Lộ trình “phổ cập” xăng sinh học đến người tiêu dùng càng thêm gian nan bởi giá bán mặt hàng này gần như không còn khả năng cạnh tranh.
Sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 19-8, giá bán xăng RON 92 và xăng E5 đã ngang ngửa nhau, lần lượt là 15.374 đồng/lít và 15.225 đồng/lít. Điều này khiến nhiều ý kiến nghi ngại khả năng hoàn thành lộ trình thay thế xăng khoáng bằng xăng sinh học sẽ càng khó khăn.
Đổi cách tính, giá tăng thêm 350 đồng/lít
Theo quy định của Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 39 trước đó, giá cơ sở xăng E5 được xác định bằng 95% giá xăng RON 92 (đã tính đến thuế nhập khẩu và tỉ giá ngoại tệ) cộng với 5% giá ethanol nhiên liệu cùng các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, chi phí kinh doanh định mức, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức…
Như vậy, chênh lệch giữa giá xăng RON 92 và xăng E5 có phần do chênh lệch từ giá cồn ethanol được sử dụng để phối trộn. Trong đó, vấn đề đáng nói là giá cồn ethanol hiện cao hơn giá xăng khoáng nhập khẩu ở mức đáng kể. Theo một đầu mối xăng dầu, giá cồn ethanol hiện khoảng trên 13.000 đồng/lít, trong khi giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu bình quân chỉ trên 10.000 đồng/lít. Như vậy, tuy chỉ 5% giá cồn ethanol được tính vào công thức giá cơ sở xăng E5 nhưng phần chênh lệch vẫn là đáng kể.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu, hiện giá cồn ethanol đã chạm đáy, tức là mức thấp nhất có thể và chắc chắn sẽ không giảm thêm nữa. “Như vậy, chỉ trừ khi giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu vọt lên mức cao thì giá xăng E5 mới lội ngược dòng quay về mức cạnh tranh được. Còn nếu vẫn duy trì tình trạng này thì người tiêu dùng lại càng quay lưng với E5 vì giá không cạnh tranh được” - đại diện một DN phân tích.
Dù nhà nước khuyến khích nhưng xăng E5 vẫn chưa được số đông người tiêu dùng đón nhận Ảnh: TẤN THẠNH
Một yếu tố quan trọng khác cũng ảnh hưởng đến giá xăng sinh học E5 là chi phí định mức. Theo đó, từ ngày 15-8, cơ quan quản lý nhà nước cho phép DN đầu mối được tính chi phí kinh doanh định mức của mặt hàng xăng sinh học là 1.250 đồng/lít, cao hơn mức hiện hành 200 đồng/lít (để bù đắp các chi phí trong khâu sản xuất). Mức này cũng cao hơn chi phí định mức được áp dụng cho xăng khoáng 200 đồng/lít. Theo tính toán từ các đầu mối, với các yếu tố trên, giá cơ sở của xăng E5 đã tăng thêm khoảng 350 đồng/lít so với cách tính trước đây.
Tuy chi phí kinh doanh định mức ở mức cao là gánh nặng cho giá xăng E5 nhưng lại được phần lớn đầu mối xăng dầu tán thành. Theo họ, đầu tư kho, bồn, thiết bị… cho hoạt động phối trộn xăng sinh học là khá tốn kém, cần có sự bù đắp tương xứng. Do vậy, việc kiến nghị giảm chi phí sản xuất để giảm giá loại xăng thân thiện cho môi trường này là khó khả thi.
Chưa thấy lối ra
Trước đây, khi giá xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng ở mức tạm chấp nhận được là 500 đồng/lít, nhiều DN đã tỏ ra chán nản vì kết quả bán hàng không như kỳ vọng. Có DN cho rằng lượng xăng E5 bán ra mỗi tháng chỉ khoảng 1.200 m3, trong khi xăng RON 92 tiêu thụ đến 30.000 m3. “Đó là khả năng tiêu thụ khi giá xăng E5 thấp hơn xăng RON 92 mỗi lít 500 đồng. Giờ giá sàn sàn nhau thì chưa biết ra sao” - đại diện DN này băn khoăn.
Thậm chí, một trong những giải pháp đã được đặt ra từ lâu là kiên quyết ngừng hẳn xăng RON 92 để “buộc” người dân xài xăng sinh học thì kết quả thí điểm cho thấy cách này cũng chưa hẳn đạt mục tiêu. Có những địa phương dừng bán hẳn xăng RON 92, người tiêu dùng mua xăng E5 cũng chỉ đạt mức cao nhất là bằng 80% sản lượng tiêu thụ RON 92 trước đây, 20% còn lại được người tiêu dùng chuyển sang mua xăng RON 95 và chấp nhận giá cao.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), nhận định lộ trình áp dụng xăng sinh học chắc chắn sẽ khó thành công trong bối cảnh này bởi cồn ethanol giá cao lại khan hiếm. Trong khi đó, chủ trương nhất quán là tận dụng nội lực, tránh lãng phí tài sản đã đầu tư để sản xuất loại cồn này nên việc nhập khẩu ethanol cho dù có thể giá thấp hơn là khó được phép. Do vậy, cách duy nhất để giảm giá xăng sinh học hiện nay là giảm thuế môi trường nhưng lại vướng phải “rào cản” ngân sách khó khăn.
“Từ giờ đến cuối năm, thậm chí còn phải nỗ lực tăng thu thì việc ưu đãi thuế môi trường cho xăng E5 chắc chắn khó được chấp thuận. Trong khi đó, cách này gần như là phương án cuối cùng để cứu nguy cho xăng sinh học. Như vậy, cần chuẩn bị tâm lý cho việc lộ trình xăng sinh học bị đổ và có phương án ứng phó hoặc thay thế khác cho phù hợp” - ông Tiu nêu ý kiến.