Anh Thái là một nghệ nhân cắm hoa Ikebana từng được mời giảng dạy tại nhiều hội chợ, triển lãm lớn nhỏ tại nước Pháp.
Ikebana, hay còn gọi là 'hoa đạo', là môn nghệ thuật cắm hoa lâu đời của Nhật Bản. Theo đó, hoa được cắm hài hòa với màu sắc và bài trí của phòng, bình cắm...tượng trưng cho thiên, địa, nhân (trời, đất, con người). Đặc biệt, mỗi cách cắm hoa lại ẩn giấu trong mình ý nghĩa riêng để mọi người tìm tòi.
Tại Việt Nam hiện nay, nghệ thuật Ikebana bắt đầu phát triển và được nhiều người tìm học. Một trong những người Việt thành công với môn nghệ thuật này phải kể đến anh Mai Văn Thái - người được nhiều người say Ikebana Việt Nam kính trọng gọi là "Thầy".
Anh Thái tốt nghiệp giáo viên Ikebana của trường Ikenobo tại Kyoto, Nhật Bản. Anh vinh dự là một trong số ít Nghệ nhân nghệ thuật cắm hoa tại Pháp. Công việc chính hiện nay của anh là giảng dạy Ikebana và thiết kế hoa cho sự kiện tại Pháp và châu Âu. Với những kiến thức và kinh nghiêm chuyên môn của mình, anh Thái đã nhiều lần được các tờ báo lớn nhỏ tại Pháp tôn vinh. Gần đây nhất, bài báo viết về anh và nghệ thuật Ikebana được đăng tải trên tờ Le Havre đã được chị em Việt tìm dịch và chia sẻ.
Bài báo viết về anh Thái trên Le Havre
Được sự đồng ý của anh Thái, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn lại bài dịch của chị Nguyễn Bích Thủy từ bài báo của Pháp.
Nghệ thuật cắm hoa Gặp gỡ với Thai Thomas Mai Van, giáo viên Dạy Ikebana ở Le Havre Tất cả những ai trên thế giới dù mới một lần hay nhiều lần được thưởng thức những tác phẩm cắm hoa của Thai Thomas Mai Van đều có cùng một nhận xét, đó là thật tuyệt vời. Nhưng với Thái, trong tất cả các tác phẩm của anh, ngoài vẻ đẹp hiện hữu vốn có của hoa mà ai cũng có thể cảm nhận thì anh trước hết đi khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn - nét đẹp vô hình của mỗi loài hoa qua bàn tay và sự sáng tạo của chính mình. Thái là một người vô cùng nhạy cảm với hoa lá cỏ cây, bởi lẽ theo anh, những bông hoa không chỉ mang vẻ đẹp cho mỗi chúng ta khi ngắm mà còn cần phải hiểu được môi trường, quá trình sinh trưởng của mỗi loài hoa và từ đó chúng cho ta một vẻ đẹp riêng để chiêm ngưỡng. Như anh vẫn hay nói: "Khi tôi ngồi với hoa, mọi điều xung quanh tôi đều vô nghĩa. Chỉ có hoa như những người bạn đang cùng tôi". Tác phẩm từ những bông hồng Queen Elisabeth trong vườn nhà anh Thái tại Pháp Cũng chính vì lẽ đó mà người đàn ông có thể nói tiếng nói của các loài hoa, đối thoại được với hoa, đã trở thành Giáo viện dạy Ikebana, một môn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Chỉ mới thực sự đến với bộ môn này 10 năm nay thôi nhưng anh đã trở thành một Nghệ nhân thực sự được công nhận bởi tài năng và sự sáng tạo của anh. Từ 2 năm nay, anh đã có bằng giáo viên chính thức do Trường Ikenobo Nhật bản cấp, Trường nổi tiếng chuyên về Nghệ thuật cắm hoa truyền thống Ikebana từ hơn 6 thế kỷ qua. Theo Thái, Ikebana thật sự là một phương pháp thư giãn tuyệt vời, giải toả mọi bức xúc trong cuộc sống. Khi anh cảm thấy mình "có tâm sự" anh liền cắm hoa Ikebana, với anh đó thực sự là một món ăn tinh thần kỳ diệu. Chia sẻ niềm đam