Các mẹ hãy hết sức chú ý cho gia đình và các con nếu thấy loài “quái vật” này đẻ trứng lên quần áo, đồ dùng nhà mình kẻo mắc bệnh viêm da, hay thậm chí là mù mắt.
Thời điểm trời chuyển sang hè cũng là lúc cây vải cây nhãn quanh nhà đua nhau phát triển, chuẩn bị sai quả trĩu trịt, tuy nhiên những loại cây này lại vô tình trở thành “nam châm” thu hút lũ bọ, hay các loài côn trùng tới hoành hành nhà bạn. Không chỉ gây hại cho cây cối, có mùi hôi khó chịu mà loài bọ xít còn khiến cho gia đình bạn có nguy cơ mắc các bệnh tổn thương da, hay bỏng mắt bởi đẻ trứng và sinh sôi rất nhanh ở nhiều nơi.
Mới đây, hình ảnh được cho là trứng của loài bọ xít bám vào quần áo của một gia đình gây ngứa ngáy, tổn thương da bất ngờ được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook, khiến không ít người hoang mang về tác hại khủng khiếp của loài “quái vật tí hon” này và trứng mà chúng đẻ ra.
Theo đó, cô gái chia sẻ trước cộng đồng mạng câu chuyện của mình kèm theo hình ảnh những hạt li ti nhỏ dính thành cụm trên quần áo của gia đình cô: “Tối ra rút quần áo cũng chả để ý gì đâu, cứ mặc bình thường thôi. Đang ngồi tự nhiên thấy hơi cộm cộm ở lưng, em cởi ra xem mà tí nôn mọi người ạ. Nếu thấy những hạt nhỏ này khi rút quần áo thì hãy cẩn thận, đây là trứng của loài bọ xít hại nhãn vải rất phổ biến ở Việt Nam. nếu không kịp thời phát hiện và gỡ bỏ những đám trứng đi, bọ xít con sẽ nở ra rất nhiều. Em vừa đọc báo hôm trước thì hôm nay em dính luôn!”.
Bọ xít đẻ trứng trên váy vóc quần áo, nếu không nhìn kỹ có thể bạn sẽ không nhận ra.
Khi trứng bọ xít vỡ.
Những viên nhỏ hình tròn xếp thành cụm ở trên thực chất là trứng của loài bọ xít hại nhãn vải rất phổ biến ở Việt Nam, thuộc họ Tessaratomidae. Con trưởng thành có màu vàng nâu, mặt bụng bao phủ một lớp sáp màu trắng, chiều dài thân 25–30 mm, chúng gây hại trên các cây nhãn và cây vải. Sâu non và sâu trưởng thành của bọ xít vải hay thậm chí là loại bọ xít này đều hại đến cây trồng.
Vậy những hạt trứng tưởng chừng như vô hại kia có tác hại “khủng khiếp” thế nào?
Trứng chưa nở sẽ không gây hại đến con người, nhưng chỉ vài ngày sau, nếu không kịp thời phát hiện và gỡ bỏ những đám trứng đi, bọ xít con sẽ nở ra rất nhiều. Chỉ cần vô tình chạm vào những con bọ xít non này, chất dịch màu vàng nhạt chứa axit cực độc của chúng tiết ra sẽ khiến bạn gặp các tổn thương về da như: bị rát, rộp da, có triệu chứng phù nề, bọng nước nhỏ nằm rải rác ở trung tâm vùng da đỏ, da đỏ thành vệt dài.
Trứng chưa nở sẽ không gây hại đến con người...
nhưng khi chúng nở thành bọ xít con thì vô cùng nguy hiểm.
Khi để chất này dính vào mắt hay bọ xít đậu vào mắt, có thể gây bỏng mắt, mù mắt nếu không kịp thời rửa sạch. Những loài bọ xít hút máu người có thể truyền ký sinh trùng vào cơ thể người qua những vết đốt, gây nên căn bệnh nguy hiểm khiến nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ và mất khả năng miễn dịch, có thể gây nghẽn mạch máu dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, theo ông Steve Jacobs, nhà côn trùng học đô thị của trường đại học Penn State, Mỹ: "Khi sợ hãi hay tự vệ, loài bọ xít này sẽ phát ra mùi rất khó chịu, khiến nhiều người gặp phản ứng dị ứng bao gồm các biểu hiện chảy nhiều nước mắt, nghẹt mũi và ho.". Những con bọ xít “lẩn trốn” trong quần áo hay vải vóc, rồi sau đó tiếp tục phát triển, đẻ trứng, thậm chí chúng còn phá hoại quần áo của gia đình bạn.
Trường hợp bị tổn thương da do tiếp xúc với chất dịch độc của bọ xít.
Làm thế nào để ngăn chặn bọ xít vào nhà?
Theo ông Ricky Foster, giáo sư phụ trách quản lý dịch hại tại Đại học Purdue ở Indiana, bọ xít thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giữa mùa hè từ tháng 5-9, sau đó từ khoảng tháng 9-11 chúng vẫn “hoành hành” ở những nơi có nhiệt độ ấm áp. Bọ xít thường lợi dụng những kẽ hở, đi vào nhà qua cửa sổ, nền móng nứt, lỗ thông hơi và cửa chớp.
Trứng bọ xít và các hình thức sinh trưởng theo từng thời kỳ.
Trong trường hợp rút, thu quần áo từ ngoài trời vào, bạn nên kiểm tra cẩn thận cả 2 mặt xem có trứng bọ xít dính vào không. Nếu chẳng may chất tiết dính vào mắt gây bỏng rát, tuyệt đối không được day dụi mắt mà cần nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần để rửa cho sạch. Nếu mắt sưng đỏ hoặc xung huyết, cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám chữa kịp thời, tránh biến chứng nặng nề.
Để phòng tránh bọ xít vào nhà, bạn nên lưu ý một số cách sau: - Đóng cửa khi không cần ra ngoài vào thời điểm bọ xít phát triển mạnh nhất, bịt kín các khoảng trống cửa để đảm bảo không có kẽ hở nào. - Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, sân vườn, nhất là với giường, tủ... để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít phát tán. Loại bỏ những vật dụng mục nát để tránh làm tổ cho bọ xít hút máu cư trú, ẩn nấp. - Thiết lập hệ thống lưới ngăn côn trùng cho cửa sổ. - Chặt bỏ những nhánh cây tiếp cận ngôi nhà. |