Rau muống đã tăng từ 5.000 đồng/mớ lên mức 7.000 đồng/mớ nhỏ, 12.000 đồng/mớ to, rau cải lên 20.000 đồng/mớ…Các loại rau xanh đã tăng từ 40% - 70%.
Đắt vì nguồn cung ít
Những ngày mưa to kéo dài vừa qua cộng với bão số 5 diễn biến ngay sau đó đã làm cho nhiều vùng trồng rau tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận bị ngập úng hoặc giập nát. Mưa bão cũng làm cho việc vận chuyển rau đến các chợ khó khăn hơn. Vì thế và giá rau xanh đã đội giá từ 40% - 70% tùy loại.
Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), sáng 5/8, một mớ rau muống đã lên giá thành 7.000 đồng/mớ nhỏ, 12.000 đồng/mớ to. Trước đó, rau muống chỉ từ 5.000 đồng/mớ - 7.000 đồng/mớ.
Rau cải ngọt cũng tăng từ 12.000 đồng/kg trước đó lên mức 20.000 đồng/kg. Cải ngồng từ 15.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Các loại rau cải đều bị giập, úng, lá và thân bị gãy, úa nhiều, không được tươi ngon như trước khi bão.
Các loại rau gia vị cũng tăng giá mạnh. Húng thơm từ 500 đồng/mớ - 1.000 đồng/mớ tăng lên 2.000 đồng/mớ. Các loại rau thơm khác như tía tô, xương sông, mùi tàu cũng tăng lên thành 1.500 đồng/mớ - 2.000 đồng/mớ, hành hoa lên 20.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Lan, bán rau tại chợ Ngọc Hà cho hay, ngay từ sau trận mưa to kéo dài ở miền Bắc rồi tiếp theo là đến bão, giá rau liên tục đắt. Ngày trước khi bão đổ bộ vào theo dự báo, hầu hết các loại rau đều tăng giá gấp đôi nhưng không có đủ mà bán do nguồn cung ít, nhiều người lại mua thêm để tích trữ. “Như ngày thứ 6 tuần trước, đến 10 giờ sáng tôi đã bán sạch các loại rau trên sạp trong khi bình thường phải bán đến 11 giờ rưỡi rau trên sạp mới vãn bớt”, chị Lan nói.
Sẽ đắt khoảng 1 tuần nữa
Vùng trồng rau Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) ngập trong mưa (Ảnh: Thu Hoài)
Nhận định về tình hình tăng giá mạnh các loại rau trong thời gian mưa to kéo dài và trận bão số 5 vừa qua, ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay: Trận mưa và bão vừa rồi nhìn chung là các loại rau nhiệt đới như bí, đậu, rau muống, dưa chuột …ít bị thiệt hại, chỉ có một ít rau cải mới gieo sẽ bị ảnh hưởng. Nếu quy ra diện tích rau cải bị thiệt hại cũng ít chứ không nhiều, hầu hết các vườn cải mới gieo bị nát và sẽ phải gieo lại.
Theo ông Hồng, nhận định chung về lượng cung thì giảm đi không đáng kể. Tuy nhiên, trong những ngày mưa, bão, có hiện tượng ít rau tại chợ hoặc hiện tượng giá một số loại rau không bị ảnh hưởng như rau muống, rau bí, dưa chuột… cũng tăng cao không kém các loại rau cải bị ảnh hưởng là do trời mưa, ngập, người nông dân không thu hái được đủ lượng như mọi khi. Hơn nữa, trong khi mưa gió thì việc vận chuyển rau đến các chợ cũng khó khăn hơn điều kiện bình thường. Điều này dẫn đến nguồn cung tạm thời bị đứt trong những ngày đó. Về giá rau tăng mạnh là do một phần việc thu hái bị ảnh hưởng nên giá thu mua tại ruộng tăng lên, cộng với tiểu thương đẩy giá.
Do đó, theo ông Hồng, hiện tượng sốt giá rau hiện nay không đáng lo ngại lắm bởi về cơ bản thì nguồn cung không bị thiếu nặng nề và dài ngày. “Do đó, dự báo chỉ khoảng một tuần nữa, giá rau sẽ lại trở về như mức cũ”, ông Hồng nói.
Ngoài ra, ông Hồng cũng cho hay, nguồn cung rau cho Hà Nội hiện khá dồi dào. Các vùng sản xuất rau của Hà Nội như Từ Liêm, Vân Nội … cung cấp được khoảng một nửa tổng số rau tiêu thụ hàng ngày bao gồm các loại rau ngót, mồng tơi, rau muống, đậu trạch, đậu đũa… Một nửa lượng tiêu thụ còn lại là là các tỉnh chở về như: su su của Vĩnh Phúc. Khoai tây ngoài nguồn cung là Hà Nội còn có Thái Bình, Bắc Ninh. Ngoài ra còn có một số ít các loại rau nhập khẩu ôn đới khác như như cà rốt, bắp cải…