Hoa Quỳnh: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất

Việt Quất - Ngày 14/07/2020 14:30 PM (GMT+7)

Hoa quỳnh là loài hoa thường nở về đêm, vẻ đẹp độc đáo của loài hoa này ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cùng tìm hiểu cách trồng và chăm sóc hoa quỳnh trong bài viết sau đây.

Từ trước đến nay, hoa quỳnh được xem là nữ hoàng bóng đêm của các loài hoa. Do đặc tính chỉ nở về ban đêm và sẽ tàn ngay vào bình minh ngày hôm sau. Với kiểu dáng độc đáo, hương thơm quyến rũ và những công dụng của loài hoa này, nên được rất nhiều người chơi hoa tìm mua. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loài hoa quỳnh chỉ nở vào ban đêm nhé.

Hoa quỳnh có nguồn gốc từ Trung Mỹ hoặc Nam Mỹ, có tên khoa học là Epiphyllum Oxypetalum, thuộc chi Quỳnh Epiphyllum và họ nhà Xương rồng Cactaceae. Tên tiếng anh là Night Blooming Cereus, Queen of the Night, Moon Cactus, Night Cactus, Orchid cacti. Tên tiếng Việt là Quỳnh hương, Quỳnh.

Hoa Quỳnh: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 1

Hình ảnh của hoa quỳnh

Đặc điểm của hoa quỳnh

Hoa quỳnh thường sinh sống tại các khu rừng nhiệt đới nương tựa dựa vào thân cây các loài cây khác, tuy nhiên nó không hề là loài cây sống ký sinh. Ở nước ta, hoa quỳnh được du nhập vào và được nuôi trồng rộng rãi để làm cảnh hoặc trang trí cho nhà ở.

Hoa quỳnh là loài cây dạng thân bụi, thân cây mọng nước, đẹp dày khoảng 3 - 5mm và có bản rộng 1 - 5cm. Cây hầu như không có lá, do thân cây chia thành từ đốt nên nhiều người lầm tưởng thân cây chính là lá cây. Phần rìa mép thân cây có gai nhọn xen lẫn giữa lớp lông tơ nhỏ trắng mịn.

Hoa quỳnh có đủ các loại màu sắc như trắng, đỏ, xanh, vàng, tím,... kích thước hoa lớn, trung bình có đường kính từ 10 - 20cm. Các cánh hoa xếp đan xen nhau và ôm trọn lấy nhị hoa có hình dạng như chiếc chuông. Nhị và nhuỵ hoa có màu vàng, cuống dài. Khi nở, hoa quỳnh có mùi thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng, thanh cao, mùi hương tinh khiết lan tỏa toàn bộ không gian.

Đặc biệt, hoa quỳnh chỉ nở vào ban đêm là để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời. Thời gian tồn tại ngắn ngủi trong khoảng 2 - 3 tiếng và sáng hôm sau sẽ tàn do sự bốc hơi nước. Thời điểm cây quỳnh nở hoa là khoảng từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8, mỗi lần nở hoa cách nhau từ 2 - 3 tháng.

Quả cây hoa quỳnh có hình bầu dục, tương tự như quả thanh long nhưng có kích thước nhỏ hơn, chỉ dài khoảng 4cm và có thể ăn được. Ngoài ra, hiện nay người ta đã lai tạo thành công giống quỳnh có thể nở vào ban ngày.

Phân loại hoa quỳnh

Hoa quỳnh phổ biến nhất hiện nay là loài Dạ Quỳnh - chỉ nở vào ban đêm. Do lai tạo giữa cây quỳnh và thanh long, các nhà khoa học đã lai tạo thành công giống Nhật Quỳnh có thể nở trong khoảng 3 ngày trước khi tàn. Dựa vào đặc điểm của từng loại, sau đây là phân loại hoa quỳnh.

1. Hoa dạ quỳnh

Hoa dạ quỳnh là loài hoa quỳnh trắng có tên tiếng Hán là Đàm hoa nhất hiện. Đây là giống hoa phổ biến nhất, hoa có dạng giống như kèn Trumpet, cánh hoa mỏng và mềm, có mùi hương nhẹ nhàng, tinh khiết.

