Bố mẹ áp dụng đúng 4 cách cơ bản, sẽ giúp trẻ khỏe mạnh cả thể chất và trí tuệ.
Sức khỏe là tài sản vô giá của mỗi cá nhân, đặc biệt với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Việc giữ gìn và tăng đề kháng cho trẻ, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Thực tế, có 4 cách tăng cường sức khỏe đơn giản, nhưng không phải gia đình nào cũng áp dụng thành công. Theo các chuyên gia, chỉ cần chú ý cân bằng những phương pháp này, sức khỏe, thể lực của trẻ được cải thiện nhanh chóng, tạo nền tảng tốt để tập trung học tập.
Ăn đúng cách, chọn thực phẩm lành mạnh
Trong thời đại hiện nay, khi mà đồ ăn nhanh, đồ uống có đường cùng các loại thực phẩm chế biến sẵn đang ngày càng phổ biến, việc hướng dẫn trẻ ăn uống lành mạnh càng trở nên quan trọng.
Bố mẹ nên kiên trì giải thích cho con hiểu rằng việc hạn chế đồ ăn vặt, đồ uống nhiều đường, và thay thế bằng việc uống nhiều nước, ăn hoa quả hàng ngày sẽ giúp sức khỏe của con phát triển tốt hơn.
Khi nấu ăn, bố mẹ nên cố gắng sử dụng các phương pháp nấu như hấp hoặc xào nhanh, tránh dùng các phương pháp như chiên giòn, chua ngọt vì chúng thường chứa nhiều chất béo, đường và muối không tốt cho sức khỏe.
Ăn đúng cách, chọn thực phẩm lành mạnh.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên thêm đường vào các món rau, có thể sử dụng các gia vị khác như tỏi, hành, gia vị thảo mộc để tăng hương vị.
Hơn nữa, bố mẹ có thể tận dụng những ngày nghỉ lễ để cho con tham gia vào việc lựa chọn, mua sắm thực phẩm của gia đình. Điều này không chỉ giúp con hiểu hơn về thực phẩm mà còn tạo cơ hội cho con học cách kết hợp thực phẩm một cách hợp lý cũng như rèn luyện các kỹ năng nấu nướng.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên phát triển các cách cư xử đúng đắn trên bàn ăn cho con, như chủ động mời người lớn tuổi trong gia đình ngồi vào bàn ăn, không gây ồn ào, không lật bừa thức ăn trên đĩa.... Những điều này giúp con hình thành thói quen ăn uống lịch sự, thể hiện sự tôn trọng đối với gia đình.
Tập thể dục thường xuyên và tăng cường hoạt động ngoài trời
Hướng dẫn trẻ tham gia tập thể dục thường xuyên và giảm thời gian ngồi và xem màn hình, điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe xương, tình trạng cân nặng và sức bền tim mạch của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như thừa cân và béo phì.
Khuyến khích và đồng hành cùng trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn, giúp trẻ hình thành lối sống lành mạnh, nuôi dưỡng niềm yêu thích và tinh thần khám phá.
Tập thể dục thường xuyên và tăng cường hoạt động ngoài trời.
Bố mẹ có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời như đi dạo, đạp xe, chơi các trò chơi vận động để thu hút sự hứng thú của trẻ. Đồng thời, bố mẹ cũng cần là những tấm gương tích cực, tham gia cùng con các hoạt động này để có thể học hỏi và cảm nhận được sự vui vẻ, thư thái mà các hoạt động thể chất mang lại.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên hạn chế việc để trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, TV. Thay vào đó, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động như đọc sách, vẽ tranh,... Những hoạt động này giúp trẻ giảm thời gian ngồi trước màn hình, phát triển các kỹ năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và giao tiếp xã hội.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ không chỉ là yếu tố nguy cơ quan trọng gây thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu như kém tập trung, giảm trí nhớ, hiệu quả học tập thấp.
Bố mẹ nên giúp con tạo môi trường ngủ thư giãn và yên tĩnh, hình thành thói quen ngủ đúng giờ và đảm bảo cho con ngủ đủ giấc. Điều này không chỉ giúp trẻ có được giấc ngủ sâu và chất lượng mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển về thể chất, trí lực và cảm xúc của trẻ.
Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ 9 đến 12 giờ mỗi ngày, không ít hơn 9 giờ; thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi nên ngủ 8 đến 10 giờ mỗi ngày.
Bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như hạn chế các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ, tạo môi trường yên tĩnh, các hoạt động thư giãn trước khi ngủ như đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng... để giúp trẻ dễ thiếp ngủ và đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
Ngủ đủ giấc.
Theo dõi cân nặng thường xuyên
Trẻ em trong độ tuổi đi học nên được đo chiều cao, theo dõi cân nặng và vòng eo ít nhất mỗi tháng một lần để theo kịp những thay đổi về mức độ phát triển thể chất. Việc theo dõi sát sao những chỉ số này sẽ giúp bố mẹ kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường
Từ đó tích cực duy trì mức tăng trưởng cân nặng thích hợp của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên thông qua chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất đầy đủ, đồng thời ngăn ngừa béo phì xuất hiện. Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu các chất dinh dưỡng thiết yếu cùng với các hoạt động thể chất phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, trí tuệ.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý đến yếu tố tâm lý của trẻ, tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, lành mạnh, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, tăng cường sự tự tin, khả năng thích ứng và giao tiếp với môi trường xung quanh.
Việc theo dõi sát sao các chỉ số về thể chất, kết hợp với chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất phù hợp, cùng với sự quan tâm về mặt tâm lý sẽ là những giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.