Nhà đầu tư đã trấn tĩnh trong phiên giảm sâu ngày hôm qua nên VN-Index tăng vọt.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chấn động khi VN-Index mất tới gần 33 điểm. Nhiều nhà đầu tư bán tháo bằng mọi giá khiến hàng loạt mã giảm sàn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tăng vọt do khối ngoại và tự doanh gom hàng đã thắp lên niềm hy vọng cho thị trường.
Bên cạnh đó, lời cảnh báo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cũng góp phần giúp nhà đầu tư trấn tĩnh hơn. Kết quả là mở cửa sáng nay, thị trường giao dịch lạc quan hơn. Tốc độ giảm của VN-Index được kiềm chế. Thậm chí, sau một hồi giằng co mạnh, VN-Index liên tục đảo chiều rồi giữ vững được sắc xanh.
Tới phiên chiều, tâm lý lo ngại của nhà đầu tư hoàn toàn được tháo gỡ. Lực cầu giá cao xuất hiện ngày càng nhiều nên càng về cuối phiên, VN-Index tăng càng mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch 9/5, VN-Index tăng 15,37 điểm, tương ứng 2,92% và dừng ở mức 542,46 điểm. Mặc dù tăng điểm mạnh nhưng sàn thành phố Hồ Chí Minh lại đi lùi về thanh khoản
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 118.856.310 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.716.017 tỷ đồng, giảm rất mạnh mẽ so với hôm qua. Dòng tiền bắt đáy khá khiêm tốn so với ngày hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 3.367.670 cổ phiếu, tương ứng 63,47 tỷ đồng.
Toàn sàn ghi nhận có 162 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.
VN30-Index tăng mạnh nhưng tốc độ tăng vẫn khiêm tốn so với VN-Index. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5, VN30-Index tăng 12,6 điểm, tương ứng 2,19% và dừng ở mức 587,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37.240.570 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 857,16 tỷ đồng, giảm mạnh so với hôm qua. Nhóm VN30-Index có 23 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 4 mã giảm giá.
Trong nhóm blue-chip, chỉ có 4 mã giảm giá. CII gây ấn tượng nhất khi tiếp tục giảm sàn dù thị trường hừng hực khí thế. CII giảm 1.500 đồng/CP xuống 21.100 đồng/CP. Trong phiên, không có bất cứ thời điểm nào CII thoát được mức giá sàn. Trên bảng giao dịch điện tử, dư mua CII hoàn toàn trống trơn. 3 blue-chip còn lại đi ngược với thị trường là FPT giảm 1.200 đồng/CP xuống 46.300 đồng/CP, SHG giảm 1.100 đồng/CP xuống 42.000 đồng/CP, REE giảm 200 đồng/CP xuống 23.900 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, PPC là blue-chip duy nhất tăng trần. PPC tăng 1.300 đồng/CP lên 20.300 đồng/CP. Hôm qua, VNM giảm mạnh nhất trong nhóm blue-chip. Còn hôm nay, điều ngược lại xảy ra. VNM tăng 5.000 đồng/CP lên 130.000 đồng/CP. VNM cách giá trần không xa. Đứng sau VNM là MSN tăng 3.000 đồng/CP lên 90.000 đồng/CP, KDC tăng 2.000 đồng/CP lên 57.000 đồng/CP, HPG tăng 2.200 đồng/CP lên 46.200 đồng/CP.
Sàn Hà Nội
Hôm qua, sàn Hà Nội lao dốc mạnh hơn hẳn sàn thành phố Hồ Chí Minh. Hôm nay, sàn Hà Nội phục hồi nhanh hơn. Kết thúc phiên giao dịch 9/5, HNX-Index tăng 2,54 điểm, tương ứng 3,54% và đóng cửa ở mức 74,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 65.043.209 cổ phiếu, tương ứng 568,426 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 499.551 cổ phiếu, tương ứng 4,11 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 182 mã tăng giá, 33 mã đứng giá và 54 mã giảm giá.
Trong 4 chỉ số chính trên cả 2 sàn, HNX30-Index là chỉ số có tốc độ tăng mạnh nhất. Chốt phiên ngày 9/5, HNX30-Index tăng 5,89 điểm, tương ứng 4,24% và đóng cửa ở mức 144,67 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 49.282.800 cổ phiếu, tương ứng 465,27 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với hôm qua. Nhóm HXN30-Index có 24 mã tăng giá, 4 mã giảm giá và 2 mã giảm giá.
Trong nhóm blue-chip, 2 mã hiếm hoi giảm giá là HUT và SHS. HUT giảm 200 đồng/CP xuống 9.600 đồng/CP, SHS giảm 100 đồng/CP xuống 7.400 đồng/CP. Cả 2 mã này đều có thời điểm giảm sàn và khối lượng giao dịch tương đối thấp.
Trên sàn Hà Nội, có 2 blue-chip tăng trần. PVX tăng 400 đồng/CP lên 4.800 đồng/CP, VND tăng 1.200 đồng/CP lên 14.000 đồng/CP. Một số blue-chip tăng giá mạnh khác có thể kể đến như PVS tăng 2.200 đồng/CP lên 25.200 đồng/CP, HMH tăng 1.700 đồng/CP lên 21.800 đồng/CP, PGS tăng 1.500 đồng/CP lên 27.900 đồng/CP.