Thời điểm hoa dạ quỳnh trắng nở là khoảng tháng 6, tháng 7, khoảng 3 tháng sau hoa sẽ nở đợt thứ 2. Hoa thường nở từ 8h - 10h đêm và tàn sau khoảng từ 1 giờ - 3 giờ. Tuy nhiên, để theo dõi trọn vẹn quá trình nở của hoa dạ quỳnh, bạn nên chờ từ khoảng 7h tối.

Cây hoa dạ quỳnh có chiều cao khoảng từ 1m - 2.5m, thân cây phủ một lớp sáp tương tự như thân cây thanh long. Cây hoa quỳnh có khả năng chịu hạn tốt nên rất dễ chăm sóc, bạn chỉ cần trồng cây ở nơi có ánh sáng đầy đủ, chậu trồng cây có khả năng thoát nước tốt.

2. Hoa quỳnh sen

Hoa quỳnh sen là một nhánh của giống Nhật Quỳnh, được trồng phổ biến ở Mỹ và Tây Âu. Hoa của cây quỳnh sen có màu đỏ, đỏ cam hoặc hồng với kích thước hoa khoảng 8cm - 16cm. Mùi thơm của quỳnh sen khi nở không thơm bằng Dạ quỳnh.

Là giống Nhật quỳnh mới được lai tạo nên hoa quỳnh sen khi nở có thể giữ được khoảng 3 ngày. Hoa nở quanh năm nhưng nở rộ nhất trong khoảng từ tháng 3 - tháng 6. Mỗi nhánh nở xen kẽ nhau nên khi nở rộ, cây quỳnh sen sẽ rất đẹp.

3. Hoa nhật quỳnh Mười Lời

Hoa nhật quỳnh Mười Lời là thành quả lai tạo giữa cây thanh long và hoa quỳnh của bác Mười Lời. Từ đó trở thành một giống hoa nhật quỳnh riêng biệt của Việt Nam. Đặc điểm của giống hoa nhật quỳnh này là có thể nở bung trong khoảng 3 ngày. Với màu sắc đa dạng như vàng, đỏ, trắng và hồng trên cùng một cây.

Để kích thích cây nhật quỳnh nở hoa, bạn nên tạm dừng tưới nước cho cây trước mùa nở hoa. Sao cho mặt đất khô hẳn nhưng tuyệt đối không nên để cây héo.

4. Các loại hoa quỳnh khác trên thế giới

Ngoài một số loại hoa quỳnh phổ biến ở trên, còn có khoảng 10 loài quỳnh khác trên thế giới như:

- Epiphyllum Baueri có nguồn gốc từ Colombia và Panama.

- Epiphyllum Cartagense bắt nguồn từ Costa Rica và Panama.

- Epiphyllum Chrysocardium có nguồn gốc từ Mexico, thường được gọi là quỳnh lá dương xỉ, quỳnh tim vàng, quỳnh răng cá mập hay quỳnh vây cá mập.

- Epiphyllum Grandilobum là một loài quỳnh có nguồn gốc từ Costa Rica, Nicaragua, Panama.

- Epiphyllum Hookeri là một loài quỳnh leo trong chi Epiphyllum, có nguồn gốc từ Mexico qua Trung Mỹ đến Venezuela.

- Epiphyllum Lauri là loài quỳnh có nguồn gốc từ Mexico và thường được trồng làm cảnh.

- Epiphyllum Oxypetalum, hoa quỳnh của người Hà Lan, công chúa của bóng đêm hay nữ hoàng bóng đêm, chính là giống hoa Dạ Quỳnh ở Việt Nam. Có nguồn gốc từ Belize, Honduras, El Salvador, Mexico.

- Epiphyllum Phyllanthus thường được gọi là cây quỳnh leo. Loài này không có lá, thay vào đó sử dụng thân cây để quang hợp. Hoa của loài này cũng chỉ nở vào ban đêm và có hương thơm nồng nàn. Loài hoa này có nguồn gốc từ Mexico và Venezuela.

- Epiphyllum Pumilum là một loài nhật quỳnh có nguồn gốc từ Mexico và Guatemala. Loài thường được trồng làm cảnh vì có hoa đẹp và thơm, thường nở vào mùa hè.

- Epiphyllum Thomasianum là một loài hoa quỳnh có nguồn gốc ở Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua và Panama.

