Ban công chỉ vỏn vẹn 3m² được chị Hương sưu tầm khoảng 100 cây hồng, chủ yếu là hồng nội giống quý và hồng ngoại.
Ban công nhỏ 3m2 của chị Lưu Thu Hương (41 tuổi, Hà Nội) - một bà mẹ đam mê trồng hoa hồng là ban công rực rỡ nhất trong tòa chung cư ở bán đảo Linh Đàm với muôn loài hoa hồng khoe sắc.
Chị Lưu Thu Hương.
Nhìn ngắm những đóa hồng nở rộ ở góc ban công nhỏ nhà mình, chị Hương lại mỉm cười hạnh phúc. Hai năm trước đây, ban công nhỏ nhà chị chỉ có 2 cây hồng Tường Vi mà giờ đây đã ngập sắc bởi muôn loài hoa hồng nội và hồng ngoại.
Chị Hương kể, sau một năm hồng Tường Vi trưởng thành và sai hoa rực rỡ, chị có dịp đi thăm vườn hồng lớn và bị mê hoặc bởi hương sắc của loài hoa này. Vậy là từ ngày đó, chị bắt đầu sự nghiệp trồng hồng, bắt đầu đi săn tìm những giống hồng khác nhau. Hiện nay ban công vỏn vẹn 3m2 được chị sưu tầm khoảng 100 cây hồng, chủ yếu là hồng nội giống quý và hồng ngoại.
Một góc nhỏ ở ban công nhà chị dưới nắng chiều.
“Sinh ra tại Hà Nội nhưng mình thừa hưởng tình yêu hoa, cây cảnh của bố và sự chịu khó của mẹ. Gia đình mình trong hơn 40 năm qua lúc nào cũng tự trồng rau sạch ăn và ban công nhà luôn rực rỡ hoa. Hiện tại dù sống ở tận tầng 37 tại bán đảo Linh Đàm nhưng ban công nhà mình luôn ngập tràn hoa.
Không những vậy, mình còn tận dụng đất đô thị chưa làm nhà để trồng rau sạch ăn, mùa nào thức nấy. Nhưng, giờ thì tình yêu, đam mê với hoa hồng đang đứng nhất nên mình ưu tiên số 1 cho hoa hồng”, chị Hương chia sẻ.
Mặc dù ban công chỉ rộng 3m2 nhưng chị Hương trồng được 100 chậu hồng.
Mỗi ngày chị thường dậy rất sớm tưới và vặt lá vàng, bắt sâu cho hoa. Khi chiều về, việc đầu tiên chị làm cũng là ngắm hoa, chăm cây. Vì thời gian rảnh của chị dành hết cho hoa nên chồng và con chị đôi lúc cũng phải "ghen tỵ" với cây.
Ông xã của chị Hương thậm chí phải chấp nhận để chị dành một phòng ngủ làm nơi trồng và ngắm hoa, rồi đầu tư mua thêm căn nhà bên cạnh để chị mở rộng vườn hồng, thỏa mãn tình yêu với loài hoa ấy.
Hàng ngày được ngắm hoa và không gian bao quanh thành phố, chị Hương cảm thấy yêu đời hơn.
Hồng cổ Sapa.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng hoa hồng, chị Hương cho biết, để cây hồng ra hoa sai và xanh tốt, điều kiện cần là cung cấp đủ nắng, ít nhất nửa ngày cho cây. Bên cạnh đó, cần phải có một chậu thoát nước tốt vì hồng không chịu được úng quá 24h, đồng thời bón đủ phân đúng thời kỳ.
“Để cây khỏe ít bệnh, khi trồng phải tự trộn đất với tỉ lệ 40% đất, 20% trấu hun và vỏ trấu, 19% các loại phân cá, bò, phân hữu cơ và 1% tritrodema. Khi cây bị bệnh chữa theo thuốc tự làm và chỉ phun phòng nấm bằng tritrodema sau mưa. Cây bị nhện hoà nước rửa bát sinh học phun hay hoà bột bồ hòn phun hoặc chỉ cần dùng vòi phun mạnh.
