Có hai cách trồng rau mồng tơi đơn giản là trồng bằng khay và trồng bằng giàn leo.
Mồng tơi là loại cây dây leo quấn, mập và nhớt, là loại rau xanh hết sức quen thuộc trong những bữa cơm gia đình bởi cách trồng rau mồng tơi rất dễ dàng, lại dễ chăm và cho những món ngon mát, bổ.
1. Những điều cần biết khi trồng mồng tơi
1.1 Thời vụ
Với miền Bắc, có hai vụ trồng mồng tơi là vụ xuân sau khi ăn Tết xong và thu hoạch suốt vụ hè thu. Gieo trồng từ đầu tháng 3 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9.
Đối với các tỉnh phía Nam thì có thể gieo trồng quanh năm.
1.2 Các giống mồng tơi
Rau mồng tơi có 3 loại:
- Mồng tơi trắng: Thân mảnh, lá xanh nhạt. Đây là giống rau phổ biến nhất, thường được trồng nhiều nhất.
- Mồng tơi tía: Gân lá màu tím, lá xanh
- Mồng tơi thân mập: Lá to màu xanh đậm, ít nhớt, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non.
Có hai cách trồng rau mồng tơi là trồng trong khay, chậu hoặc trồng bằng phương pháp leo giàn.
1.3 Đất trồng
Đối với đất trồng, chọn loại đất tơi xốp nhiều cát và có khả năng thoát nước cao. Đất thích hợp là loại không bị phèn, độ pH thích hợp từ 5,5 - 6,5.
Nếu trồng trong vườn thì nên làm sạch cỏ, bón vôi, cày đất, phơi ải từ 7-10 ngày. Mục đích để giúp đất tơi xốp, tăng độ PH, diệt trừ sâu hại và nấm bệnh trong đất. Cũng có thể sử dụng đất sạch tribat thay thế cũng rất tốt.
2. Cách trồng rau mồng tơi
2.1 Trồng bằng khay, chậu
- Chuẩn bị chậu nhựa hoặc khay nhựa: Chọn khay hoặc chậu có miệng rộng, đáy sâu khoảng 12-15cm tùy ý, kích thước phù hợp với diện tích sân vườn, ban công.
- Gieo hạt: Hạt sau khi mua về có thể gieo trực tiếp lên đất mà không cần ngâm hay ủ vì rau mồng tơi rất dễ lên. Đổ đất vào chậu một lớp dày khoảng 8cm rồi gieo hạt lên trên. Chú ý gieo mỗi hạt cách nhau ít nhất là 10 cm bởi khi lớn, lá mồng tơi sẽ vươn khá to và rộng.
Sau khi gieo xong, phủ một lớp đất mỏng khoảng 0.5cm lên trên bề mặt và tưới nước nhẹ để tạo độ ẩm cho đất. Tưới nước 2 lần/ngày và hạt sẽ nảy mầm sau 5-7 ngày chăm sóc.
2.2 Trồng bằng phương pháp leo giàn
- Gieo hạt: Đối với cách trồng rau mồng tơi bằng phương pháp leo giàn, gieo khoảng 15 - 20 hạt một khay rồi lấp đất mỏng lên. Ngày tưới nước hai lần và tiến hành làm giàn khi cây có độ cao khoảng 20 cm để cây leo lên.
Rau mồng tơi có thể trồng ở nơi nhiều nắng hay nắng một buổi, không nên trồng rau ở nơi bị che hết ánh nắng vì cây rau sẽ vóng cao, thân ốm, lá nhỏ lại.
Mẹo nhỏ giúp cây ăn lá được lâu đó là thường xuyên ngắt ngọn và lá già. Cách làm này sẽ kích thích cây đẻ nhiều nhánh và mọc nhiều lá.
3. Chăm sóc cây mồng tơi
- Tưới nước: Không nên tưới quá ẩm khiến cây dễ bị nấm bệnh. Mùa nắng, nên tưới đủ nước 2 lần/ ngày để duy trì đủ độ ẩm cho đất, mùa mưa thì không nên tưới quá nhiều tránh để cây bị ngập úng.
- Phân bón: Phân hữu cơ nên trộn với phân lân bón lót, bón xong rồi cày đất hoặc bón theo luống. Trước lúc thu hoạch rau 7-10 ngày nên ngưng tưới phân đạm để lượng nitrat trong rau không quá cao.
Tùy theo từng loại đất, giống, các giai đoạn sinh trưởng của cây mà tính toán lượng phân bón hàng năm cho cây thích hợp.
- Sâu bệnh: Một số loại sâu hại rau mồng tơi có thể kể đến như sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy,... Vì trồng rau tại nhà không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên người trồng cần phải kiểm tra cây thường xuyên để bắt sâu và ngắt bỏ lá vàng lá bệnh.
- Thu hoạch: Chỉ sau một tháng là đã có thể thu hoạch rau mồng tơi dù có cách trồng rau mồng tơi nào. Khi thu hái nên dùng dao sắc cắt sát gốc cách đất 5 - 10cm. Sau khi hái lần 1 thì 12 - 15 ngày sau sẽ thu được một lứa tiếp. Nên hái rau mồng tơi vào sáng sớm, thu hoạch khi trời nắng nóng rau dễ bị héo, ôi,...
4. Tác dụng của mồng tơi tới sức khỏe
Theo đông y, mồng tơi có vị chua ngọt, không độc, tính lạnh có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, nhuận tràng. Rau mồng tơi chữa được nhiều loại bệnh như táo bón, đái dắt, kiết lỵ, là loại rau tốt cho người tiểu đường, trị núm vú sưng, trị tiểu buốt, tăng sữa cho sản phụ sau sinh, trị vết thương, trị đau nhức xương khớp, chữa yếu sinh lý ở nam giới và chữa di hoạt tinh rất hiệu quả, nước ép từ quả dùng trị đau mắt và làm đẹp da…