Sự tích hoa quỳnh chỉ nở về đêm

Hoa quỳnh như đã nói ở trên, là loài hoa chóng tàn, chỉ nở vào ban đêm và tàn vào ban ngày. Ở Trung Quốc người ta đã lưu truyền lại câu chuyện về sự tích hoa quỳnh như sau:

- Trung Quốc thời xưa có một ông vua được dân gọi là hôn quân có tên Tùy Dạng Đế. Vào một đêm, khi đang ngủ thì ông ta mơ thấy một loài hoa tuyệt đẹp. Cùng lúc đó trong một ngôi chùa cổ kính tại thành Lạc Dương cũng xuất hiện một luồng sáng kỳ lạ, không cháy lớn nhưng lại tỏa ra mùi hương quyến rũ. 

- Sáng sớm hôm sau khi người dân trong thành tỉnh dậy phát hiện ra trong giếng nước của ngôi chùa đó nở ra một bông hoa kỳ lạ với 18 cánh hoa mọc ở bên trên và 24 cánh lại mọc ở phía dưới. Mùi hương của hoa tỏa ra thơm ngát đến mức đứng ở xa hàng dặm vẫn có thể cảm nhận được. 

- Nghe tin, nhà vua ngay lập tức đi đến thành Lạc Dương để thưởng lãm. Tuy nhiên khi gần đến nơi, bông hoa bỗng héo tàn và không còn hương thơm nữa. Ông ta tức giận và cho người nhổ bỏ cây hoa đang mọc trong giếng nước kia. Từ đó trở về sau, loài hoa này không bao giờ nở vào ban ngày mà chỉ nở vào ban đêm, dân gian đặt tên cho nó là hoa Quỳnh.

Hoa Quỳnh: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 2

Sự tích hoa quỳnh chỉ nở về đêm

Ý nghĩa hoa quỳnh

Tuy người ta đã lai tạo thành công giống Nhật quỳnh nở vào ban ngày, nhưng khi nhắc đến ý nghĩa của hoa quỳnh, mọi người thường nghĩ đến những đóa Dạ quỳnh. Sau đây là ý nghĩa của  của loài Dạ quỳnh.

- Một tên khác của loài cây quỳnh là Brahma Kamal, được đặt theo tên của vị thần Brahma. Theo văn hoá Hindu, đây được coi là loài hoa linh thiêng. Khi hoa nở mang đến sự may mắn và thịnh vượng. Vì vậy, người ta thường nói rằng, nếu cầu nguyện khi bông hoa đang nở thì điều ước sẽ trở thành hiện thực.

- Hoa quỳnh đêm nở ngày tàn chỉ dành cho những người trân trọng cái đẹp, biết kiên nhẫn chờ đợi chứ không dành cho những kẻ hám lợi, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà coi thường những thứ khác.

- Sự chóng nở chóng tàn này của hoa quỳnh còn tượng trưng cho sự hồng nhan nhưng bạc phận, có sắc đẹp nhưng chỉ là phù du, chỉ là mỗi nỗi thoáng qua mà thôi. 

- Hoa còn mang hàm nghĩa chỉ đến những người con gái trong độ thanh xuân còn e ấp, thẹn thùng, đồng thời tỏ ý khen vẻ đẹp thuần khiết của người con gái.

- Nhiều nước ở châu Mỹ coi hoa quỳnh như là biểu tượng cho một vẻ đẹp chung thủy, cũng giống như hoa chỉ nở về đêm rồi chóng tàn tương tự như mối tình đầu và duy nhất dâng hiến cho người xứng đáng.

Hoa Quỳnh: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 3

Hoa quỳnh e ấp tượng trưng cho người con gái trong độ xuân xanh

Tác dụng của hoa quỳnh

Ngoài tác dụng được trồng để làm đẹp cho cảnh quan xung quanh nơi mà bạn đang sinh sống. Hoa quỳnh còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh trong một số bài thuốc của Đông y. Do có tính bình, vị thanh mát, ngọt nhẹ có khả năng tiêu đờm, chữa ho, kháng viêm và giúp cầm máu. Ngoài ra những bài thuốc khác từ cây quỳnh có khả năng chữa tiểu đường, mụn nhọt, xuất huyết,....

