5 kiểu bố mẹ này cần điều chỉnh gấp kẻo hại con cả đời.
Bố mẹ là người yêu thương con cái vô điều kiện, nhưng cách yêu con lại có sự khác biệt, có người dịu dàng, trực tiếp bày tỏ tình yêu, mỗi ngày đều nói: “Bố mẹ yêu con!” Họ thường xuyên có những cử chỉ âu yếm, thể hiện tình yêu thương.
Những đứa trẻ như vậy sẽ cảm thấy rất yên tâm và tự tin trong cuộc sống. Dù có thế nào đi nữa, trẻ cũng luôn nghĩ mình được gia đình ủng hộ, mạnh dạn, bình tĩnh hơn trong mọi việc và có mối quan hệ gần gũi với bố mẹ.
Ngược lại, mặc dù một số bố mẹ khác cũng rất yêu thương con cái của mình, nhưng cách thể hiện của họ lại khiến trẻ dễ hiểu lầm, con cái không cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương sâu sắc của bố mẹ, dẫn đến tình huống thường xuyên xảy ra cãi vã và mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái không hòa hợp.
Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái không tốt, thường do 5 kiểu bố mẹ sau:
Bố mẹ không thể giao tiếp khéo léo và nhẹ nhàng
Trẻ con còn nhỏ, chưa trưởng thành về mặt trí tuệ, thường nói năng và làm việc một cách bốc đồng, không cẩn thận, chỉnh chu. Nhiều bố mẹ nghe con sử dụng ngôn ngữ không đúng mực, làm việc thiếu suy nghĩ thì liền tức giận, trực tiếp khiển trách, thậm chí la mắng hay đánh đòn.
Phản ứng dữ dội này của bố mẹ vô tình "dội một gáo nước lạnh vào sự nhiệt tình của con trẻ". Dần dần trẻ sẽ cảm thấy chán nản, không muốn giao tiếp hay thể hiện sự hứng thú, ý tưởng của mình với những việc mà bố mẹ giao.
Thực tế thì đôi khi những phê bình của bố mẹ là đúng và muốn tốt cho con. Tuy nhiên cách bố mẹ truyền đạt nó chưa hoàn toàn phù hợp hoặc sai cách, nên mới không mang lại hiệu quả tích cực đối với trẻ.
Nếu bố mẹ không tức giận, thay vào đó là sự bình tĩnh, dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để giải thích rõ ràng lý do không cho con làm điều đó, và hậu quả của việc con làm sẽ ra sao thì đứa trẻ có thể hiểu được ý tốt của bố mẹ và sự quan tâm, tình yêu thương mà họ dành cho mình.
Giao tiếp nhẹ nhàng, bình tĩnh với con sẽ khiến mối quan hệ gia đình tốt đẹp hơn.
Bố mẹ quá nghiêm khắc
Nghiêm khắc một cách mù quáng hay yêu thương một cách mù quáng đều không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Quá khắt khe và chỉ chú ý đến những lỗi lầm của trẻ dù lớn hay nhỏ, sau đó bắt con sửa, nếu không sửa được thì mắng mỏ, cách giáo dục này của bố mẹ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tính cách và tâm lý của trẻ, từ đó dẫn đến sự bất hòa trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ làm ngơ trước những lỗi lầm của trẻ thì cũng sẽ khiến cho con thiếu tinh thần trách nhiệm và hình thành một số thói quen xấu sau khi lớn.
Do đó, sự cân nhắc và linh hoạt trong phương pháp giáo dục là rất quan trọng. Bố mẹ cần tìm cách kết hợp giữa việc thiết lập giới hạn và kỳ vọng rõ ràng với việc động viên, khích lệ và hỗ trợ sự phát triển tự nhiên của con cái. Điều này giúp tạo ra một môi trường lý tưởng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ, đồng thời cũng giúp củng cố mối quan hệ tình cảm gắn kết giữa bố mẹ và con.
