Căn nhà của chị Phạm Thị Huệ ở Thanh Xuân, Hà Nội ngày nào cũng tràn ngập hoa. Những bình hoa chị cắm giống như một tác phẩm nghệ thuật khiến ai xem cũng phải trầm trồ.
Một ngày của chị Phạm Thị Huệ (Thanh Xuân, Hà Nội) khi thức giấc luôn bắt đầu bằng những bình hoa xinh đẹp nở rộ khắp ngôi nhà. Mỗi khi ngắm những bình hoa tự tay mình cắm, chị lại tràn đầy năng lượng để tiếp tục công việc của một ngày mới.
Chị Huệ bên bình sen tỏa hương thơm ngát.
Chị Phạm Thị Huệ là kế toán trưởng trong một công ty chuyên thiết kế, xây lắp, vận hành, bảo trì hệ thống điện công nghiệp. Mỗi ngày sau giờ làm việc, ngoài chăm sóc cho tổ ấm nhỏ, chị còn dành thời gian để thỏa mãn niềm đam mê cắm hoa của mình.
Có lẽ ai đã từng nhìn những bình hoa chị cắm sẽ không nghĩ chị là dân ngoại đạo bởi sự khéo léo, tỉ mỉ, bố cục, hình khối chị đặt vào trong đó giống như một tác phẩm nghệ thuật. Nếu mọi người thường nói cắm hoa là một nghệ thuật thì không quá khi nói chị Huệ như một người nghệ sĩ đích thực bởi những bình hoa chị cắm khiến ai xem cũng phải xuýt xoa, ngưỡng mộ.
Những bình hoa chị cắm như một tác phẩm nghệ thuật.
Chị Huệ kể, chị là một người yêu cái đẹp từ nhỏ, tất cả những gì tinh khôi, trong trẻo đều khiến chị bị mê hoặc. Hồi còn nhỏ, chị thường góp tiền quà sáng để Tết đến lang thang chợ hoa tìm mua những chiếc bình hoa nhỏ xíu và bàn chông về cắm những bông hoa đồng tiền ở sân nhà. Lớn lên, cuộc sống mưu sinh, gia đình khiến chị bị lãng quên đi, mãi đến 5 năm gần đây, khi 2 cô con gái học cách set up bàn tiệc, niềm đam mê ấy mới thực sự quay trở lại.
Chị còn nhớ bàn tiệc đơn giản dành cho 4 người ngày hôm đó, chị đảm nhận công việc cắm hoa còn 2 con quán xuyến việc lên thực đơn, nấu nướng, gấp khăn ăn, sắp xếp dao dĩa. Lần đầu tiên cắm hoa vào miếng xốp đã giúp chị tiếp tục theo đuổi niềm đam mê dành cho hoa của mình. Đặc biệt, nó giúp chị quyết tâm theo học lớp chia sẻ về nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản hiện nay dù công việc bận rộn.
“Mình là người khéo tay, tỉ mỉ, không làm gì thì thôi, làm là phải trau chuốt. Tuy nhiên, cắm hoa cũng như những thứ liên quan đến nghệ thuật, khéo tay thôi chưa đủ mà cần phải có óc thẩm mỹ. Bạn cần phải hiểu về bố cục, hình khối, màu sắc, chất liệu... Trước khi cắm một bình hoa cần phải lên được thiết kế, từ đó lựa được hoa và bình, kết hợp với đôi bàn tay khéo léo, mới làm ra một sản phẩm”, chị Huệ chia sẻ.
Lẵng hoa đầu tiên chị cắm cách đây 5 năm.
Không gian nhà chị ngày nào cũng tràn ngập hoa.
Chị Huệ cho biết, mỗi loài hoa đều có một vẻ đẹp riêng và hoa nào khi cắm vào bình cũng đều rất xinh. Chị thích nhất hoa baby, những bông hoa nhỏ xíu như những ngôi sao xinh ấy nếu biết thiết kế và đặt chúng bên cạnh những bông hoa lớn, chúng sẽ biến một bình hoa thô cứng trở nên lộng lẫy như một nàng công chúa.
Tuy nhiên, trong các loài hoa, chị vẫn thích cắm hoa ly Peru nhất bởi những cánh hoa mỏng manh, trong veo, kiên cường đến lạ làm cho không gian Châu Âu nhà chị trở nên lung linh, rạng rỡ hơn bao giờ hết.
