Ở Việt Nam đến cái tăm tre cũng bị làm giả

Ngày 29/10/2015 09:00 AM (GMT+7)

Người Việt Nam chúng ta rất thích hàng ngoại, thích hàng mẫu mã đẹp. Mua phải hàng giả cũng tắc lưỡi dùng được là được rồi.

Nội dung trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí diễn ra tại TP Đà Nẵng trong sáng 28-10, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức.

Ngổn ngang hàng giả

Ông Nguyễn Đăng Khoa (Trưởng phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), thông tin chín tháng đầu năm 2015, cơ quan quản lý thị trường cả nước đã phát hiện và xử lý 13.458 vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ, qua đó phạt tiền 41,2 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu là 25,8 tỉ đồng. Riêng tại Hà Nội, chín tháng đầu năm 2015, kiểm tra xử lý 894 vụ, phạt tiền 6,8 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm bị tịch thu là 4,8 tỉ đồng. Tại TP.HCM kiểm tra xử lý 403 vụ, phạt tiền 5,4 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 4,3 tỉ đồng.

Ở Việt Nam đến cái tăm tre cũng bị làm giả - 1

Ông Nguyễn Đăng Khoa (Trưởng phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) nói về tình hình hàng nhái, giả vi phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: LÊ PHI

Ông Khoa cũng cho rằng tới đây khi Việt Nam gia nhập cộng đồng chung ASEAN và TPP thì hàng giả, nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ rất khó kiểm soát nếu như không có các biện pháp đồng bộ.

Ông Khoa nói thời gian qua vấn nạn nổi lên là hàng thực phẩm chức năng, phân bón giả xảy ra rất phổ biến. Trong khi đó, ngay cả con gái ông khi đòi mua giày để mang thì cũng sính hàng ngoại. Nhưng hàng ngoại thì không có tiền mua nên dùng hàng nhái cũng được. Mà hàng này là hàng Trung Quốc nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Cái tăm cũng bị làm giả

Trong khi đó, Đại tá Hoàng Văn Trực (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) thông tin: “Tất cả mặt hàng ở Việt Nam đều bị làm giả cả. Đơn giản như tăm tre cũng bị làm giả cho tới các mặt hàng phức tạp khác”. 

Theo Đại tá Trực, để xảy ra tình trạng hàng nhái, hàng giả thì trách nhiệm của lực lượng phòng ngừa, xử lý, điều tra, phát hiện các mặt hàng này là có vấn đề. Bên cạnh đó là các đơn vị liên quan thì không mặn mà với vấn đề này. Ngoài ra, các lực lượng thực thi đang gặp khó khăn vướng mắc từ cơ chế đến pháp luật, kể cả công tác phối hợp xử lý như: cơ chế có rất nhiều vấn đề; pháp luật cũng còn chung chung khi áp dụng vào thực tiễn thì gặp rất nhiều khó khăn; nhận thức liên quan đến vấn đề này giữa các cơ quan thực thi cũng rất còn khác biệt.

Để minh chứng cho tình trạng người Việt sính ngoại nhưng "dính" hàng giả, hàng nhái, Đại tá Hoàng Văn Trực chia sẻ: “Người Việt Nam chúng ta rất là thích hàng ngoại, thích hàng mẫu mã đẹp. Mua phải hàng giả cũng tặc lưỡi dùng được là được rồi mà chưa ý thức được quyền của mình. Nhận thức về quyền sỡ hữu trí tuệ rất kém”.

Ở Việt Nam đến cái tăm tre cũng bị làm giả - 2

Đại tá Hoàng Văn Trực (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) cho biết hàng giả, hàng nhái vẫn rất phổ biến. Ảnh: LÊ PHI

Cũng theo Đại tá Trực, khi lực lượng chức năng tiến hành vào cuộc điều tra các vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ thì rất nhiều vụ các doanh nghiệp từ chối không chịu làm việc. “Dù mặt hàng của họ bị xâm phạm nhưng họ vẫn không hợp tác. Họ sợ khi lên báo chí thì dù thế nào cũng bất lợi nên im cho qua” - Đại tá Trực nói.

Đại tá Hoàng Văn Trực cũng góp ý có những vụ việc thà đừng giám định còn hay hơn. Vị đại tá này ví dụ: Có vụ giám định mố cầu ở Gia Lai sau lũ. Trị giá mố cầu này chỉ 1 tỉ đồng nhưng tiền giám định thì tốn tới 2 tỉ đồng. Có những mặt hàng ở nước ngoài không thể giám định được vì không biết tìm ra đâu mặt hàng chính ở trong nước.

Đại tá Hoàng Văn Trực cảnh báo là có tới 98% rượu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) là giả. “Khi chúng tôi cùng các chuyên gia Pháp đến đây thì phát hiện ra có những loại rượu mà nước Pháp chưa từng sản xuất, thế nhưng lại có ở Lao Bảo. Trong khi đó trên 90% mỹ phẩm là giả” - Đại tá Trực nhấn mạnh.

Về công tác chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, Đại tá Trực cho hay: “Đã ăn lương là phải làm. Chúng tôi sẽ cố gắng chỉ đạo toàn lực lượng để làm tốt công tác này. Chúng tôi cũng thừa nhận mình còn tồn tại nhiều yếu kém và có vấn đề nhưng sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới”. 

Theo Lê Phi
Nguồn: Pháp luật TP.HCM

Tin liên quan