Hoa quỳnh hỗ trợ hệ tim mạch, giảm lượng mỡ trong máu

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, hoa quỳnh có chứa rất nhiều hoạt chất giúp ổn định và cân bằng hệ tim mạch, kích thích quá trình chuyển hoá cholesterol xấu ở gan. Từ đó giúp cải thiện sức khỏe hệ tim mạch, giảm mỡ máu, giảm thiếu máu tim, phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Hoa quỳnh hỗ trợ điều trị rối loạn tiết niệu

Nhiều tài liệu đã ghi nhận cây quỳnh giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề về đường tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, tiểu buốt, tiểu rắt, đau bụng kinh. Đặc biệt tinh dầu hoa quỳnh tươi giúp đánh tan sỏi thận hiệu quả.

Hỗ trợ các vấn đề về đường tiêu hoá, giảm đau

Hoa quỳnh được cho là có khả năng giảm đáng kể tình trạng đầy hơi, khó tiêu và các vấn đề về đường tiêu hoá khác. Đây cũng được xem là phương thuốc giúp giảm đau nhức cơ do chuột rút gây ra, các chấn thương, đau bụng, đau vùng thượng vị.

Ngoài ra, hoa quỳnh có thể được ngâm rượu uống hoặc pha trà sử dụng hàng ngày mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đánh tan vết bầm tím, giảm sưng hiệu quả khi bôi vào các vùng chấn thương.

Tác dụng của hoa quỳnh theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, cả cây quỳnh đều có tác dụng đối với sức khỏe con người. Hoa quỳnh có vị ngọt, tính bình có tác dụng giảm ho dai dẳng, tiêu đờm, tiêu viêm, cầm máu, lưu thông khí ở phổi. Thân cây có vị mặn, chua nhẹ, tính mát giúp giảm viêm, giảm đau và giảm sưng phù.

Những lưu ý khi sử dụng hoa quỳnh

Dù có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, nhưng khi sử dụng vẫn cần phải lưu ý những điều sau:

- Không sử dụng bất cứ sản phẩm nào từ cây quỳnh nếu bị dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần hoạt chất nào của cây.

- Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, khi muốn sử dụng vị thuốc dân gian này nên tham khảo ý kiến từ các bác sỹ trước.

- Một số tài liệu đã ghi nhận, hoa quỳnh có thể tương tác với thành phần có trong thuốc Digoxin và thuốc chống trầm cảm như Phenelzine hay Tranylcypromine. Vì vậy, nếu đang sử dụng các loại thuốc này, tuyệt đối không nên sử dụng các sản phẩm từ cây quỳnh.

Hướng dẫn cách trồng hoa quỳnh giúp cây phát triển tốt

Hoa quỳnh là loài hoa rất dễ trồng và phát triển, tuy nhiên để hoa có thể sinh trưởng và đạt trạng thái tốt nhất, bạn nên chú ý một số yếu tố sau đây:

- Đất trồng: Mặc dù, cây quỳnh có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng tốt ở mọi điều kiện đất. Tuy nhiên, nên chọn loại đất tơi xốp, thoát nước tốt như là đất mùn sẽ có lợi cho sự phát triển của cây. Nếu trộn thêm xỉ than vào đất sẽ càng có lợi hơn nữa.

- Thời điểm trồng: Nên trồng cây vào giai đoạn khí hậu thời tiết mát mẻ, dễ chịu, tránh trồng cây hoa quỳnh vào lúc trời nắng nóng. Nhiệt độ tốt nhất để cây sinh trưởng ổn định nên từ 18-27 độ C.

- Kỹ thuật trồng: Hiện nay, có 2 cách trồng hoa quỳnh phổ biến nhất là trồng cây bằng hạt giống hoặc sử dụng cành cây khỏe mạnh để trồng. Nếu trồng bằng hạt giống, chỉ cần xới đất cho tơi xốp rồi vùi hạt xuống, tưới nước lên là được. Mang chậu cây ra chỗ có nắng, chỉ sau 3-4 tuần là cây sẽ bắt đầu nảy mầm và phát triển. Tuy nhiên nhược điểm của cách trồng hoa quỳnh bằng hạt là sinh trưởng rất lâu. Đối với phương pháp trồng cây bằng giâm cành thì cây sẽ nhanh đơm hoa hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Hoa Quỳnh: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 4

