Giá xăng dầu bất ngờ tăng 3 lần chỉ trong vòng hơn một tháng, giá thực phẩm vì thế cũng nhích nhẹ theo từng lần tăng.
Sau gần một tuần tăng giá xăng lần thứ 3 liên tiếp, nhiều chị em nội trợ đã thấy giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh tại các chợ nội thành Hà Nội tăng nhẹ khoảng 5% - 10% so với hồi cuối tháng 6 vừa qua.
Tăng theo giá xăng
Cụ thể, tại chợ Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội, giá một kg khoai tây đã tăng từ 13.000 đồng/kg lên mức 15.000 đồng/kg. Nhiều loại rau ăn lá khác cũng tăng khoảng 500 đồng – 10.000 đồng/mớ hoặc kg.
Rau cải xanh đã tăng từ 3.000 đồng/mớ lên 4.000 đồng/mớ. Những loại rau thơm như xương sông, tía tô cũng cũng khoảng 500 đồng mỗi mớ.
Rau muống tăng từ 5.000 đồng/kg lên mức 6.000 đồng/kg. Rau dền, rau ngót tăng từ 3.000 đồng/mớ lên 4.000 đồng/mớ.
Mướp cũng tăng từ 8.000 đồng/kg – 9.000 đồng/kg lên mức 10.000 đồng/kg – 12.000 đồng/kg, mướp hương giá 15.000 đồng/kg. Mướp Nhật cũng tăng từ 10.000 đồng/kg lên mức 12.000 đồng/kg.
Các loại thịt cũng đã nhích nhẹ. Thịt ba chỉ từ 85.000 đồng/kg loại ngon lên mức 90.000 đồng/kg, sườn tăng lên 5.000 đồng/kg lên mức 95.000 đồng/kg – 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thịt bò hầu như vẫn giữ giá, bắp bò vẫn giá 250.000 đồng/kg.
Đi chợ thời “bão giá”
Với 3 lần tăng liên tiếp, mỗi lần tăng tuy không lớn nhưng cộng chung cả 3 lần lại, giá xăng đã tăng tới hơn 1.100 đồng/lít, mỗi lần tăng đều kéo giá thực phẩm nhích nhẹ.
Điều này khiến khoản chi tiêu dành cho bữa ăn hàng ngày của chị em nội trợ càng trở nên eo hẹp.
Giá thịt lợn đã tăng gần 50% so với năm 2010
Chị Nguyễn Thị Hạ, trú tại phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội cho hay, chị đã phải chuyển từ thói quen tiện đâu mua đấy, lúc nào nấu ăn thì chạy ra chợ cóc gần nhà mua để sáng được ngủ thêm một chút trước lúc đi làm thì giờ đã phải tranh thủ dậy sớm đi chợ buổi sáng và đi xa hơn một chút để mua rẻ hơn được một vài giá mỗi kg thịt hay mớ rau. “Trước đây, tôi cứ tiện ra chợ cóc gần nhà mua thực phẩm thì nay đã phải tranh thủ đi chợ buổi sáng, ra tận chợ trên phố Trung Kính, thường thịt rẻ hơn được khoảng 5.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg, rau thì tùy, đa số là rẻ hơn chợ cóc. Chợ xa nên tôi mua nhiều rau, thịt để trong tủ lạnh, một tuần đi chợ 2 lần lần. Nhưng cũng vì thế mà thức ăn lại không được tươi ngon như trước.”
Thời buổi công việc khó khăn, hai vợ chồng đều làm thuê cho công ty tư nhân nên thu nhập mấy năm liền không tăng, chị Hạ lo lắng: “Suốt 3 năm nay, lương cả hai vợ chồng tôi đều không được tăng, trong khi đó, giá cả chi tiêu cho đời sống gia đình ở tất cả các mặt đã tăng quá nhiều”. So sánh giá một kg thịt ba chỉ ở thời điểm giữa năm 2010, chỉ có 60.000 đồng/kg – 65.000 đồng/kg nay đã tăng lên 95.000 đồng/kg, tăng tới 46%. Tương tự, thịt bò cũng tăng từ 150.000 đồng/kg lên mức 250.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, mắm… cũng tăng ở mức tương đương.
Chị Hạ chia sẻ: “Nếu như thời điểm 2009, 2010, mỗi tháng tôi đều bỏ ra được một số tiền nho nhỏ để tiết kiệm, thì đến bây giờ, thời gian làm việc lâu hơn, kinh nghiệm nhiều hơn nhưng tôi lại không thể bỏ ra được đồng tiết kiệm nào, tháng nào chi tiêu hết tháng đấy”.
Theo các chuyên gia, sự kéo giá theo giá xăng lần này ngoài tác động thực tế còn do tác động tâm lý bởi theo Bộ NN&PTNT trong 6 tháng đầu năm 2013, thị trường sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm chăn nuôi theo xu hướng giảm, giá bán ra thị trường thấp hơn giá thành sản phẩm, người chăn nuôi hiện không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Cả chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều gặp khó khăn, số lượng đàn thu hẹp.
Ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, 3 lần tăng giá xăng liên tiếp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng khác, trong đó có nhóm lương thực, thực phẩm. Trong bối cảnh hiện tại khi sản xuất gặp khó khăn, sức mua lại cũng đang cạn kiệt, cả sản xuất và tiêu dùng đều phải “thắt lưng buộc bụng” thì việc tăng giá này sẽ tạo sức ép rất lớn đối với người dân, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp lao động thu nhập thấp. Thực tế, chất lượng bữa ăn của người dân trong 3 – 4 năm trở lại đây đã giảm sút, người nghèo và người lao động làm công ăn lương luôn phải gồng mình thích ứng, cắt giảm mọi khoản chi tiêu, từ mua sắm cá nhân tới ăn uống.
Theo công bố của Cục Thống kê TP.Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 (CPI) đã tăng 0,22% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Tại TP.HCM, CPI tháng 7 cũng tăng 0,17% so với tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu của việc CPI tại 2 thành phố lớn tăng trong tháng 7 là do tác động từ những lần điều chỉnh giá xăng dầu dồn dập, liên tiếp vừa qua. |