Còn trong những ngày hè tháng 6 khi đến mùa sen, chị lại thích tổ ấm nhỏ của mình được trang hoàng bởi những đóa sen thơm ngát. Chị Huệ bảo, chị thích hoa sen trong một lần gặp gỡ tình cờ với cô chủ đầm sen và mua được bó hoa sen trắng về cắm. Nhờ đó, lần đầu tiên chị cảm nhận một bình sen trắng bung căng, tràn hương sắc và cảm nhận được thế nào là quốc sắc thiên hương. Từ đó, chị bị mê đắm bởi hoa sen mỗi dịp tháng 5, tháng 6 về.
Đối với hoa sen, chị có thể cắm vào những chiếc bình mang dáng vẻ uy nghiêm, truyền thống hoặc khi vui có thể biến tấu sen với những chiếc bình hiện đại mang tới hơi hướng trẻ trung, vui nhộn cho không gian.
“Theo mình, cảm xúc thăng hoa không nằm ở giai đoạn cắm hoa, mà ở giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu và dưỡng hoa. Mình phải chuẩn bị một chiếc bình được cọ rửa sạch trong theo quy trình rửa một chiếc ly uống nước, phải thật sự trong vắt. Tiếp theo là việc lược tỉa những cành lá thừa, rửa hoa, rồi cắm hoa vào nước có pha dung dịch dưỡng hoa.
Sau đó là chờ mong, hồi hộp để nhận lại sự tươi hồi của những cánh hoa. Điều đó rất tuyệt! Trên nền những cảm xúc ấy, lúc này chỉ còn việc thả hồn, phiêu để tạo ra những sản phẩm hoa thôi”, chị Huệ cười chia sẻ.
Chiếc bình màu ghi xám chị Huệ rất thích và phải kỳ công tìm kiếm để dành cắm hoa sen.
Những bình hoa sen chị cắm có thể theo phong cách truyền thống và hiện đại.
Để thỏa mãn niềm đam mê cắm hoa, chị Huệ thường sưu tầm những chiếc bình có kiểu dáng lạ để mỗi khi lựa chọn hoa, chị sẽ dựa theo ý tưởng với chiếc bình sẵn có đó. Hiện nay, chị có khoảng hơn 40 chiếc bình nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình. Đặc biệt, không gian nhỏ nhà chị luôn tràn ngập hương sắc của các loại hoa mỗi ngày.
“Gia đình luôn ủng hộ và cổ vũ cho sở thích cắm hoa của mình. Con gái mình biết mẹ mê hoa, chúng còn hay trêu chọc mẹ bằng cách dọa đánh những bông hoa mỗi khi mẹ làm chúng không hài lòng.
Mình vui mỗi khi thấy lũ trẻ hào hứng với một loài hoa mới, tíu tít hỏi tên hoa và vui khi cả nhà sốt sắng chuẩn bị nguyên liệu, không gian trang hoàng ngôi nhà bằng những đóa hoa để đón mừng một sự kiện quan trọng nào đó.
Để thỏa mãn “cơn vật” của vợ, chồng mình cũng thường chịu khó lái xe đưa vợ lên tận chợ hoa Quảng An vào buổi sớm tinh mơ”, chị Huệ cười hạnh phúc.
Chị muốn chồng, con thức giấc trong một không gian ngăn nắp, sạch sẽ với thật nhiều hoa và hương thơm.
Chị Huệ tâm sự, hoa thực sự mang lại cho chị rất nhiều niềm hạnh phúc, khiến tổ ấm nhỏ của chị luôn tràn ngập niềm vui. Và những bình hoa chị tự tay cắm tô điểm ngôi nhà trong ngày hôm nay - Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) như món quà chị dành cho tổ ấm nhỏ của mình.
“Là phụ nữ, thật dễ dàng khi bước chân ra khỏi nhà với một bộ đầm đẹp, một nụ cười quyến rũ, những câu nói ngọt ngào. Vậy thì tại sao chúng ta không dành những điều tốt đẹp hơn nữa cho những người luôn bên cạnh, yêu thương ta hết lòng. Mình muốn chồng, con mình thức giấc trong một không gian ngăn nắp, sạch sẽ với thật nhiều hoa và hương thơm”, chị Huệ cho hay.
Theo chị Huệ, ngoài việc chọn bình phù hợp với hoa còn phải chú ý xem có phù hợp với không gian định đặt vào.
Một số hình ảnh bình hoa chị cắm.