Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia nhập khẩu lớn sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El Nino gây ra.
Tháng 1/2016 xuất khẩu gạo tăng hơn 75%
Báo Công thương đưa tin, báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, XK nhóm hàng nông lâm thủy sản của cả nước trong tháng 1-2016 giảm tiếp 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 2,33 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch XK của từng mặt hàng đều chung xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 489 triệu USD, giảm 15,8%; thủy sản ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8%; chè ước đạt 9.000 tấn với trị giá 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị…
Tuy nhiên, nổi lên trong xu hướng ảm đạm của các sản phẩm nông nghiệp, XK gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, khối lượng gạo XK tháng 1 ước đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Sở dĩ XK gạo tăng trưởng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường NK gạo. Ngay từ những ngày đầu tháng 12/2015, thông tin Indonesia cần NK 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam đã được ông Mayerfas, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam nêu ra.
Xu hướng này cũng đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo từ cuối tháng 12/2015. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cuối năm vẫn còn khoảng 500.000-600.000 tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200.000 tấn hợp đồng thương mại mà các DN đã ký kết trong quý 1-2016. Đặc biệt, ông Năng cũng dự báo XK gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia NK lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước.
Song trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm về lúa gạo Võ Tòng Xuân lại cho rằng, XK gạo tháng 1 tăng trưởng mạnh không phải hiện tượng lạ. XK gạo tăng mạnh là do 2 thị trường nói trên thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động hạn hán do El Nino gây ra nên không đủ gạo ăn. Chính quyền các nước sợ thiếu lương thực nên phải lo mua vào để dự trữ. “Tất nhiên, các thị trường này sẽ đặt theo chu kỳ và chu kỳ này trúng vào lúc đầu năm”, ông Xuân nói.
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), việc xuất khẩu gạo đầu năm 2016 gặp nhiều thuận lợi hơn so với đầu năm 2015. (Ảnh minh họa).
Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc
Báo TTXVN đưa tin, theo nhận định của VFA, việc xuất khẩu gạo đầu năm 2016 gặp nhiều thuận lợi hơn so với đầu năm 2015. Gạo tồn kho năm 2015 không còn nhiều như các năm trước - 300.000 tấn so với bình quân 700.000 tấn gạo gối đầu. Hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua khoảng hơn 1,3 triệu tấn và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đến sớm. Do vậy, nhiều khả năng vụ đông xuân 2015-2016 không phải mua tạm trữ như vụ đông xuân 2014-2015.
Ông Huỳnh Thế Năng dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El Nino gây ra.
Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một thị trường tiêu thụ gạo quan trọng của Việt Nam không chỉ trong năm 2016 mà cả các năm tiếp theo do nhu cầu lớn, vận chuyển dễ dàng và yêu cầu không cao về chất lượng.
Mặt khác, cơ quan Lương thực quốc gia Philippines cho biết đã có kế hoạch mua thêm gạo từ Việt Nam và Thái Lan trong năm 2016 để đảm bảo nguồn cung lương thực. Trong đó, nước này sẽ mua ít nhất 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo đủ lượng dự trữ trong những thời điểm bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch mua 350.000 tấn gạo ngay trong quý I-2016 để tăng lượng dự trữ và hạn chế sự tăng giá.
Giá gạo nội địa trung bình của Indonesia đã tăng lên mức 784 USD/tấn trong khi chính phủ nước này muốn giữ ổn định ở mức giá 612 USD/tấn. Dù sản lượng lương thực nội địa của Indonesia sẽ tăng lên trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay so với 1,5 triệu tấn của năm 2015.
Tương tự, các dự báo cũng cho thấy Malaysia sẽ tăng lượng nhập khẩu gạo trong năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Theo VFA, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay vẫn là thị trường các nước châu Á. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ đang làm việc với những cơ quan có liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi.
Ông Nam cho biết, châu Phi có một tỷ dân và có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm, và đây là loại gạo mà Việt Nam có thể cung cấp với mức giá hợp lý. Song, lâu nay, thị trường này vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp là do vướng mắc ở khâu thanh toán.
“Theo tôi, hằng năm Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn điều thô từ châu Phi, vậy nên chăng trong khi chưa có phương thức thanh toán tiền mặt hợp lý, các doanh nghiệp thử tính đến phương án dùng hàng đổi hàng, cũng là một giải pháp đáng tham khảo”, ông Nam nói.