Nhà cổ Bình Thủy đã 140 tuổi đời. Từng chi tiết nhỏ của nó đều là vô giá.
Lúc chúng tôi chuẩn bị rời ngôi nhà cổ, đã gần 5 giờ chiều và bên ngoài trời vẫn lất phất mưa. Thế mà, vẫn có một đoàn hơn 20 khách nước ngoài ghé vào. Họ vừa chăm chú lắng nghe, vừa săm soi từng món đồ, từng hoa văn của căn nhà...
Đã hết giờ tham quan, hướng dẫn viên hối thúc mọi người lên xe nhưng nhiều người vẫn cố nấn ná để chụp những tấm ảnh, để quan sát từng chi tiết bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà.'
Nhà toàn gỗ quý.
Câu chuyện của căn nhà cổ gần 140 năm này không chỉ là chuyện kể của một căn nhà. Chúng gắn liền với câu chuyện của người chủ đầu tiên, cái cách mà người ta tạo dựng nó, câu chuyện của từng món đồ, xuất xứ của chúng, giá trị của chúng...
Bên cạnh đó còn là câu chuyện mà có lẽ bây giờ là thực, nhưng mai sau chúng sẽ được thêu dệt thêm cho có vẻ ly kỳ huyền bí. Như câu chuyện chủ nhân căn nhà mua cặp ngà voi dài nhất Việt Nam cũng như quá trình lưu lạc của nó. Câu chuyện của người thợ xây khi nhận thầu xây căn nhà đã phải dè dặt vì sợ ảnh hưởng đến sự tồn vong, nghèo giàu của mình sau này.
Rồi đằng sau đó nữa, là cả một văn hoá của vùng sông nước từ chuyện ẩm thực, chuyện lễ nghi...
Tất cả đều là những điều hoàn toàn có thể khai thác để cho cuộc tham quan trở nên hoàn hảo hơn, đầy đủ hơn của du khách. Thế nhưng, thật đáng tiếc, những điều nói trên chỉ được lược giải qua loa bởi những hướng dẫn viên không đủ thời gian. Và đối với những người tự tìm đến căn nhà này thì câu chuyện lại chỉ được truyền tải bởi một người phụ nữ (hậu nhân của chủ nhà) già yếu.
Nên chăng, ở mỗi đồ vật của ngôi nhà, ở mỗi chi tiết thú vị cần có một chiếc bảng nhỏ ghi những điều cần thiết. Hay tốt hơn nữa những người làm du lịch ở đây nên in một tập sách hay tài liệu tham khảo để bán cho mọi người đến thăm.
Giá trị của những món đồ ở đây là vô giá.
Những chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ.
Những món đồ quý giá bên trong ngôi nhà.
Nhà xây theo kiểu Pháp đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Mặt tiền ngôi nhà với hai lối đi cầu thang hình cánh cung.
Nhà cổ Bình Thuỷ do gia đình họ Dương xây từ năm 1870 tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thuỷ, TP Cần Thơ. Ngôi nhà có năm gian hai mái được xây dựng theo kiến trúc Pháp vẫn còn khá nguyên vẹn. Hiện nay, hậu duệ đời thứ sáu là ông Dương Minh Hiển cùng gia đình tiếp tục kế thừa và giữ gìn ngôi nhà. Căn nhà rộng năm gian hai chái, ngang 22m, sâu 16m, nằm trên lô đất có diện tích 6.000m2. Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng 8m có độ tuổi khoảng 40. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng với sáu hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30cm. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn 10cm. Ngôi nhà được bài trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hoà xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xalông khảm trải kiểu Pháp đời Louis XIV, cặp đèn treo thế kỷ XIX, lavabo, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3m của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp. |