Một số công ty từ chối thu hồi vỏ bình gas khiến người tiêu dùng bị thiệt.
Theo Nghị định 19 ban hành năm 2016 về kinh doanh khí, vỏ bình thuộc sở hữu của các công ty gas đầu mối, trong quá trình lưu thông, tổng đại lý, đại lý và người tiêu dùng không mua vỏ bình gas mà chỉ “ký cược” để bảo đảm nghĩa vụ trả vỏ bình đã mượn sau này. Tuy nhiên, thực tế, nhiều công ty gas không mặn mà chuyện thu hồi khiến vỏ bình từ hợp pháp trở thành “trôi nổi”, tiếp tay cho nạn sang chiết gas trái phép mà chính các công ty gas cũng nhiều lần kêu ca.
Không nhận lại tài sản của mình!
Cuối tháng 3 vừa rồi, chị N.A (ngụ quận Bình Tân, TP HCM), khách hàng dùng gas thương hiệu Gia Đình của Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha qua hệ thống bán lẻ gas Bình Minh, không có nhu cầu dùng gas tiếp nên gọi đến tổng đài yêu cầu nhân viên đến thu hồi vỏ bình để lấy lại tiền thế chân. Bình Minh là hệ thống bán lẻ gas lớn trên thị trường hiện nay với khoảng 100 cửa hàng, trong tổng số gần 1.200 cửa hàng ở TP HCM. Thế nhưng, người trực điện thoại lại trả lời là trước giờ Bình Minh không thu hồi vỏ bình và gợi ý liên hệ với các đại lý gas gần nhà để xem họ có thu mua hay không.
Vỏ bình là tài sản của các công ty kinh doanh gas
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Loan, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha (chủ sở hữu chuỗi bán lẻ gas Bình Minh, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam), xác nhận về nguyên tắc, vỏ bình là của công ty gas. Khi người tiêu dùng không có nhu cầu dùng thì có thể trả vỏ bình và lấy lại tiền đặt cọc. “Có công ty gas yêu cầu người tiêu dùng cung cấp chứng từ đặt cọc để tránh thu hồi phải vỏ bình trôi nổi, quá hạn kiểm định. Còn công ty chúng tôi thu hồi nếu đúng là bình của công ty và không cần chứng từ” - ông Loan khẳng định.
Thực tế, phần lớn đại lý bán lẻ không giao chứng từ đặt cọc cho khách hàng và khách hàng cũng ít biết đến quyền lợi này.
Về trường hợp của chị N.A, ông Loan cho biết sẽ thỏa thuận với khách hàng thu hồi tạm vỏ bình, sau đó nếu khách hàng chuyển đến chỗ mới thì công ty thay vỏ bình khác. Còn trả lại tiền thì chưa biết hoàn lại bao nhiêu vì “chưa có tiền lệ”!
Sau khi phản ánh đến lãnh đạo công ty, nhân viên hệ thống bán lẻ gas Bình Minh đã đến nhà thu hồi vỏ bình và trả lại cho chị N.A 250.000 đồng.
Đầu tháng 4, phóng viên liên hệ với tổng đài của hệ thống bán lẻ gas Bình Minh để hỏi về chi phí lắp mới thì được báo tiền đặt cược vỏ bình là 270.000 đồng, trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm, khách hàng có thể trả vỏ bình để lấy lại tiền cọc.
Đại diện thương hiệu gas Saigon Petro (gas SP) cho biết không thu hồi vỏ bình từ người tiêu dùng mà thông qua hệ thống phân phối.
Bán phế liệu
Tại nhiều cuộc họp về chống nạn gas giả, các công ty thường kêu ca bị thiệt hại do đầu tư vỏ bình gas đến 500.000 đồng/bình nhưng thế chân chỉ 250.000 đồng nên bị chiếm dụng.
Nếu mức thu hồi rẻ hơn chi phí sản xuất bình mới, tại sao các công ty không mặn mà thu hồi? Lý do được nhiều doanh nghiệp giải thích là do vỏ bình gas đang thừa so với nhu cầu. Còn công ty nào thiếu vỏ bình thì có thể bổ sung bằng cách mua từ nguồn trôi nổi với giá rẻ hơn.
Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều đại lý bán gas lẻ ở TP HCM thì lúc đầu, tiền vỏ bình phần lớn được tính 250.000 đồng. Khi khách trả vỏ bình, phần lớn đại lý thu lại với mức 200.000 đồng. Với những người mua gas không từ đại lý cố định thì rất khó trả lại bình nên phải bán cho dân thu mua phế liệu với giá rất thấp.
Sự thờ ơ của các công ty gas trong việc thu hồi tài sản của mình đã góp phần hình thành thị trường giao dịch ngầm vỏ bình và đây cũng là nguồn cung vỏ bình cho các điểm sang chiết gas trái phép.
Một đầu nậu tại quận 12, TP HCM cho biết thu mua vỏ bình gas đồng giá 150.000 đồng/bình.
Tiếp tay cho gas giả Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, người có nhiều kinh nghiệm trong việc xử phạt việc chiết nạp gas trái phép - nhìn nhận các công ty đã góp phần hình thành thị trường ngầm vỏ bình gas giá rẻ dẫn đến tình trạng thu gom, cắt quai, mài vỏ bình trái phép. |