Niềm đam mê học tập, trí tò mò của trẻ cần được kích thích và hướng dẫn phù hợp.
Nếu chú ý quan sát, chúng ta dễ dàng nhận thấy người học giỏi thường có đầu óc tỉnh táo, biết mình muốn làm gì và làm như thế nào. Khi ra khơi, họ có một phương hướng rõ ràng, như thể đang cầm một chiếc la bàn chính xác trong tay. Họ luôn có thể du hành qua làn sương mù tri thức trong đại dương tri thức rộng lớn và đến được nơi mong muốn.
Động lực nào đã thúc đẩy các học giả hàng đầu tiến lên phía trước? Một chuyên gia cho rằng, đó chính là niềm vui tìm kiếm kiến thức.
Một cuộc khảo sát tiến hành trong 6 năm để tìm kiếm những đặc điểm chung của 3.000 nhà khoa học trên khắp thế giới, và nhận thấy họ đều có một điểm chung: Trí tò mò mãnh liệt và tinh thần truy tìm trí thức.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy những học sinh giỏi cũng rất tò mò về kiến thức.
Những học sinh giỏi không phải để đạt điểm cao mà để thấy thú vị ngay từ đầu. Chính mong muốn biết nhiều hơn đã thôi thúc các em tiếp tục khám phá, từ đó dần dần tạo nên một chu trình học tập tốt.
Khi trẻ gặp phải điều gì đó hứng thú, trẻ sẽ có ý tưởng muốn hiểu. Sau khi hiểu, trẻ sẽ nghĩ đến việc thực hiện cho đến khi hiểu hoàn toàn .
Trong quá trình này, trẻ có những quan sát và suy nghĩ riêng cũng như các luồng thông tin giữa các chức năng não khác nhau.
Vì vậy, muốn con học giỏi, trước tiên bố mẹ nên phải bắt đầu từ thứ con thích và rèn luyện khả năng tập trung vào nó. Bằng cách huy động tối đa hệ thần kinh A10, vỏ não trước trán và hệ thần kinh khen thưởng, có thể đào sâu tư duy và giúp trẻ có động lực học tập không ngừng.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nuôi dưỡng trí tò mò tìm hiểu kiến thức của trẻ? Các chuyên gia đã đưa ra 3 cách tiếp cận hữu ích.
Đến những nơi con quan tâm
Mỗi đứa trẻ đều thích những thứ khác nhau, vì vậy bố mẹ cần chú ý hơn đến sở thích của con. Nếu bố mẹ biết trẻ quan tâm đến điều gì đó, hãy đưa trẻ đến nơi liên quan để có thể khám phá sâu hơn.
Nếu trẻ thích côn trùng, hãy đưa bé đi bắt hoặc quan sát các loại côn trùng khác nhau trên đồng ruộng, công viên và trong rừng. Hay chọn cho trẻ những cuốn sách liên quan và đi đến sở thú, thủy cung.
Đến những nơi con quan tâm.
Nếu trẻ quan tâm đến thức ăn thì có thể trồng một loại cây dễ chăm sóc, chẳng hạn như rau xanh, để trẻ chịu trách nhiệm tưới nước và bón phân, cuối cùng để trẻ nấu thức ăn mà mình trồng được. Đây không chỉ là cách khuyến khích sở thích của trẻ mà còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng thực hành, trách nhiệm và sự tự tin.
Bằng cách này, bố mẹ không chỉ đáp ứng nhu cầu học hỏi và khám phá, mà còn tạo ra những khoảnh khắc quý giá khi cùng nhau thực hiện những hoạt động thú vị. Điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
Cho trẻ trải nghiệm nhiều với thiên nhiên
Trong tự nhiên có vô số yếu tố học tập và tài liệu thí nghiệm vô tận. Khi bước vào thiên nhiên, luôn có một điều gì đó khơi dậy niềm đam mê khám phá của trẻ.
Trong quá trình khám phá ngẫu nhiên, sự chú ý của trẻ sẽ chuyển từ nơi này sang nơi khác. Hãy cho trẻ biết thế giới rộng lớn như thế nào và trải nghiệm thêm những khoảnh khắc phấn khích, trước khi trẻ có thể tìm thấy thứ mình muốn khám phá nhất. Hãy linh hoạt và sẵn sàng đáp ứng những sở thích mới nảy sinh, vì chúng có thể dẫn dắt trẻ đến những hướng đi mới thú vị.
Cho trẻ trải nghiệm nhiều với thiên nhiên.
Thực tế, sự tò mò không phải do bố mẹ ban tặng mà xuất phát một cách tự nhiên từ chính trẻ. Điều chúng ta có thể làm là trả tự do, tạo điều kiện để trẻ khám phá và học hỏi một cách tự nhiên. Đừng bó buộc trẻ vào những khuôn mẫu hay mục tiêu cụ thể, thay vào đó hãy lắng nghe và hỗ trợ những sở thích và ý tưởng.
Khi trẻ tỏ ra rất thích thú với một điều gì đó và luôn hỏi tại sao, bố mẹ cũng nên trả lời khéo léo, khuyến khích và cùng con khám phá. Điều này không chỉ nuôi dưỡng sự tò mò mà còn giúp trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.
Bằng cách này, bố mẹ có thể thắp lên ngọn lửa học hỏi và khám phá suốt đời, đồng thời tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ khi cùng nhau trải nghiệm thiên nhiên.
Tạo môi trường tìm kiếm tri thức tốt
Nếu muốn kích thích niềm khao khát tri thức của trẻ, nên chuẩn bị thêm những tài liệu phù hợp để con tìm tòi, khám phá bất cứ lúc nào.
Ví dụ, nếu trẻ thích khủng long, hãy chuẩn bị sẵn một số sách, phim tài liệu và phim về khủng long, hoặc đưa trẻ đến bảo tàng khủng long để trẻ có thể thỏa sức tìm hiểu và khám phá.
Tạo môi trường tìm kiếm tri thức tốt.
Bố mẹ cũng nên đặt sách và từ điển ở nơi dễ thấy trong phòng khách, để trẻ có thể xem và khám phá bất cứ khi nào thấy hứng thú. Như vậy, trẻ có thể kết nối với niềm vui nội tâm mọi lúc, mọi nơi và sự tò mò của sẽ không dễ dàng bị dập tắt.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể dán bản đồ thế giới và Việt Nam ở nơi trẻ em có thể dễ dàng nhìn thấy. Khi một quốc gia hoặc khu vực nhất định được phát sóng trên TV, trẻ có thể tự động xem và tìm hiểu thêm.
Trí tò mò là động lực học tập. Trẻ em có tính tò mò và năng động nhất trước 6 tuổi. Bố mẹ có thể áp dụng 3 cách trên để kích thích theo hướng phù hợp.