3 việc làm của bố mẹ gây "sát thương" lớn đến tâm lý của trẻ nhưng nhiều phụ huynh không biết.
Phương pháp giáo dục của bố mẹ có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của con cái. Trong quan điểm của nhiều người, sử dụng đòn roi được coi là cách dễ dàng để khiến trẻ sợ và trở nên ngoan ngoãn, nghe lời. Trên thực tế, điều này cũng được áp dụng trong một số gia đình.
Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, so với việc bị đánh đòn, tổn thương về mặt thể xác thì trẻ càng sợ hơn khi bố mẹ thể hiện 3 hành động sau trước mặt mình.
Bố mẹ thường xuyên chỉ trích trẻ bất kể hoàn cảnh
Thực tế chỉ ra rằng việc bố mẹ chỉ trích trong những tình huống không phù hợp, đặc biệt là trước mặt người ngoài, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến lòng tự trọng của trẻ.
Theo lý thuyết của nhà tâm lý học người Mỹ - Abraham Maslow, nhu cầu được tôn trọng là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Trẻ em cũng có nhu cầu cần được người lớn tôn trọng và ghi nhận giá trị riêng của mình. Khi trẻ càng lớn, mức độ nhạy cảm sẽ càng cao và trẻ rất dễ bị tác động tâm lý từ những hành động hay lời nói của người khác.
Bố mẹ là những người thầy đầu tiên của con và là hình ảnh phản chiếu của trẻ trong tương lai. Việc bố mẹ thường chỉ trích, cằn nhằn con trẻ trong mọi hoàn cảnh, bất kể là đang ở nơi đông người thì trẻ có thể cảm thấy bị sỉ nhục và không được thấu hiểu.
Từ đó, trẻ dễ hình thành quan điểm rằng mình là đối tượng bị coi thường và dần hình thành sự tự đánh giá tiêu cực về bản thân. Nếu mọi việc cứ tiếp diễn như vậy, trẻ có thể trở nên tự ti và thu mình trong các mối tương tác giữa các cá nhân, xã hội và không bao giờ muốn thể hiện cá tính riêng.
Vì vậy, trong quá trình giáo dục con cái, bố mẹ cần nhận thức rõ rằng việc chỉ trích không phù hợp có thể gây tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ. Thay vào đó, bố mẹ hãy tạo ra một môi trường yêu thương và đồng hành với con, khuyến khích sự phát triển tích cực và tự tin của trẻ. Bằng cách đối xử tôn trọng, lắng nghe và gợi mở, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển lòng tự trọng và sự tự tin, tạo điều kiện cho quá trình trưởng thành lành mạnh của con sau này.
Hầu hết trẻ em đều không thích bị bố mẹ chỉ trích, cằn nhằn.
Bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ
Theo nhà tâm lý học Eric Erikson, sự tin tưởng là một nhu cầu tâm lý cơ bản của trẻ nhỏ. Điều này có nghĩa là trẻ cần được tin tưởng và cảm thấy an toàn trong môi trường gia đình của mình để phát triển một cách toàn diện.
Tuy nhiên, khi bố mẹ thường xuyên cãi vã trước mặt con cái, không khí gia đình trở nên không hòa thuận, điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt cảm xúc và khả năng thích ứng xã hội của trẻ về sau. Bởi gia đình là nơi mà trẻ được học về mối quan hệ giữa các cá nhân và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Việc trẻ thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau để xử lý xung đột, trẻ sẽ có xu hướng học theo mô hình, phương pháp tiêu cực này và tin rằng cãi vã là một cách bình thường để giải quyết xung đột. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng quản lý cảm xúc của trẻ, mà còn có thể khiến con áp dụng các kiểu hành vi tương tự như thế khi tương tác với người khác trong tương lai.
Đó là lý do mà bố mẹ hoặc những người thân trong gia đình cần chú ý đến việc duy trì sự hòa thuận, và tình yêu thương trong mối quan hệ của họ. Bằng cách tạo ra một không gian gia đình ổn định và an toàn, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển năng lực quản lý cảm xúc của bản thân và học cách giải quyết xung đột một cách tích cực, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh.
Gia đình không hoà thuận sẽ trở thành "vết sẹo" tâm lý khó chữa lành đối với trẻ nhỏ.
Bố mẹ từ chối nhu cầu của trẻ mà không cần xem xét
Nhà giáo dục nổi tiếng Suhomlinsky đã từng nói rằng "Trẻ em sinh ra đã là những nhà thám hiểm". Điều này cho thấy trẻ em từ khi sinh ra đã có tính tò mò, và ham muốn khám phá những điều mới lạ ở xung quanh mình.
Tuy nhiên, sự ngăn cản hoặc từ chối nhu cầu được trải nghiệm một cách mù quáng của bố mẹ có thể sẽ trực tiếp hủy hoại tính tò mò và ham muốn khám phá của trẻ. Khi những đề xuất và hành vi của trẻ liên tục bị bố mẹ không cho phép, trẻ sẽ dần mất đi dũng khí và động lực để thử những điều mới. Về lâu về dài, điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc và thiếu tính tự lập ở trẻ.
Theo "Thuyết hình thành ý chí" trong tâm lý học, khi mong muốn hoặc hành vi của một cá nhân bị hạn chế quá mức, có thể xảy ra những mong muốn và hành vi mạnh mẽ trái ngược với mong muốn hoặc hành vi ban đầu. Điều này có nghĩa là khi trẻ bị bố mẹ từ chối một cách không cân nhắc, tâm lý nổi loạn của con có thể được kích thích, gây ra căng thẳng và áp lực trong mối quan hệ gia đình.
Để tạo ra một môi trường phát triển tốt cho trẻ, bố mẹ cần đảm bảo rằng con được khuyến khích và được hỗ trợ trong quá trình khám phá thế giới xung quanh mình. Việc này có thể bao gồm sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ từ bố mẹ, khuyến khích con thử những điều mới, tự tin thể hiện bản thân và khám phá tài năng của mình một cách tự do.
Dưới sự phủ nhận liên tục của bố mẹ, tâm lý nổi loạn của trẻ có thể bị kích thích.