Dài, sâu nhưng không tối khiến những ngôi nhà ống Việt gây ấn tượng trên các tạp chí kiến trúc nổi tiếng như Dezeen, Archdaily.
Nhà ống là loại hình nhà ở điển hình nhất ở Việt Nam vì đất chật, người đông. Những ngôi nhà ống luôn gặp nhược điểm kém về thông gió và không hấp thu được nhiều ánh sáng tự nhiên do không có hành lang 2 bên nhà. Ngoài ra, trong nhà ống có rất nhiều tường ngăn phòng, chính điều đó làm cho căn nhà trở nên tối tăm vì thiếu sáng. Tuy nhiên, vẫn có những ngôi nhà ống được thiết kế hợp lý khiến nhiều kiến trúc sư nước ngoài ngưỡng mộ.
1. Nhà ANH
Nhà Anh là một ngôi nhà theo phong cách tối giản nằm ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi nhà mặt tiền 4m, sâu 21m thuộc về một phụ nữ 30 tuổi và gia đình. Khi thiết kế, khách hàng mong muốn ngôi nhà thoáng đãng và càng nhiều ánh sáng tự nhiên càng tốt.
Kiến trúc sư: Sanuki + Nishizawa architects Địa điểm: TP.HCM Diện tích: 332m2 |
Đối mặt với thách thức về ánh sáng và thông gió, nhóm KTS Sanuki và KTS Nishizawa đã kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc Nhật và các kỹ thuật, vật liệu xây dựng của Việt Nam để tạo nên không gian mở tràn đầy ánh sáng tự nhiên và cây xanh. Ngôi nhà được thiết kế với 4 tấm bê tông đúc sẵn dày vững trãi (làm trần) và không có tường phân chia không gian bên trong nhà. Những vách ngăn là cửa gấp hoặc trượt và hệ thống cửa sổ lá sách dễ dàng mở ra cho gió lưu thông tự nhiên qua toàn bộ không gian của ngôi nhà.
Ngôi nhà sử dụng các chất liệu tự nhiên giúp ngôi nhà ít hấp thụ nhiệt
Vách ngăn bằng tre đan có thể di chuyển để đảm bảo sự riêng tư cho phòng ngủ, khi cần có thể mở để tổng hoà phòng ngủ với không gian chung của cả tầng
2. Nhà vườn xếp
Ngôi nhà được xây dựng trong khoảng tám tháng vào năm 2011, với tổng chi phí gần 150.000 đô la Mỹ (3 tỉ đồng). Ngôi nhà có tổng diện tích sử dụng khoảng 220m2 không vuông vức gần trục đường lớn phía đông TP.HCM. Mặt tiền và mặt sau của ngôi nhà được thiết kế bằng những phiến bê tông trắng. Chúng được định vị để làm chệch hướng ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp trong khi vẫn cho phép những cơn gió tự nhiên luồn vào bên trong ngôi nhà và nuôi dưỡng hàng dương xỉ cùng các loài hoa trồng dọc theo đỉnh các tấm bê tông.
Kiến trúc sư: Võ Trọng Nghĩa, Sanuki Daisuke, Nishizawa Shunri Địa điểm: Quận Tân Bình, TP.HCM Diện tích: 220m2 |
Ngôi nhà ống Stacking Green của Võ Trọng Nghĩa từng được tạp chí kiến trúc uy tín của Mỹ đánh giá là 1 trong 10 công trình kiến trúc độc đáo, đạt giải Building of the year (Tòa nhà của năm). Stacking Green cũng từng đoạt huy chương vàng tại Festiaval Kiến trúc thế giới, đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế của Mỹ (International Architecture Award), giải thưởng dành cho những thiết kế thân thiện với môi trường - Green Good Design.
Ngôi nhà có mặt tiền 4m, sâu 20 m là dạng nhà ống phổ biến ở Việt Nam, dành cho một cặp vợ chồng trẻ.
Mặt đứng trước và sau được tạo nên bởi các lớp bồn hoa bằng bê tông, nối hai bức tường bên.
Chiều cao và khoảng cách giữa những bồn hoa được điều chỉnh cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây, từ 25cm đến 40cm. Để tưới cây và chăm sóc dễ dàng, ngôi nhà có hệ thống tưới tự động được đặt bên trong các bồn hoa
3. Nhà B
Tọa lạc trên một khu đất nhỏ ở ngoại ô Sài Gòn, ngôi nhà ống chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường xung quanh như bụi, nhiệt, tiếng ồn,...Vì những vấn đề này, người chủ sở hữu (cũng hoạt động trong ngành công nghiệp thiết kế) đã quyết định tạo nên một ngôi nhà xanh mát - tạo thêm không gian hướng nội đơn giản nhưng tinh tế.
Mặt tiền nhà B
Đơn vị thực hiện: i.House Architecture and Construction Địa điểm: Huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh Đội ngũ thiết kế: Lê Cảnh Văn, Đặng Huy Cường, Chu Ngọc Anh Diện tích: 82m2 |
Để đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của gia chủ, đội thiết kế đề xuất phương pháp “double-skin”, hay còn gọi là “nhà hai da". "Da" bên ngoài là bức tường được ghép bằng những ô gạch bê tông rỗng để đón trọn ánh sáng và không khí tự nhiên, giảm bức xạ nhiệt cho ngôi nhà. Tiếp đó, mở ra một không gian kết hợp chặt chẽ với những tấm kính lớn giúp lọc bụi, giảm nhiệt và tiếng ồn, đồng thời cũng mang đến sự hài hòa với tự nhiên.
Thiết kế ưu tiên sử dụng ánh sáng tự nhiên để giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng nhân tạo, nhưng vẫn đảm bảo không khí mát mẻ, ít tiếng ồn và sự an toàn cho cả gia đình.
Buổi chiều, khi những tia nắng xuyên qua những ô gạch, đổ bóng dài thêm trên bức tường sơn trắng tinh tạo nên một khung cảnh độc đáo
Tất cả các phòng được thiết kế tối ưu để luôn tràn ngập ánh sáng