Nếu cây sâu ngâm 5 lít rượu, 1kg ớt, 1kg gừng, 1kg tỏi. Sau vài ngày pha tỷ lệ 1 lít rượu, 10 lít nước phun 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách một ngày và một tuần sau phun lại cho cây. Tháng nào cũng phun B1 vàng bổ sung vi lượng cho cây khoẻ. Ngoài ra, mỗi tuần bón một loại phân. Mỗi tháng bón vài hạt NPK một lần”, chị Hương chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây.
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trồng hoa hồng, chăm sóc cây nhưng chị Hương cũng từng có thời kỳ “dở khóc, dở cười” khi càng chăm, cây càng bé. Chị Hương kể, thời gian đầu chị trồng hồng nội, cây khỏe mạnh, tự kháng sâu bệnh nên chị chỉ cần tưới nước vo gạo hàng ngày.
Thế nhưng sau khi chuyển sang trồng hồng ngoại, những phương pháp đó của chị đều vô hiệu, cộng thêm thời tiết không thuận nên cây bị nấm, trĩ. Không biết làm thế nào để chữa bệnh cho cây hoa hồng, chị càng phun thuốc, cây lại càng ốm, không cho ra hoa.
Khung cảnh thơ mộng nhìn từ ban công ngập tràn hoa ở tầng 37 nhà chị.
Xót ruột với vườn hoa dày công chăm sóc, chị quyết định đi học hỏi kinh nghiệm, gặp các chuyên gia về hoa hồng, rồi sàng lọc, rút kinh nghiệm thực tế.
“Hồi mới trồng hồng ngoại được nhiều người bán khuyên mua cây hồng trưởng thành về để chơi. Vậy là mình cứ bỏ thật nhiều chi phí ra mua hoa. Hiện nay có 2 cây hồng rất to mình phải gửi nhờ nhà hàng xóm.
Mình còn nhớ hồi mới trồng, đọc các chia sẻ như phải phun thuốc phòng bệnh cho hồng định kỳ 2 tuần/lần và trộn nhiều loại thuốc với nhau để phun. Mình tin và làm theo trộn 3 loại trị nấm, trĩ, nhện, cứ 2 tuần trùm áo mưa, đeo khẩu trang, kính bắn kín bưng phun cho cây.
Thế nhưng cây không phát triển lại ngày một còi cọc, ít hoa, hoa bé, lá èo uột hơn. Nhìn cây bị vậy, mình cứ nghĩ cây bị bệnh càng phun nhiều và về sau mới “ngã ngửa” cây bị quá liều thuốc bảo vệ thực vật.
Sau đó mình phun dưỡng nên cây khỏe và cho hoa rực rỡ trở lại”, chị Hương nở nụ cười chia sẻ.
Hiện tại dù bận rộn với công việc, bộn bề cuộc sống nhưng chị vẫn dành thời gian chăm sóc hoa. Đối với chị, chăm sóc, ngắm hoa hồng và uống trà hoa hồng hái tại vườn nhà là thú vui, giúp chị thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Và mỗi khi mệt mỏi, liều thuốc hữu hiệu nhất của chị chính là ngắm và nhắm mắt tận hưởng hương sắc hoa hồng. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng khiến bao nhiêu mệt mỏi của chị tan biến hết.
Hoa hồng Vân Khôi.
Hoa hồng Bolero rất thơm và sai hoa.
Hồng Việt thuần tuý có cây hồng tố nữ màu rực rỡ và hoa vô cùng bền, giữ được 2 tuần.
Chị Hương cho biết, giống hoa hồng Vân Khôi khó trồng này do người Pháp mang sang trồng và được bản địa hoá.
Trăm gốc hồng cho hoa rực rỡ trên ban công nhà chị Hương.
Mỗi khi mệt mỏi, liều thuốc hữu hiệu nhất của chị Hương chính là ngắm và nhắm mắt tận hưởng hương sắc hoa hồng.