Việc làm này rất cần thiết, vì không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của nồi cơm điện mà còn giảm lượng điện năng tiêu hao của thiết bị.
Nồi cơm điện là thiết bị phổ biến trong gia đình, hầu như nhà nào cũng có. Nhưng bạn có biết, dưới đáy nồi cơm điện đều có một tấm gia nhiệt, hay còn gọi là mâm nhiệt, có tác dụng làm nóng nồi với công suất cao để cơm chín.
Trong quá trình sử dụng, sẽ có một số vật nhỏ rơi vào mâm nhiệt, theo thời gian sẽ tích tụ nhiều vết bẩn, gây rỉ sét. Điều này sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền điện do khi đó nồi cơm điện sẽ phải tăng công suất hoặc kéo dài thời gian nấu cơm. Do đó, việc vệ sinh mâm nhiệt trong nồi cơm điện thường xuyên là việc làm rất cần thiết.
Cách làm sạch mâm nhiệt nồi cơm điện
Cách 1: Cồn và baking soda
Chuẩn bị một miếng bọt biển, một chai cồn nhỏ và một lượng baking soda thích hợp. Hòa baking soda với cồn, dùng bọt biển chấm vào dung dịch đó rồi lau mâm nhiệt của nồi cơm điện.
Cồn và baking soda sẽ giúp làm mêm vết bẩn, giúp vết bẩn nhanh chóng bị loại bỏ. Sau khi cọ xong, hãy dùng khăn sạch ẩm lau lại là mâm nhiệt nồi cơm điện sẽ sạch sẽ như mới.
Cuối cùng, hãy dùng khăn khô để lau lại, đảm bảo mâm nhiệt khô ráo hoàn toàn trước khi sử dụng.
Cách 2: Kem đánh răng
Nếu mâm nhiệt lâu ngày không được làm sạch và vết bẩn quá cứng đầu, chúng ta có thể dùng kem đánh răng và bàn chải đánh răng cũ để xử lý vết bẩn.
Sau khi cọ mâm nhiệt nồi cơm điện bằng kem đánh răng, bạn hãy dùng khăn sạch để lau lại. Lúc này bạn sẽ thấy các vết bẩn đã biến mất.
Những vị trí khác của nồi cơm điện cần vệ sinh thường xuyên
Ngoài mâm nhiệt, còn nhiều vị trí khác của nồi cơm điện cần vệ sinh thường xuyên để đảm bảo vệ sinh cũng như tăng tuổi thọ cho thiết bị.
- Nắp vung bên trong và lỗ thông hơi của nồi cơm điện
Khi dùng nồi cơm điện để nấu cháo hoặc cho quá nhiều gạo vào, cơm sẽ tràn lên nắp và lỗ thông hơi. Nếu không được vệ sinh kịp thời, lâu ngày nồi cơm điện sẽ có mùi hôi, mùi chua đặc trưng do sản sinh vi khuẩn. Nếu cứ để thế nấu, cơm sẽ không đảm bảo, gây hại cho sức khỏe con người.
Để vệ sinh nắp vung và lỗ thông hơi, bạn hãy tháo rời ra rồi rửa như rửa bát bình thường là được. Sau khi rửa, hãy lau khô trước khi lắp lại vào nồi cơm.
Với lỗ thông hơi, nếu không thể tháo rời, bạn có thể dùng tăm bổng ẩm để vệ sinh nó.
- Vỏ bên ngoài nồi cơm điện
Nồi cơm điện sử dụng lâu ngày sẽ có vết bẩn bên ngoài lớp vỏ, nếu không được vệ sinh sẽ chuyển sang màu vàng gây mất thẩm mỹ.
Nếu vết bẩn cứng đầu, bạn hãy đổ một lượng giấm trắng thích hợp vào khăn sạch rồi dùng để lau vỏ nồi cơm điện. Bạn cũng có thể dùng giẻ ướt nhúng vào dung dịch baking soda hoặc kem đánh răng để lau chùi. Sau vài lần lau, vết ố vàng sẽ biến mất.
- Vết ố vàng bên trong lòng nồi cơm điện
Mở nồi cơm điện của bạn ra, bạn sẽ thấy có nhiều đốm nâu nhỏ ở bên trong lòng nồi. Đây thực chất là những vết bẩn. Nếu lâu ngày không vệ sinh, chúng sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng dẫn nhiệt của nồi cơm điện. Kết quả là khi nấu cơm, nhiệt sẽ tỏa ra không đều, khiến cơm chỗ chín chỗ chưa chín.
Để vệ sinh bên trong lòng nồi cơm điện, bạn hãy đổ một lượng nhỏ baking soda, nước rửa bát và muối vào nước ấm, khuấy đều cho đến khi muối và baking soda tan hoàn toàn. Sau đó dùng giẻ sạch nhúng vào dung dịch này, vắt kiệt nước rồi lau bên trong lòng nồi cơm điện là được.