Thiếu quy hoạch, pha tạp khập khiễng dẫn tới vô giá trị về thẩm mỹ và gây tốn kém, lãng phí tiền của… là những thứ đang diễn ra trong kiến trúc của người Việt hiện nay.
Sau mấy lần hẹn, cuối cùng Bill – bạn tôi, giảng viên một trường đại học về kiến trúc của Mỹ cũng đã vượt đại dương để sang Việt Nam thăm gia đình tôi.
Biết tôi làm nghề khảo cổ, Bill ngỏ ý muốn tôi dẫn đi thăm một số công trình kiến trúc của Việt Nam cả cổ lẫn đương đại. Tôi vui vẻ nhận lời. Và cũng từ đây, biết bao câu hỏi “Why? Why? Why?...” của anh bạn người Mỹ mà tôi – người Việt bản địa cũng không dễ gì giải thích cho thấu đáo nổi.
Trên đường từ Hải Phòng trở về Hà Nội, chúng tôi tạt vào thăm một ngôi chùa cổ ven đường. Ra khỏi cổng chùa mấy bước, chúng tôi thấy cả một “đô thị” thu nhỏ xây bằng gạch men đá ốp đủ loại lấn át cả ngôi chùa khiêm nhường nằm bên. Hóa ra đây là cái nghĩa địa trong đất chùa.
Bill lại “Why ? Why? Why?”. Tôi lúng túng thực sự, chẳng biết nên trả lời thế nào. Đành giải thích rằng: “Người Việt có câu: Người ta sống vì mồ vì mả chứ không ai sống vì cả bát cơm, người Việt luôn kính trọng tổ tiên ông bà nên xây mồ cho ông bà cũng như xây nhà cho mình”.
Bill tỏ ra thán phục cái nghĩa cái tình của người Việt nhưng rồi nhận xét: “Hoang phí quá! Cầu kì quá! Giá như xây vừa vừa thôi, nho nhỏ thôi thì cái ngôi chùa này đẹp biết bao? Người ta phá mất cảnh quan của ngôi chùa này rồi”.
Sư tử đá lớn và bé. Trong văn hóa truyền thống người Việt, không hề có tượng sư tử đá.
Hôm đang đi trên phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi dừng lại trước cửa một ngôi nhà cao 7 tầng, bên dưới là quán giải khát, karaoke, các tầng trên là phòng nghỉ. Đặc biệt trên nóc nhà sừng sững ba khối kiến trúc chẳng giống ai. Khối trước là một cái vòm hình… củ tỏi, tiếp đó là cái kim tự tháp bằng kính và sau cùng là cái miếu thờ phỏng theo Chùa Một Cột.
Chúng tôi vào gặp chủ nhà. Thấy khách Mỹ, chủ nhà vồn vã mời chào và hồ hởi khoe cái công trình kiến trúc “đầy tính nghệ thuật” của mình.
Câu đầu tiên Bill hỏi: “Why garlic?” (Sao lại có hình củ tỏi?). Chủ nhà cười và kể lại rằng là cái thời “hoàng kim” đi lao động bên Nga, ông đã nhiều lần xếp hàng mua nồi áp suất, dây may-so, bàn là ở cái siêu thị gì đó gần quảng trường điện Kremli, và đã cố chụp hình những cái chóp điện Kremli với ý tưởng sau này về Việt Nam khi đủ tiền sẽ xây một tòa nhà tương tự. Giờ thì cái ước mơ ấy đã thành sự thực, công trình “nghệ thuật” ấy đang tọa lạc giữa Hà Nội.
“Why pyramid?” (Sao lại có hình kim tự tháp?), Bill hỏi. Chủ nhà cười: “Ông anh cả tôi có đi lao động tận Trung Đông. Ông muốn có cái kim tự tháp để kỉ niệm. Hai anh em tôi chung tiền mua đất dựng nhà. Ông xem nhà tôi có oai không? Bên Mỹ các ông có ngôi nhà nào như thế không?”
Đến cái miếu thờ lòe loẹt phía sau thì Bill không hỏi nữa vì anh đã biết ít nhiều về tục thờ cúng của người Việt.
Hai ngày trước khi trở về Mỹ, Bill đề nghị tôi đưa đi tham quan một số kiểu kiến trúc của các tòa nhà công sở. Dừng lại trước một tòa nhà năm tầng cao to đồ sộ, có đường xe ô tô lên xuống chạy vòng mặt tiền, hỏi ra mới biết là một cơ quan cấp Bộ. Ở hai bên cửa chính người ta đặt vào đó hai con sư tử đá khổng lồ. Con nào trông cũng dữ. Dưới chân con sư tử bên trái lại có thêm cả đàn con nhỏ.
Bill ngạc nhiên: “Việt Nam có còn nhiều sư tử không?”. Tôi trả lời ngay: “Ồ, Việt Nam làm gì có sư tử?”. Như chợt nhớ ra mình hỏi hơi thừa, Bill bảo sao một bên có sư tử đứng một mình, bên kia lại đứng với lũ sư tử con?
Tôi liền ra vẻ hiểu biết mà giải thích cái tục sư tử đực sư tử cái ra sao, rồi còn kể có nơi người ta cho rằng vì để tượng hai con sư tử đực trước cửa cơ quan thành ra… nội bộ đánh nhau, làm ăn be bét, rốt cục phải bí mật chuyển đi nơi khác,…
Bill nhìn hồi lâu rồi nháy mắt đầy vẻ tinh quái, cười bảo: “Thế thì đây là tượng hai con đực cả. Chỉ sư tử đực mới có bờm thôi ông ạ!”
Nghe Bill nói, tôi mới nhìn lại cho kỹ, đúng là thế thật. Bill nhờ hỏi người thường trực gác cổng. Tôi dịch câu hỏi của Bill “Sao lại đặt hai con sư tử ở đây?". Chẳng thèm để ý, nhân viên trực gác ngáp dài thườn thượt, rồi buông một câu: “Oai? Oai? Để cho nó oai chứ còn để làm gì nữa. Có thế mà cũng hỏi!”
Luống cuống chẳng kịp tìm ra chữ nào để dịch nghĩa chữ “oai” từ tiếng Việt sang tiếng Anh-Mỹ cho chuẩn, tôi lẩm bẩm “oai oai oai”. Bill lại tưởng tôi hỏi “Why? Why? Why?” bèn lắc đầu, cả hai cùng cười rồi lên xe đi tiếp...