Có người cho rằng, dưới đáy của cây sanh 14 tỷ đồng được dát một lớp xi măng trắng mát lạnh, bên trong những tảng đá đậm màu rêu phong là nơi cất giấu châu báu?!
Cây sanh “siêu độc” được trả giá 14 tỷ đồng vẫn không bán
Thông tin trên báo Dân Việt, cây sanh nằm trong khu vườn của gia đình ông Lê Đình Sự ở Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế, nhiều thời điểm, giới săn cây cảnh trong nước đã trả giá cây sanh này lên tới 14 tỷ đồng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của gia chủ.
Sau ngày đất nước giải phóng, khi vợ chồng ông Sự được cấp khu đất trên để sinh sống thì cây sanh này đã có trong vườn.
Theo quan sát, cây sanh này tọa lạc trong một hồ nước có nhiều tảng đá cổ và có hình thù rất kỳ bí. Hồ này không bao giờ cạn nước vì dưới đáy hồ luôn có mạch nước ngầm trào phun. Rễ cây sum suê, bám chằng chịt vào những tảng đá hàm ếch tạo nên một vẻ đẹp như cổ tích. Gốc cây trông đã già cỗi nhưng các cành cây vẫn rất xanh tốt, nhiều cành vươn cao gần tận mái nhà, tỏa bóng mát rượi.
Cây sanh được trả giá 14 tỷ đồng của gia đình ông Sự. (Ảnh: Dân Việt).
Ông Sự cho biết, nhiều năm trở lại đây, rất nhiều người chơi cây cảnh ở trong nước đã tìm đến hỏi mua cây sanh này nhưng gia đình ông không bán. Nhiều thời điểm giới săn cây cảnh đã trả giá cây sanh này lên tới 14 tỷ đồng nhưng ông vẫn lắc đầu. Theo ông Sự, sở dĩ ông nhất quyết không bán cây sanh vì nó gắn liền với nhiều kỷ niệm của gia đình ông.
Ông Nguyễn Hòa - một người chơi cây cảnh có tiếng ở TP.Huế cho biết, cách đây khoảng 4 năm, nghe tin giới săn cây cảnh đổ xô tìm đến nhà ông Sự hỏi mua cây sanh trên, ông cũng tìm đến và tận tai nghe việc cây sanh được trả giá đến 14 tỷ đồng. “Tôi đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc tìm hiểu những cây cảnh độc đáo nhưng chưa thấy có cây nào đặc biệt như cây sanh của gia đình ông Sự”- ông Hòa nói, đồng thời cho biết cây sanh này thuộc diện “siêu độc” nên việc được trả với mức giá trên không có gì bất ngờ.
Hiện gia đình ông Sự cũng như giới chơi cây cảnh chưa thể xác định được tuổi đời của cây sanh này.
Báo Người đưa tin thông tin thêm, sở dĩ, cây sanh được đẩy giá lên đến trên 14 tỷ bởi tính lịch sử của nó.
Bà Lê Thị Oanh, vợ ông Sự cho biết về đứa con “tinh thần” mà gia đình bà đang sở hữu. Ngày trước, khi nhà bà mới nhận căn nhà hiện tại ở đường Nguyễn Trường Tộ này, cây sanh đã có từ lâu. Ngay cả những người đầu tiên đặt chân đến đây cũng không biết rõ được niên đại thật của cây sanh này.
Căn nhà bà Oanh đang an cư, trước đây vốn là nhà rường cổ, vốn là một điền viên thư gián, nghỉ ngơi của quan lớn chế độ cũ. Căn nhà được giao lại cho vợ chồng ông Sự vì có công trong kháng chiến và dĩ nhiên ông Sự được tiếp quản luôn cây sanh "vô giá" mà hiện thời mọi người gọi là “sanh vàng”.
Cái thời miếng cơm chật vật, không có của ăn của để, cây sanh lại án ngữ chiếm phần nhiều diện tích trước nhà ông Sự bà Oanh, mọi người ai cũng bảo phá bỏ cây sanh đi mà trồng rau. Tuy nhiên, ông Sự nhất quyết không làm theo vì đó là nhân chứng lịch sử của chế độ cũ.
Hàng xóm của ông Sự cho hay, ngày trước cây sanh tươi tốt đến mức lũ trẻ ngày nào cũng chạy nhảy leo trèo đùa giỡn trên đó. Trải qua tháng ngày, do sự bào mòn, sự tác động của con người, cây sanh quý ngày càng già cỗi và “lịch sử” hơn.
Cây sanh thời nguyên thủy được ông Lê Đình Sự tiếp quản được trồng ở phía trái căn nhà, trong một khuôn viên bọc toàn đá san hô mang dáng thế kỳ lạ. Theo quan sát của chúng tôi, cây sanh buông rễ xum xuê được bám vào những tảng đá có thế hàm ếch nhìn như một mê cung huyền bí.
Những chiếc rễ nhỏ như que tăm, màu mốc bạc trắng chứng tỏ tuổi đời già cỗi mà bất cứ dân chơi cây nào cũng đều mơ ước.
Nhiều người cho rằng, các rễ cây đang “ôm” một kho báu ẩn dưới những tảng đá màu xanh rêu. (Ảnh: Vietnamnet).
Sự thật về kho báu dưới cây sanh cổ
Báo Vietnamnet thông tin, có người cho rằng, dưới đáy của cây sanh được dát một lớp xi măng trắng mát lạnh, bên trong những tảng đá đậm màu rêu phong là nơi cất giấu châu báu?! Nhiều người còn cho rằng, vì đây là cây sanh cổ nên ngày càng linh thiêng.
Đem những vấn đề này trao đổi với gia chủ, ông Sự cho rằng, tất cả chỉ là những lời đồn thổi chứ trên thực tế cây sanh này không “ôm” ngọc ngà, châu báu gì cả.
“Cây sanh nổi trên một cái ao sâu hơn 4m. Đã có lần chúng tôi tát cạn hồ nước để kiểm tra nhưng chẳng thấy vàng bạc, châu báu đâu cả. Còn riêng cái hồ và cây sanh thì vẫn hiện hữu ngay đó” - ông Sự phân trần.
Ông Ngôn – một hàng xóm của gia đình ông Sự cho biết, tại thời điểm cách đây 5- 7 năm về trước, ông chứng kiến mỗi ngày có hàng chục người đến hỏi mua cây sanh gia đình ông Sự đang sở hữu nhưng vị gia chủ này kiên quyết không bán.
“Bản thân tôi cũng đã chứng kiến nhiều cuộc trao đổi, ngã giá của các chủ buôn nhưng không ai nhận được cái gật đầu từ ông Sự. Được biết, thời điểm đó, khi tận mắt chứng kiến cây sanh “vàng” của nhà ông Sự, một dân chơi từ ngoài Hà Nội vào trả giá cả cây sanh lẫn mảnh đất ông Sự đang ở giá 14 tỷ đồng nhưng gia đình ông Sự vẫn một mực không bán?!” – ông Ngôn cho biết.
Vẫn chưa thể khẳng địng thực hư những cấu chuyện ly kì, bí ẩn xung quanh cây sanh cổ, thế nhưng, theo lời ông Sự, “con người đã giàu thì giàu rồi”!. Vì lẽ đó, bản thân ông cũng như gia đình giữ lại cho con cháu một “chứng tích lịch sử sống”.