Tôi mua vé trở về Việt Nam sau 3 năm rưỡi xa xứ. Trong vali là lá đơn ly hôn đã viết sẵn cùng một lá thư xin lỗi do bạn gái tôi viết. Chúng tôi còn chuẩn bị một khoản tiền tiết kiệm kha khá, đủ cho vợ tôi có thể nuôi con ăn học trong 10-15 năm.
Tôi kết hôn được 4 năm và đã có một cô con gái hơn 5 tuổi. Chuyện là do hai đứa trót có con khi đang yêu nhưng vì nhiều điều kiện không cho phép nên mãi đến khi con được hơn 1 tuổi, tôi mới có thể khoác lên người Vân chiếc áo cô dâu.
Vợ tôi là mẫu người khá truyền thống. Cô ấy có vẻ ngoài mạnh mẽ, hài hước nhưng luôn có một nỗi sợ bị bỏ rơi sâu thẳm trong lòng. Chúng tôi từng học chung cấp 3, mãi sau này tôi mới biết, lý do một cô gái xinh xắn có nhiều người theo đuổi như Vân lại chưa có mối tình nào vắt vai. Cô ấy luôn kiếm tìm sự an toàn, bản thân chưa bao giờ nói ra nhưng thực chất lại rất sợ bị bỏ rơi.
Chúng tôi đến với nhau bằng những tình cảm rất trong trẻo. Dù sau này có chút trục trặc khiến Vân phải chịu thiệt thòi khi sinh con mà chưa được đón rước về bằng một đám cưới linh đình, chúng tôi vẫn sống rất vui vẻ và hạnh phúc bên cô công chúa nhỏ.
Chính thức nên nghĩa vợ chồng được 6 tháng thì tôi quyết định đi xuất khẩu lao động. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra được quyết định khó khăn đó.
Công việc của tôi và Vân, có cố lắm thì tổng thu nhập của hai đứa cũng không qua được 15 triệu đồng/tháng. Nếu trừ đi đủ thứ tiền sinh hoạt rồi tiền sau này cho con đi học, có lẽ đủ đã là tốt lắm rồi chứ nói gì đến đồng tiền tiết kiệm. Cách duy nhất để chúng tôi có chút của ăn của để chỉ có thể là xuất khẩu lao động.
Ngày nghe tin chồng sắp đi nước ngoài, vợ tôi mắt đỏ hoe nhưng tuyệt nhiên không thút thít như nhiều người phụ nữ khác. Tôi còn nhớ đêm hôm đó vợ đã ôm mình cả đêm, ôm rất chặt, ôm như sợ đến mai vợ chồng sẽ không được ở trong vòng tay nhau nữa.
Những ngày đầu tiên ở nước Nhật xa xôi thật sự quá cô đơn, lạ lẫm. Tôi đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trong những tháng đầu tiên sang đây. Khí hậu lạnh, ngôn ngữ lại chỉ biết dăm ba câu cơ bản, mọi thứ đều đắt tới mức phát điên.
Anh Thế Anh (29 tuổi, Bắc Giang) chia sẻ về nỗi khổ tâm của mình.
Sang đây tôi mới nhận ra một điều, chưa bao giờ mình nhân nhẩm nhanh đến vậy. Trong đầu tôi luôn là những phép tính nhẩm để quy đổi giá các mặt hàng sang tiền Việt. Nhìn những bó rau ngon mắt trong siêu thị mà tôi chỉ dám nuốt nước bọt rồi chẹp miệng. Giá như đang ở Việt Nam thì với số tiền đó chắc tôi mua được cả ruộng rau rồi.
Tôi bắt đầu có bạn, bắt đầu quen hơn với cuộc sống xa nhà. Ngoại ngữ được cải thiện nhiều, giờ tôi có thể tự ra ngoài đường, đi thăm thú vài chỗ mà không sợ bị lạc đường như trước. Cũng nhờ quen được một cô gái bản địa mà tôi được giúp đỡ nhiều phần.
Thời gian này thu nhập của tôi rất khá nhưng cùng với đó là cường độ làm việc thật kinh khủng. Hồi còn ở nhà, nhìn cảnh người ta đi xuất khẩu lao động có tiền về xây nhà tầng, tôi ao ước lắm. Đi vài năm về là có cái nhà thì ai chẳng làm được. Thế nhưng có sang đây tôi mới thấm được để kiếm được những đồng tiền đó phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt thế nào.