mê về hoa. Thai Mai Van dường như chưa hài lòng khi chỉ bản thân mình có thể đối thoại với hoa mà anh mong muốn được chia sẻ, nhân rộng với số người có cùng đam mê với mình nhưng chưa có cơ hội tiếp cận. Anh Thái đang giới thiệu về nghệ thuật cắm hoa Ikebana tại Hội chợ Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ 2015 tại Bảo tàng Quốc gia Giáo dục, Pháp Ngay từ buổi đầu, anh đã tạo ra một trang mạng xã hội trên Facebook: Đam mê Ikebana - Ikebana Passion cho phép kết nối toàn cầu với những người có cùng đam mê không chuyên có thể chia sẻ những tác phẩm của mình theo phong cách Ikebana. Hiện nay anh được hơn 40.000 người trên khắp thế giới theo dõi và mong được chiêm ngưỡng hàng ngày những tác phẩm mới của anh. Mục đích của anh đó là có thể đưa Ikebana đến với tất cả mọi người - có thể "bình dân hoá" Ikebana, tất cả mọi người đều có thể chia sẻ, thực hành Ikebana trong một cộng đồng thu nhỏ từ những nhóm đam mê. Với mong muốn đạt được mục tiêu này, anh cũng mở các lớp dạy Ikebana ở ngay thành phố nơi anh đang sinh sống - thành phố Le Havre, và ở đó anh đã có cơ hội chia sẻ tài năng của mình cho đông đảo các tầng lớp, đối tượng khác nhau, những người dân xứ Normandie. Nhà nghiên cứu - giáo viên trong tương lai Thai Mai Van cũng đau đáu một niềm khao khát có thể đưa Ikebana về Việt nam (nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi anh sinh ra và lớn lên), và anh đã có thành công bước đầu. Anh vừa trở lại quê hương và đã thực hiện các buổi giao lưu, nơi anh được tôn vinh như một ngôi sao toả sáng trong lĩnh vực cắm hoa nghệ thuật Ikebana. Anh cũng có một trang trên mạng xã hội chỉ dành cho cộng đồng người Việt và đã có 5000 thành viên, anh đã tổ chức buổi giao lưu đầu tiên tại trung tâm Sài gòn - Dinh Thống nhất. Anh Thái trong buổi hướng dẫn cắm hoa Ikebana trong lần về Việt Nam giao lưu (Ảnh: NVCC) Nghệ nhân của thành phố Le Havre đã có vị trí thực sự trong lĩnh vực này. Anh được "Nacre", một tạp chí nổi tiếng về nghệ thuật chuyên về giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tác từ hoa "đặt hàng" thường xuyên trên mỗi số báo của họ cùng với các nhà sáng tạo nổi tiếng nhất của Pháp. Anh cũng là người đã tạo nên một xu hướng mới cho tương lai của Ikebana khi kết hợp và lồng ghép các yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo nên những tác phẩm đương đại mang dấu ấn của Ikebana truyền thống. Mỗi khi anh đăng một tác phẩm lên mạng xã hội trên internet, nó có thể đạt tới con số kỷ lục là 3000 lượt yêu thích trong vòng 24 giờ của các fan hâm mộ trên toàn thế giới. Với những tác phẩm truyền thống, anh phải mất đến 5 giờ đồng hồ miệt mài không nghỉ. Nhưng với tác phẩm đương đại anh có thể với thời gian ngắn sáng tạo ra nhiều tác phẩm khác nhau một cách nhanh chóng. Anh cũng có mối quan hệ mật thiết với những người trồng hoa xứ Normandie bởi anh mong muốn khai thác tiềm năng của hoa ngay tại nơi anh sống và cũng có nhưng loài hoa do tự tay anh trồng trong khu vườn nhỏ của mình. Theo anh, Ikebana đó là sự tái hiện một phần quá trình sinh trưởng của hoa, vậy nên cần tôn trọng điều này khi tạo ra tác phẩm. |