượt quá cái đó được.
Còn nói rằng thịt bò mà không phải thịt bò là gian lận thương mại. Dù tôi chưa biết thịt bò không phải thịt bò là như thế nào nhưng sẽ xử lý theo gian lận thương mại. Như trường hợp trước đó ở châu Âu xúc xích thịt bò nhưng thực ra đó là thịt ngựa. Dù thịt ngựa đảm bảo an toàn nhưng đó là gian lận thương mại, sẽ chỉ xử lý gian lận thương mại”, TS Long nói.
Theo các chuyên gia, để chọn thịt bò thật, người tiêu dùng nên chọn miếng thịt đỏ tươi (không phải đỏ sậm), khi ấn tay vào thịt có sự đàn hồi tốt, sờ vào thịt không lạnh. Khác với thịt lợn, thịt bò có mùi thơm riêng biệt, người tiêu dùng chỉ cần ngửi có thể nhận ra mùi bò này. Với loại thịt bò trà trộn hoặc thị bò giả sẽ không có mùi thơm đặc trưng như vậy.