Cuộc sống ở đây áp lực vô cùng. Nếu như bạn cảm thấy việc đi làm 8 tiếng của mình đã mệt mỏi thì ở đây thậm chí người ta còn làm xuyên đêm. Rất nhiều khu chợ, khu vui chơi giải trí mở xuyên đêm để phục vụ cho người đi làm về muộn. Sống ở đây rồi tôi mới hiểu vì sao lại có những người không chịu nổi áp lực công việc mà phải tự tử.
1 năm, 2 năm rồi 3 năm trôi qua, khoảng cách về không gian, thời gian đã khiến con người ta thay đổi. Nỗi cô đơn vì phải sống xa vợ con đã khiến tôi xiêu lòng với chính cô bạn người bản địa kia. Tôi đã về ở chung trong căn nhà của cô ấy, phần vì khỏi phải mất thời gian đi lại lúc muốn gặp nhau, phần vì tiết kiệm được phần nào tiền sinh hoạt.
Thú thật những ngày đầu dọn về đây tôi rất sợ mỗi khi vợ gọi điện. Thế nhưng nỗi sợ ấy rồi cũng qua đi, tôi dần quen với việc đóng 2 vai, một người tình lãng mạn và một người cha trách nhiệm. Rồi cuối cùng, tôi chỉ còn biết nghĩ khoản tiết tiền kiệm sẽ coi như một phần để chuộc lỗi với người vợ ở quê nhà.
Chúng tôi ở cùng nhau, bố mẹ của bạn gái tôi không hề ủng hộ. Ông bà tuy không biết tôi đã có gia đình nhưng không muốn con cái lấy một người đàn ông không nhà cửa, công việc lại là lao động tay chân như tôi. Thế nhưng điều khiến tôi không thể tưởng tượng được chính là cô ấy đã ra sức để bảo vệ cho tình yêu này. Đó cũng chính là lúc tôi quyết định sẽ cho cô ấy một danh phận.
Tôi mua vé trở về Việt Nam sau 3 năm rưỡi xa xứ. Trong vali là lá đơn ly hôn đã viết sẵn cùng một lá thư xin lỗi do bạn gái tôi viết. Cô ấy biết mình là người thứ ba và luôn cảm thấy có lỗi với vợ tôi vì điều đó. Chúng tôi còn chuẩn bị một khoản tiền tiết kiệm kha khá, đủ cho vợ tôi có thể nuôi con ăn học trong 10-15 năm nữa.
Thế nhưng khi vừa đặt chân tới sân bay, nhìn thấy người nhà đã đứng chờ sẵn từ bao giờ, chân tôi bỗng không sao bước nổi.
Vợ tôi đứng đó, một tay bế con, một tay cầm bó hoa vẫy vẫy. Gương mặt cô ấy toát lên vẻ hạnh phúc vô cùng, cảm tưởng đôi mắt kia lệ đã chờ sẵn để trào. 3 năm rưỡi xa nhà mà sao mọi thứ khác quá. Cuộc sống một mình quay cuồng lo gia đình nội ngoại rồi con cái khiến vợ tôi gầy rộc đi rồi già trông thấy. Bước đến nhận bó hoa của vợ rồi bế con gái vào lòng, tôi chẳng dám nói câu gì ngoài câu: "Em gầy và xanh quá".
Trở về nhà cùng lá đơn ly hôn, tôi chưa dám đưa nó ra cho vợ. Thú thật ngần ấy năm xa nhau, lửa tình yêu giữa vợ chồng tôi đã tắt từ bao giờ. Thế nhưng khi gặp lại, cái tình khiến tôi bối rối vô cùng. Tôi nên làm gì cho phải với cả hai người phụ nữ tốt bụng kia đấy?
Để chia sẻ tâm tư với anh Thế Anh (Bắc Giang), quý độc giả có thể gửi ý kiến tại đây. Khi gửi ý kiến, vui lòng ghi rõ: Chia sẻ với anh Thế Anh (Bắc Giang): .. |