Nhiều gia đình ở thành phố hiện nay đang đổ xô trồng những loại "kỳ hoa dị thảo" - rau củ tí hon để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cho gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, khi mua các hạt giống cây rau củ siêu nhỏ người dân không thể phân biệt được giống bé tự nhiên hay do đột biến.
Bắp cải tí hon, chống ung thư?
Thời gian gần đây, trước hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, người dân Hà thành đã chuyển hướng tự cung tự cấp, trồng rau sạch tại gia. Xu hướng này ngày càng được nhân rộng. Không chỉ trồng rau sạch thông thường, nhiều người còn săn lùng những giống “kỳ hoa dị thảo” nhập ngoại như: Dưa chuột Nhật, cà chua bi, cherry lùn, bầu hồ lô... về trồng tại nhà.
Tìm hiểu qua một số trang mạng có rao bán hạt giống tí hon, PV được biết, phần lớn các hạt giống này được quảng cáo nhập khẩu từ Nga, Mỹ, EU, Canada... Đặc biệt, bắp cải, dưa hấu, cà rốt, bí mặt trời, ớt nhiều màu... là những mặt hàng bán chạy nhất hiện nay.
Trên shop hạt tí hon độc và lạ rao bán đa dạng các loại hạt giống: Dưa tí hon có giá 20.000 – 25.000 đồng/hạt, bắp cải tí hon dao động từ 50.000-70.000 đồng/gói, dâu tây vàng dao động 35.000 - 40.000 đồng/gói, ớt nhiều màu có giá 35.000 – 40.000 đồng/gói và hàng luôn trong tình trạng về đến đâu hết đến đấy bởi nhu cầu khách hàng đặt mua rất lớn.
Chủ shop cho hay, dưa tí hon (dưa Pepquino) của Mỹ giống quả dưa chuột con, ruột xanh, có hạt, cũng có vị chua nhẹ, thanh mát nhưng lại có hình dáng bề ngoài giống như dưa hấu. Đây là giống cây dại, có nguồn gốc lâu đời từ Nam Mỹ được người dân thế giới rất ưa chuộng.
“Dưa hấu tí hon là loại cây leo giàn, thân mảnh, ưa nắng, phù hợp với thời tiết, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam. Cây bắt đầu trổ hoa từ ngày thứ 45 – 60, sau khi kết trái 3 – 4 ngày là có thể thu hoạch. Cây cho trái quanh năm”, chủ shop tiếp thị.
Giống cà chua mini.
Không chỉ quảng cáo các loại hạt giống tí hon cung cấp nguồn dinh dưỡng cao mà nhiều shop online còn thổi phồng cây quả tí hon còn là cây phong thủy. Vì thế, rất nhiều người săn lùng cà chua đen, ớt 7 màu... Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều chủ cửa hàng đẩy giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó – giá dao động từ 25 - 250.000 đồng/túi giống.
Theo tìm hiểu của PV, hạt giống ớt chuông nhiều màu cũng là mặt hàng được các bà nội trợ tìm kiếm nhiều. Hạt giống ớt này được người bán quảng cáo có xuất xứ từ Nga, tuổi thọ cây khoảng một năm, khi phát triển, cây ớt sẽ cao khoảng 30 – 50cm, cho thu hoạch từ 50 – 70 ngày. Loại ớt này được quảng cáo là ăn ngon, dễ trồng, ưa đất thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng. Một loại giống cây khác đang được nhiều người ưa chuộng là bắp cải tí hon.
Cây này có thể trồng trong chậu, phù hợp với không gian eo hẹp của vùng đô thị. Điều thú vị là các mầm rau mọc khá nhiều, dọc theo thân cây, tại mỗi cuống lá sẽ cho ra một bắp cải nhỏ, một cây có thể cho từ 100 – 150 bắp. Đặc biệt, bắp cải tí hon được quảng cáo có xuất xứ từ Hà Lan, vị ngọt, chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Người bán quảng cáo, loại rau này chứa selenium, ăn thường xuyên giúp phòng chống ung thư; tương tự mỗi 100g rau tươi có chứa 4,9g protein, 0,4g chất béo, 8,3g carbohydrate... Cũng vì được quảng cáo các loại giống tí hon nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao nên trên các trang mua bán online, các loại hạt giống bầu hồ lô, bí ngô mini... có giá đắt gấp 5-10 lần so với loại thông thường.
