Căn chung cư trên tầng 41 ở Cầu Giấy của vợ chồng chị Mai Phương là căn chung cư theo phong cách Nhật hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Thậm chí, để được giống không gian sống ở Nhật nhất, anh chị còn “bê” nguyên phòng tắm, chạn bát, đệm sàn… từ Nhật về Hà Nội.
“Cái cảm giác rõ ràng nhất hiện nay của tôi là muốn được về nhà với không gian ấm cúng mà trước đây không thấy được”, đó là chia sẻ của anh Chino Yoshiaki – chồng chị Mai Phương (32 tuổi, Hà Nội) về căn hộ của gia đình mình đang sinh sống trên tầng 41 tại một căn chung cư cao cấp ở Cầu Giấy.
Không lựa chọn thiết kế nhà theo phong cách hiện đại, retro, cổ điển hay bán cổ điển,… khi thiết kế căn hộ 137m2, gia đình anh trung thành với phong cách nhà kiểu Nhật - nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi chị Mai Phương cũng đã gắn bó 7 năm ở đó trước khi về Việt Nam.
Thậm chí, để không gian sống giống với Nhật nhất, vợ chồng anh chị còn "bê" nguyên phòng tắm, chạn bát, đệm sàn,… từ Nhật về Hà Nội và sử dụng toàn bộ nội thất theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Tổ ấm nhỏ của chị Phương.
Đập vách ngăn tường, chia các không gian bằng việc nâng sàn
Chị Mai Phương cho biết, vợ chồng chị kết hôn được 3 năm đã chuyển qua 2 căn nhà ở Phạm Văn Đồng và Hoàng Đạo Thúy. Tuy nhiên căn nhà thứ 3 ở trục đường Cầu Giấy này mới là nơi sống vợ chồng chị ưng ý nhất.
Chị Phương bảo, vợ chồng chị chọn mua căn hộ trên tầng 41 trên một phần vì nó gắn bó với chị từ nhỏ. Hơn nữa, đây là khu vực khá tấp nập, sắp tới sẽ có ga tàu điện ngay dưới chân tòa nhà. Ở tầng 41, vợ chồng chị sẽ được nhìn ngắm không gian thoáng đãng, thành phố từ trên cao nên đã quyết định lựa chọn.
“Phong cách gia đình muốn hướng tới là phong các tối giản từ màu sắc cho tới các chi tiết bởi vậy việc tìm công ty thiết kế và thi công ưng ý khá khó khăn.
3 tháng trước khi giao nhà mình cũng chưa tìm được. Cuối cùng mình chọn một công ty thiết kế và thi công nổi tiếng ở Nhật Bản mới thành lập công ty thành viên ở Việt Nam và rất hài lòng.
Căn hộ được thi công 1-1,5 tháng. Vợ chồng mình đã dọn về đây sống được 3 tháng rồi”, chị Phương chia sẻ.
Được biết, tất cả các tường ngăn cách các phòng của chủ tầu tư đã được gia đình chị phá bỏ và thay đổi toàn bộ không gian ngôi nhà. Thay vì sử dụng tường, sàn giật cấp và trần giật cấp được ứng dụng vừa ngăn chia không gian lại vừa khiến không gian không bị bí bách.
Giá giầy dép được đặt ngay trước cửa. Sàn nhà được nâng lên 15cm tránh bụi bẩn bay vào.
Ngay ở khu vực tiền sản khi vừa bước chân vào mọi người sẽ cảm nhận được phong cách Nhật với kệ giày dép bên trái và sàn khu vực bếp, bàn ăn được nâng lên 15cm để khách bước vào nhà.
Bước vào bên trong, phòng ngủ master được chia ra làm 2 không gian: phòng chiếu tatami (phòng chiếu kiểu Nhật), phòng làm việc kiêm tủ âm tường. Trong đó, phòng chiếu tatami được nâng lên cao 40cm theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nguyên nét truyền thống bởi khung bằng gỗ sơn màu nâu trầm.
“Đây là điểm chính của căn hộ mà vợ chồng mình muốn để lại ấn tượng cho khách khi đến thăm gia đình. Phòng ở ngay cửa ra ban công có thể là nơi tập thiền hoặc yoga, nơi ngủ trưa, hay là một phòng để khách nghỉ lại.
Do được nâng lên cao nên hoàn toàn có thể ngồi thả chân xuống sàn để xem TV hoặc thỉnh thoảng dùng để xử lý công việc tại nhà”, chị Phương chia sẻ.
Chị Phương thích phòng tatami, vừa làm phòng ngủ vừa làm phòng khách. Căn phòng này còn có thể làm rèm tạo thành một phòng ngủ riêng cho khách.
Nâng sàn để phân chia các không gian tạo cảm giác rộng rãi.
Còn phòng nhỏ bên cạnh khoảng 5m2 đã được tận dụng làm tủ âm tường và bàn làm việc âm tường tách biệt khỏi phòng ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi tuyệt đối. Khu vực phòng khách được giữ nguyên tạo cảm giác cao và thoáng nhất có thể.