Nghiêm khắc một cách mù quáng hay yêu thương một cách mù quáng đều không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Bố mẹ quá bận rộn, không dành thời gian cho con
Bố mẹ phải làm việc cả ngày để kiếm sống khiến cho họ không có đủ thời gian và năng lượng để chăm sóc và giáo dục con cái. Thay vào đó, họ phải dựa vào người giữ trẻ hoặc ông bà, người thân trong gia đình để hỗ trợ chăm sóc, nhưng điều này thường không đem lại kết quả tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Đến cuối ngày, bố mẹ đã mệt mỏi và cảm thấy căng thẳng nên sẽ không có đủ sự kiên nhẫn và năng lượng để dành thời gian chơi, trò chuyện hoặc dạy con học. Thay vào đó, nhiều phụ huynh có xu hướng dành thời gian cho những hoạt động giải trí cá nhân như xem TV hoặc lướt Internet.
Trẻ em, đặc biệt là ở cấp tiểu học, cần sự hướng dẫn và đồng hành từ phía bố mẹ để phát triển một cách toàn diện. Việc có kế hoạch giáo dục cụ thể và sự quan tâm, chăm sóc từ phía bố mẹ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, động viên, cũng như khích lệ con phát triển những kỹ năng và kiến thức mới.
Chỉ khi có sự hỗ trợ hiệu quả từ bố mẹ, trẻ mới có cơ hội phát triển tốt hơn và xây dựng mối quan hệ hòa hợp với bố mẹ.
Trẻ em, đặc biệt là ở cấp tiểu học, cần sự hướng dẫn và đồng hành từ phía bố mẹ để phát triển một cách toàn diện.
Bố mẹ kỳ vọng cao
Bố mẹ kỳ vọng cao đối với con cái có thể tạo ra áp lực không cần thiết, và gây ra những hậu quả tiêu cực trong quá trình phát triển của trẻ. Khi con cái không đạt được kỳ vọng mà bố mẹ đã đặt ra, sau đó bị bố mẹ chê bai, khiển trách, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và tự ti, đánh mất đi sự tự tin và động lực để tiếp tục cố gắng.
Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái có thể bị ảnh hưởng khi bố mẹ chỉ tập trung vào kết quả và thành tích của con, thay vì đặt trọng tâm vào quá trình học tập và phát triển cá nhân của trẻ. Điều này có thể tạo ra sự căng thẳng và mất kết nối trong mối quan hệ gia đình, khiến cho con cái cảm thấy không được yêu thương và công nhận giá trị riêng.
Thay vì áp đặt kỳ vọng cao, bố mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách khuyến khích và động viên trẻ chinh phục, khám phá mọi thứ xung quanh. Điều này sẽ giúp con có cơ hội trải nghiệm và học hỏi từ thất bại, phát triển kỹ năng tự lập và sự kiên trì trong việc đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Bố mẹ kỳ vọng cao đối với con cái có thể tạo ra áp lực không cần thiết, và gây ra những hậu quả tiêu cực trong quá trình phát triển của trẻ.
Bố mẹ kiểm soát quá mức
Bố mẹ thường cảm thấy lo lắng và muốn bảo vệ con cái của mình bằng cách kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá mức có thể làm hại đến sự phát triển tự lập và sự tự tin của con.
Khi bố mẹ quá can thiệp vào quyết định của con cái, đôi khi bố mẹ sẽ thể hiện thái độ không tôn trọng ý kiến và bỏ qua việc lắng nghe, tiếp nhận những ý tưởng riêng của trẻ. Điều này có thể dẫn đến một môi trường gia đình căng thẳng, con trẻ cảm thấy bị hạn chế và không được tự do trong việc tự đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến bản thân mình.
Chính vì vậy mà thay vì kiểm soát mọi thứ, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ tự do tìm hiểu và học hỏi từ nền tảng kinh nghiệm của mình. Bằng cách này, trẻ sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng đưa ra quyết định, tính tự chủ, và mối quan hệ giữa bố mẹ với con cũng sẽ trở nên chặt chẽ hơn khi có sự tôn trọng từ cả hai bên.
Việc bố mẹ kiểm soát quá mức có thể làm hại đến sự phát triển tự lập và sự tự tin của con.