Tuy nhiên, phần lớn những người bán chưa trồng thử nghiệm nên cũng không dám đảm bảo năng suất. Chị Vũ Thanh (đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, chị đã chi hơn một triệu đồng mua các loại hạt giống bí mini, dưa hấu tí hon... về trồng.
“Nhìn mẫu mã các loại rau củ tí hon rất đẹp cộng với việc người bán khẳng định các loại cây quả tí hon có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 2-3 lần rau củ thông thường nên tôi cũng mua về trồng thử”, chị Thanh nói. Không chỉ riêng chị Thanh mà rất nhiều người cũng tò mò về những loại “kỳ hoa dị thảo” và thích thú mua về nhà trồng vừa để ăn, vừa để làm cảnh. Thậm chí nhiều người “nghiện” các loại cây tí hon còn thường xuyên lên mạng theo dõi một số nhà vườn, hễ có giống mới là đặt mua ngay.
Chưa qua kiểm nghiệm thì dễ nguy hiểm và phạm luật
Trao đổi với PV, PGS. TS Đinh Duy Kháng (viện Công nghệ Sinh học, thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) cho rằng: “Bất kỳ loại sinh vật sống nào, kể cả cây giống khi nhập khẩu vào trong nước phải có sự kiểm nghiệm của cơ quan chức năng chứ không thể nhập và bán tùy tiện được. Nếu nhập theo đường chính thức của Nhà nước cho phép thì các loại cây giống đó đã có sự kiểm nghiệm nhưng nếu nhập theo đường tiểu ngạch thì rất nguy hiểm và phạm luật”.
Bắp cải tí hon được quảng cáo có khả năng chữa bệnh.
Cũng theo PGS.Kháng, người dân khi mua các hạt giống cây rau củ siêu nhỏ có thể không phân biệt được giống bé tự nhiên hay do đột biến. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc hạt giống định mua. Tốt nhất chỉ mua những hạt giống đã qua kiểm định của Nhà nước. Sau một thời gian đánh giá, thử nghiệm... các giống cây đạt yêu cầu mới được cấp phép trồng đại trà. PGS.Kháng cũng cảnh báo, trước đây, người dân cũng có trào lưu tự phát nuôi, trồng nhiều loại cây cảnh, sinh vật ngoại lai, không ít loại cây, sinh vật gây hại cho môi trường.
Bài học về cây mai dương, cây mắt mèo, cây ngũ sắc phá huỷ hệ sinh thái vẫn đang còn “nóng hổi”, cần sự kiểm tra ngặt nghèo của các cơ quan chức năng. Vì thế, kể cả trồng rau củ nhập ngoại, người dân cũng không nên tùy tiện. Một chuyên gia nông nghiệp cho hay, các loại giống cây tí hon được quảng cáo cho thu hoạch quanh năm nhưng trên thực tế không đúng như vậy.
“Tôi lấy một ví dụ, khi người bán hạt giống quảng cáo loại dưa tí hon cho trái quanh năm nhưng theo một tài liệu nước ngoài mà tôi đã đọc, mùa thu hoạch của dưa tí hon từ tháng 4 - 10. Ngoài ra, tỉ lệ nảy mầm của hạt chỉ khoảng 70 - 80% và không phải cây nào nảy mầm cũng sống sót hay sinh trưởng tốt”, vị này nói.
Vô cùng nguy hại GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch hội Giống cây trồng Việt Nam khẳng định, Pháp lệnh Giống cây trồng được Quốc hội thông qua năm 2004 có quy định, bất kể loại giống cây trồng nào khi bắt đầu đưa về Việt Nam phải được bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá các đặc tính cây trồng có phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng... của Việt Nam hay không. Giống cây đó có mang sâu bệnh lạ hay không, sau đó mới đưa về các viện chuyên ngành để trồng thử nghiệm, đánh giá kết quả... trước khi quyết định cho trồng đại trà. “Việc người dân tự mua hạt giống từ nước ngoài về trồng chưa qua kiểm định, chưa được sự cho phép của bộ NN&PTNT là hành động tự phát, có thể nói là trái pháp luật. Loại cây này có hiệu quả hay tiềm ẩn nguy cơ gì hay không phải có sự kiểm nghiệm của cơ quan chức năng. |