Thu sang, đi qua vạt đường nào cũng thấp thoáng bóng hồng dịu dàng của tigon, lòng tôi lại chợt xuyến xao lạ lùng.
Mỗi độ thu về cũng là lúc rất thích hợp để trồng và chăm sốc loài hoa này. Chị em hãy thử trải nghiệm cùng với sắc hồng hoa tigon trong ngôi nhà mình nhé!
Tigon tím là loại khó trồng nhất
Muốn trồng được một giàn hoa Tigon đẹp cần phải để ý đến điều kiện môi trường của cây. Hoa tigon là loài hoa dễ trồng bằng mầm hoặc hạt, tuy mọc hơi chậm lúc mới gieo trồng. Khi đã bén đất thì phân nhánh nhiều và vươn dài. Cây con sau 3 – 4 tháng ở vườn ươm có thể đem trồng ở nơi cố định. Cây được trồng ở trông chậu hoặc dễ dàng mọc hoang dại ở các bờ tường và nở liên tục trong năm.
Các bước chuẩn bị:
- Chậu: Trồng cây trong chậu hay ở đất vườn đều được.
- Đất trồng: Nếu trồng cây trong chậu, phải chuẩn bị đất để cây sinh trưởng. Đất trong chậu phải tốt, nhiều mùn, được xử lí sâu bệnh, nấm bệnh, độ PH = 7. Tương tự như vậy, nếu nhà bạn có vườn thì chọn chỗ đất ẩm ướt và nhiều chất dinh dưỡng.
Thành phần đất: 70% đất thịt, 20% rác mục, 10% cát cùng phân bón hóa học Nitơ, Photpho, Kali hoặc đơn giản và phổ biến hơn, trộn thành phần: phân chuồng hoai mục 25%, đất thịt 49%, tro trấu 25%, phân vô cơ 1%.
Trồng cây
- Cách 1: Trồng bằng hạt hoặc cây con
Dùng quốc, xẻng, xà beng xới lỗ.
Gieo hạt (hoặc đặt cây con) xuống lỗ
Lấp kín đất và tưới nước nhẹ làm ẩm
Làm giàn bảo vệ
- Cách 2: Trồng bằng cành
Chọn 1 cành già và um tùm, có nhiều nhánh nhỏ.
Chọn chỗ đất ẩm ướt và nhiều chất dinh dưỡng
Đào 1 hố nhỏ nhỏ và cắm cành đó xuống
Không cắm cành thẳng đứng mà đặt hơi nằm rạp xuống đất. Vun đất đến gần nửa cành
Tưới nước tưới một lượng nước vừa phải để làm ẩm
Chăm sóc hoa Tigôn
- Tưới nước: Nước rất quan trọng với cây non, hạt hoặc cành Tigon vừa được giâm trồng. Lúc mới trồng, mỗi ngày tưới 2 lần, sáng sớm và chiều tối, không để cây tiếp xúc với ánh nắng quá gay gắt, cây cần phải được che mát, tốt nhất làm dàn che cho cây.
Sau 1 tháng, rễ đã bắt đầu bén đất thì mỗi ngày chỉ cần tưới một lần. Thời điểm tưới cũng phải lưu ý, chỉ nên tưới lúc mát trời và đặc biệt chú ý không để đất cát đọng lại trên lá. Lượng nước vừa phải, nếu quá nhiều sẽ gây úng rễ.
- Vun xới: Sau khi trồng 10 ngày, cần xới váng cho gốc cây, sau 20-25 ngày, làm cỏ, xới xáo 1 lần để cây sinh trưởng tốt. Chú ý đất quanh gốc cây cần phải tơi xốp để rễ dễ dàng hút chất dinh dưỡng. Nếu để đất bị nén, Tigon sẽ phát triển chậm và còi cọc.
- Bón thúc: Những cây trồng dài ngày trong chậu cần phải bón thúc 2-3 lần, phân hoai phải được rải quanh gốc. Liều lượng bón: Phân chuồng: 0,5-1,5 kg/chậu; Phân vô cơ: 2-4g/chậu (N-P-K).
Khi cây ra hoa, nụ thường có nhiều loại côn trùng phá hoại, cần phát hiện và xử lý ngay
Chú ý: Hàng ngày phải tưới nước và chăm sóc kỹ càng, và đặc biệt là chỉ nên tưới vừa đủ nước bởi mới trồng mà tưới nhiều sẽ dễ bị thối rễ (cây con) hoặc thối gốc (cành).
Ti gôn có lá xanh quanh năm, nhưng lá già khô héo không rụng, làm cho lá non mới mọc xếp đè lên lá khô, giàn cây bị nặng và dầy, che bóng nhiều. Do đó vào cuối mùa khô hay đầu mùa xuân, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc, cần cắt tỉa các cành già thu gom lá khô để giàn cây được thoáng, cành non mọc ra nhiều.
Làm giàn cho hoa Tigon cũng tương tự như các loài hoa leo khác. Bên cạnh đó, loài hoa này còn dễ dàng leo lên các bờ tường, bậu cửa và vẫn có thể sống tươi tốt, thế nên bạn nên trồng ở gần hàng rào, tường và những nơi hoa có thể leo được.
Nào, bạn hãy dành ngày cuối tuần mùa thu để vun trồng một khóm hoa tigon tuyệt đẹp, điểm tô thêm nét vấn vương cho không gian nhà mình nhé.