Trồng hoa quỳnh đúng cách sẽ giúp hoa phát triển tốt

Hướng dẫn cách chăm sóc hoa quỳnh đúng kỹ thuật

Sau khi trồng cây, công đoạn chăm sóc cho cây cần được quan tâm để cây có thể phát triển tốt và sớm nở hoa. Một số yếu tố sau đây bạn cần chú ý trong quá trình chăm sóc cây hoa quỳnh:

- Nước tưới cây: Quỳnh là loài cây không chịu được sự úng ngập, do đó, bạn không nên tưới quá nhiều nước, chỉ cần một lượng vừa đủ. Nếu trồng bên ngoài, bạn nên đặt chậu cây ở khu vực có mái che, tránh trường hợp mưa to, dư thừa lượng nước sẽ làm úng cây.

- Ánh sáng: Cây hoa quỳnh không phải là loài cây ưa sáng, chúng thích nơi râm mát để phát triển. Vậy nên bạn nên đặt chậu cây tại nơi ánh sáng mạnh không chiếu tới, tạo điều kiện để cây có thể nở hoa vào đêm tốt hơn.

- Phân bón cho cây: Hoa quỳnh rất dễ phát triển nếu được trồng trong đất mùn. Do đó, bạn không cần phải bón những loại phân chất lượng cho cây, chỉ cần đảm bảo đất có đủ dinh dưỡng là được. Sau khoảng 3 tháng từ lúc trồng cây, bạn nên bón phân bổ sung với liều lượng vừa đủ. Tần suất bón phân từ 3 - 6 tháng/lần để cây sinh trưởng tốt hơn.

- Phát hiện sâu bệnh: Cây hoa quỳnh không hề có lá, vậy nên sẽ ít hoặc gần như không gặp vấn đề về sâu bệnh. Chủ yếu cây sẽ bị héo úa hoặc chết do không được chăm sóc tốt mà thôi.

- Thay giá thể định kỳ cho cây: Việc thay giá thể tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khá quan trọng đối với cây quỳnh. Mặc dù cây không yêu cầu cao về cả chất lượng đất trồng, dinh dưỡng trong đất. Sau khoảng 1 năm, giá thể đã giảm lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây. Lúc này bạn nên chuẩn bị giá thể mới cho cây để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho cây đơm hoa. Chuẩn bị hỗn hợp bao gồm 30% đất thịt mềm đập nhỏ, 30% phân hữu cơ là phân trùn quế hoặc phân chuồng (nên sử dụng phân trùn quế), 10% xơ dừa hoặc mùn dừa, 10% đất nung non viên nhỏ hoặc xỉ than và 20% trấu hun. Trộn đều các nguyên liệu làm giá thể sau đó loại bỏ 2/3 phần đất cũ trong chậu cây và thay thế bằng hỗn hợp đất mới vừa làm.

* Lưu ý: Nên tránh thay giá thể vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa hoặc đang có hoa.

Có nên trồng hoa quỳnh trong nhà?

Quỳnh là loài cây rất dễ sinh trưởng và phát triển. Do đó bạn hoàn toàn có thể trồng hoa quỳnh trong nhà hoặc trong vườn vẫn giúp đảm bảo hoa phát triển tốt mà không bị ảnh hưởng gì đáng kể. Tuy nhiên, khi trồng trong nhà, bạn cần phải chú ý đến các yếu tố về độ ẩm, lượng nước của cây để tránh cây bị chết khô trong nhà mà không hề hay biết. 

Ngoài ra, với những người chú trọng tính phong thủy, cần cân nhắc đặt chậu cây hoa quỳnh tại vị trí nào trong nhà sao cho hợp đường tài lộc, phú quý. Tránh đặt cây tại những vị trí có thể ảnh hưởng xấu đến phong thủy.

Đại gia hoa quỳnh trên đất Mỹ chỉ cách trồng hoa nhật quỳnh từ lá
Sở hữu hơn 60 giống hoa quỳnh Nam Mỹ, "đại gia hoa quỳnh" trên đất Mỹ chỉ cho bạn đọc Dân Việt cách trồng nhật quỳnh từ lá.

Việt Quất
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hoa đẹp