Khu vực làm việc.
Không gian lãng mạn về đêm. Chiếc đèn ở phòng khách vừa có thể thay đổi màu sắc ánh sáng vừa có thể làm loa.
Nhập nguyên chiếc phòng tắm của Nhật về Hà Nội
Điểm đặc biệt thứ 2 trong căn hộ của chị Phương là vợ chồng chị đầu tư 400 triệu để nhập nguyên chiếc Unit bath (hệ set phòng tắm có chức năng sấy khô, sưởi, phơi quần áo và thông thoáng khí kiểu Nhật. Bồn tắm sâu, có bệ ngồi phù hợp cho trẻ tắm chung) về Hà Nội. Có thể nói, đây là hệ thống Unit bath đầu tiên được nhập nguyên chiếc về Việt Nam.
Đồng thời toàn bộ sàn và tường đều bằng loại nhựa đặc biệt có tuổi thọ cao, tránh trơn trượt và dễ lau chùi.
Căn nhà có nhiều đồ gỗ tạo cảm giác ấm cúng. Tường sử dụng giấy dán tường màu sáng tạo cảm giác sáng sủa cho ngôi nhà.
Ở Nhật, gia đình có truyền thống tắm cùng với nhau trong bồn, bồn tắm còn có chức năng làm nóng nước. Tuy nhiên ở Nhật dùng ga còn Việt Nam dùng điện, để đảm bảo an toàn bồn tắm nhà chị đã bỏ đi chức năng đó.
Phòng vệ sinh nhỏ hiện đại chỉ cần mở cửa nắp bồn cầu sẽ tự động mở lên.
Một điểm nữa là nhà vệ sinh của gia đình chị được tách biệt khỏi phòng tắm để giữ khô thoáng. Khu vực phòng vệ sinh chính, từ phòng tắm bước ra sẽ có phòng đệm được thiết kế theo phong cách onsen Nhật để thay quần áo khô ráo, sấy tóc. Ngoài ra, ở đây còn có tủ để quần áo theo mùa, bàn trang điểm, bàn là quần áo, bồn rửa mặt lớn.
Chia sẻ thêm, chị Phương cho biết, vì chú trọng vào không gian chung nên phòng ngủ gia đình chị không chú trọng nhiều. Với phòng ngủ của vợ chồng chị tuyệt đối không đặt tivi và sử dụng đệm cao thay cho giường để tránh các con bị ngã.
Với phòng ngủ của các con, chị phân chia làm 2, một phòng đựng đồ chơi và một phòng ngủ. Vợ chồng chị sử dụng cửa kính thay tường bê tông để tạo sự thông thoáng, ánh sáng vào tự nhiên nhất có thể. Đồng thời có thể tạo cho các con quen với việc bố mẹ có thể nhìn thấy các hoạt động trong phòng từ nhỏ.
“Hình ảnh thực tế đáp ứng nhiều hơn so với bản 3D. Cảm xúc ngày đầu tiên của mình sống ở đây rất thích. Mình mong muốn các gia đình có thể trải nghiệm không gian sống Nhật ở Việt Nam giống như vợ chồng mình”, chị Phương cười.
Không gian phòng ngủ đơn giản, tràn ngập ánh sáng.
Phòng ngủ nhỏ được thiết kế tường kính.
Theo anh Okada - Giám đốc công ty thành viên ở Việt Nam của Tập đoàn xây dựng nội thất kiến trúc có nổi tiếng của Nhật cho biết, để có thể thiết kế không gian đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Nhật cho gia đình chị Phương, những thực tập sinh Việt Nam làm việc ở Nhật đã về nước làm việc, thiết kế, thi công. Những điều nhỏ nhặt, tỉ mỉ đã học, họ đều có thể tự làm được.
Chia sẻ về những điểm nhấn thiết kế trong không gian gia đình chị Mai Phương, anh Okada cho biết, các kỹ thuật nâng sàn nhà và phòng chiếu tatami đều sử dụng các chân nâng của Nhật, sàn đóng tại Việt Nam.
“Ở Việt Nam sàn hay làm bê tông, gạch làm tăng trọng lượng lên. Trong khi việc sử dụng sàn gỗ tạo ra độ co giãn khi đi chân trần và giúp trẻ ngã không bị đau.
Bên cạnh đó, việc nâng sàn gỗ sẽ để được các đường ống dưới sàn hoặc làm ổ điện âm sàn rất tiện lợi và dễ dàng thay đổi được kiểu dáng. Chi phí thiết kế và thi công hết 800 triệu với những nội thất hiện đại được nhập từ Nhật sang”, anh Okada chia sẻ.
Tủ bát hiện đại, ấn nút sẽ tự động kéo xuống để lấy bát.
Ban ngày gia đình chị rất ít dùng điều hòa, và bật điện bởi ánh sáng và gió từ bên ngoài tràn vào.
Nhiều hệ thống đèn phù hợp những nhu cầu khác nhau.