Sợ em lạnh và phòng ngừa không cho em đạp chăn lần nữa, bé liền lấy chăn bọc em gái lại, chỉ còn hở ra khuôn mặt.
Cậu bé 3 tuổi Kỳ Kỳ ở Hải Nam, Trung Quốc có một cô em gái nhỏ. Cậu bé thường đưa đồ chơi của mình cho em, rất yêu thương và hòa thuận với em. Bé không hề ghen tị hay ghét bỏ vì em tranh mất bố mẹ như một số đứa trẻ khác, thậm chí nhiều lúc Kỳ Kỳ còn giúp mẹ trông em gái.
Hôm đó, Kỳ Kỳ cùng em gái ngủ trưa. Khi cậu bé tỉnh dậy thì phát hiện em gái đã đạp chăn sang một bên. Sợ em lạnh và phòng ngừa không cho em đạp chăn lần nữa, bé liền lấy chăn bọc em gái lại, chỉ còn hở ra khuôn mặt. Em gái Kỳ Kỳ thức giấc cũng tỏ ra thích thú với sáng kiến của anh trai, cười vui lăn qua lăn lại trên giường trong cái kén mà anh trai bọc cho.
Sáng kiến của cậu bé biết lo lắng cho em gái.
Cha mẹ Kỳ Kỳ vào phòng các con vừa nhìn liền cảm thấy ấm lòng khi tình cảm giữa các con rất tốt. Nhưng họ vẫn không khỏi e ngại nguy hiểm khi chẳng may con gái bị che miệng và mũi. Nhưng vì Kỳ Kỳ có ý tốt nên mẹ cậu bé chỉ nhẹ nhàng giảng giải cho cậu nếu làm như vậy có thể gây hại đến em gái mà không trách mắng bé.
Ngay sau đó, mẹ Kỳ Kỳ đã chia sẻ những hình ảnh và câu chuyện về bé lên mạng xã hội. Cậu nhóc nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng.
Em gái Kỳ Kỳ thức giấc cũng tỏ ra thích thú với sáng kiến của anh trai.
Khác với gia đình của Kỳ Kỳ, một số gia đình có 2 đứa trẻ rất dễ gặp phải tình trạng hai đứa bé không hòa thuận với nhau. Nguyên nhân xuất phát một phần từ thiên tính của trẻ nhỏ, phần nữa là do sự giáo dục của cha mẹ. Trách nhiệm của cha mẹ chính là dẫn đường, hướng dẫn cho các con của mình có thể chung sống hòa bình.
Cha mẹ tuyệt đối không so sánh 2 đứa trẻ với nhau
Nhiều đứa trẻ luôn thích so sánh bản thân với anh/ chị mình, muốn giỏi hơn, thắng được anh/ chị, hoặc ngược lại nhiều đứa trẻ lớn lại ghen tị, so bì với em nhỏ. Nguồn cơn của vấn đề đó thường đến từ chính cách hành xử của cha mẹ khi thường xuyên so sánh 2 đứa trẻ nhà mình với nhau. Khi một đứa trẻ nghịch ngợm, cha mẹ thường nói chúng “không ngoan bằng anh/em”. Khi một đứa trẻ làm bài tập chưa tốt, cha mẹ lại dễ dàng mang bài kiểm tra tốt hơn của đứa trẻ còn lại ra làm gương.
Chính sự so sánh đó khiến trẻ cảm thấy bản thân thấp kém, nảy sinh tâm lý tự ti và cả cảm giác đố kị với anh/ em của mình. Mà để xảy ra tình trạng ấy hoàn toàn là lỗi của người lớn. Cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt giữa những đứa trẻ, phải hiểu rằng đứa trẻ nào cũng có mặt mạnh mặt yếu, việc so sánh chỉ là khập khiễng.
Mẹ nên bồi dưỡng tình cảm giữa hai đứa trẻ ngay từ khi mang thai
Muốn xây dựng nên một mối quan hệ tốt không thể chỉ trong một sớm một chiều mà cần thời gian bồi đắp. Vì thế, ngay trong thời gian mang thai người mẹ nên để đứa con lớn tiếp xúc với em của mình. Hãy bắt đầu bằng những lời thủ thỉ với trẻ, rằng bé sắp có một em trai/ em gái mà hiện tại em còn trong bụng mẹ cũng giống như trước đây bé từng ở như thế. Người mẹ có thể cho bé lớn vuốt ve bụng bầu, nghe thai nhi đạp để chúng cảm nhận sự tồn tại của em mình. Tới lúc em bé chào đời, trẻ sẽ không bài xích, thậm chí còn vui vẻ và mong chờ được có thêm em!
Ngay trong thời gian mang thai người mẹ nên để đứa con lớn tiếp xúc với em của mình.
Cha mẹ không được bắt ép trẻ lớn chăm sóc em bé
Cha mẹ có thể để bé lớn trông em những lúc bản thân bận rộn nhưng không được bắt ép trẻ. Nếu trẻ bị cha mẹ ra lệnh phải chăm sóc em, trẻ sẽ cho rằng chính em bé khiến mình không được chơi đùa, tước đoạt khoảng thời gian giải trí của mình. Từ đó mà ghét bỏ em bé, thậm chí còn nảy sinh tâm lý thù địch với em bé.
Giáo dục trẻ về “nghĩa vụ” làm anh/ chị với các em của mình là điều cần thiết nhưng cha mẹ phải từ tốn, không được gấp gáp và chắc chắn không được chứa đựng sự cưỡng ép.
Con cái hòa thuận, gia đình sẽ vui vẻ. Ngược lại, con cái bất hòa chính là nguồn cơn tạo nên những cuộc chiến gia đình. Trách nhiệm của cha mẹ chính là khiến những đứa trẻ hiểu được cha mẹ đều yêu chúng, đồng thời xóa bỏ mâu thuẫn giữa chúng để quan hệ anh em trong nhà luôn êm ấm, yên vui.