Từ tầng 3 nhìn xuống sân thượng tầng 2, vườn hoa của bố mẹ chị Hiền được thiết kế quy củ, tuân theo sắp đặt trong nội thất nhà vườn.
Hồng Anh chiếm chủ đạo
Khi chuyển về nhà mới, bố mẹ chị Thu Hiền (Cầu Giấy -Hà Nội) đã quyết định trồng hoa trang trí ngôi nhà thân yêu. Chị Hiền cho biết: “Bố mẹ mình bắt đầu trồng hoa từ năm 2014. Về nhà mới, ông bà muốn trồng hoa làm đẹp nhà. Hơn nữa, ông bà đã nghỉ hưu nên chúng mình muốn ông bà có thời gian thư giãn, rèn luyện sức khỏe tuổi già”.
Không gian đặt những chậu hoa trong khuôn viên nhà của bố mẹ chị Hiền hết sức đặc biệt. Vì không có sân vườn rộng nên sân thượng tầng 2 và ban công các tầng được sử dụng làm chỗ trồng hoa. Vừa tận dụng được không gian vừa phục vụ tốt mục đích trang trí ngôi nhà và cũng tiện cho việc chăm bón.
Khi chuyển về nhà mới, bố mẹ chị Hiền đã quyết định trồng hoa vui tuổi già
“Vườn hoa nhà bố mẹ mình khá rộng nên ông bà trồng được rất nhiều các loại hoa và cây cảnh như bon sai, dạ yến thảo, triệu chuông, thanh tú, thanh xà, bạch xà, cúc,… Nhiều nhất là các loại hoa hồng và chủ đạo là các giống hồng Anh của David Austin”, chị tâm sự.
Chăm sóc tỉ mỉ từng bước
Vườn hoa của bố mẹ chị Hiền do chính tay ông bà cùng các con trồng và chăm sóc. Mẹ chị Hiền chia sẻ: “Tôi là người yêu hoa từ thời con trẻ nên khi nghỉ hưu và chuyển đến chỗ ở mới tôi cũng muốn có khu vườn mới của mình. Đó chính là niềm vui trong cuộc sống tuổi già. Mỗi ngày, cầm bình tưới và cây kéo cắt tỉa; ngắm mầm nụ và thấy sắc hoa rực rỡ là tôi và ông ấy hạnh phúc lắm”.
Chị Hiền cho hay, hầu hết các loại cây đều cần nắng nhưng không chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, mùa xuân và mùa thu là mùa lí tưởng để chị và bố mẹ trồng hoa. Kể về từng công đoạn trồng và chăm sóc hoa lá, chị Hiền cho biết, mỗi giống cây trồng có những cách trồng và chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều trải qua 4 khâu: làm đất, tưới nước, bón phân và phòng trị bệnh.
“Khác với hoa trồng đất vườn, hoa trồng chậu đặt ban công cần đất thoáng nhẹ, thoát nước tốt và nhiều chất dinh dưỡng. Nên trộn đất sạch với trấu, sơ dừa và các loại phân hữu cơ oải mục”, chị Hiền cho biết về công đoạn đầu tiên khi trồng hoa.
Vườn hoa được đặt trên sân thượng tầng 2 và lan can các tầng
Ngoài ra, hoa hồng trong chậu cần được tưới nước thường xuyên hơn hoa hồng dưới đất. Nhưng, cần phải kiểm soát độ ẩm để đất không quá khô không quá ẩm ướt. Đất ẩm ướt có thể dẫn đến thối rễ và các bệnh liên quan đến nấm; đất khô sẽ khiến rễ cây cằn cỗi hoặc mắc các bệnh như bọ trĩ, nhện đỏ,…Thông thường, 1-2 ngày tưới nước 1 lần, thời tiết mùa hè có thể tưới 2 lần/ngày.
Bón phân cũng là khâu quan trọng trong việc chăm sóc hoa. Chị Hiền chia sẻ: “Hiện giờ, có rất nhiều các loại phân bón cho cây và hoa. Phân bón dùng cho hoa hồng chủ yếu là các loại hữu cơ, phân chuồng hoai mục giúp cây sinh trường tốt và cải thiện đất. Ngoài ra, cần cung cấp đủ các loại khoáng chất và điều chỉnh các thành phần đa trung vi lượng hợp lí cho sự phát triển của cây”.
Hoa hồng về cơ bản là loại hoa đẹp và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, hoa cũng dễ mắc các bệnh liên quan đến nấm và các loại sâu bệnh như nhện đỏ, bọ trĩ,... Do đó việc phun thuốc phòng bệnh định kỳ cho cây là rất quan trọng. Khi cây bị sâu bệnh, cần cắt bỏ cành lá để tránh lây lan, cách ly cây và phun thuốc đầy đủ để chữa trị triệt để.
Ngôi nhà thân yêu của bố mẹ chị Hiền
Trong khu vườn, chủ yếu đặt những chậu hoa hồng
Hồng được trồng trong khung hình tạo dáng
Màu hồng nhạt nở chúm chím
Chùm hồng khoe sắc trong nắng
Từng bông hồng nở li ti
Cặp hồng khoe sắc duyên dáng
Hoa nở theo hướng ánh nắng mặt trời
Đa dạng các loại hồng với khuôn khác nhau