Thực tế, có nhiều cách thể hiện tình yêu thương với trẻ mang lại hiệu quả tốt, không kém câu "Bố mẹ yêu con".
Như chúng ta đều biết, tình yêu thương của bố mẹ dành cho con luôn cao quý và thiêng liêng. Từ khi con chào đời, bố mẹ đã dành trọn vẹn tâm huyết, công sức và cả những hy sinh cá nhân để chăm sóc, nuôi dưỡng và đem lại hạnh phúc cho con.
Tình yêu thương của bố mẹ thể hiện ở rất nhiều cách. Đó có thể là những lo lắng, chăm sóc chu đáo khi con bị ốm đau, để ý tới sức khỏe, dinh dưỡng và sự phát triển của con. Đó cũng có thể là những lời dạy bảo, góp ý chân thành và kiên nhẫn để giúp con trưởng thành, hình thành nhân cách tốt đẹp. Bố mẹ luôn sẵn sàng hy sinh, gánh vác mọi khó khăn, vất vả để con được an vui, học hành tốt và có cuộc sống đầy đủ.
Đôi khi, còn thể hiện qua những lời động viên, khích lệ khi con gặp khó khăn, thất bại. Bố mẹ luôn tin tưởng và ủng hộ, giúp con vượt qua mọi thử thách. Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nguồn cội an ủi, nâng đỡ khi con cần.
Dù con lớn khôn, tình yêu thương của bố mẹ vẫn bền vững, bất biến. Bố mẹ luôn mong muốn con được hạnh phúc, thành công trong cuộc sống.
Ảnh minh họa.
Tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ chính là nền tảng, là động lực để con trưởng thành, vững bước trên con đường đời. Đó là một món quà vô giá, xứng đáng được trân trọng và đáp lại bằng sự hiếu thảo.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bố mẹ cũng bày tỏ tình yêu thương đối với con bằng lời nói. Có những bố mẹ tỏ ra khá kín đáo, thậm chí là lạnh nhạt khi giao tiếp với con.
Nhiều bố mẹ thuộc thế hệ trưởng thành trước đây thường được dạy dỗ phải mạnh mẽ, cứng rắn và không nên bộc lộ cảm xúc quá mạnh, đặc biệt là với con cái. Do đó, nhiều phụ huynh ít khi dành những lời yêu thương, khen ngợi cho con.
Vì vậy, nhiều trường hợp đứa trẻ rơi vào trầm tư, cho rằng bố mẹ không yêu thương mình, điều này vô tình khiến mối quan hệ trong gia đình thiếu sự thấu hiệu, trở nên xa cách. Để gỡ rối vấn đề này, cũng như giúp bố mẹ bày tỏ tình cảm của mình đúng cách, mạnh dạn nói lời yêu thương với con, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Thưa chuyên gia, có nhận định cho rằng, đứa trẻ thiếu tình yêu thương của bố mẹ, tương lai sẽ khó thành công hơn? Chuyên gia nghĩ sao về điều này?
Ở trường hợp này, chúng ta sẽ cần xem xét về thành công theo phương diện nào. Nếu chúng ta xem xét chuẩn thành công theo phương diện vật chất, thì hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể và đáng tin cậy để chứng minh đứa trẻ thiếu tình yêu thương của bố mẹ, tương lai sẽ khó thành công, kiếm ít tiền hay ít nhà xe hơn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác chỉ ra rõ ràng rằng, đứa trẻ nhận được đầy đủ tình yêu thương của bố và mẹ, thì chỉ số hạnh phúc, tinh thần sẽ cao hơn. Đồng thời, khả năng trẻ bước vào một mối quan hệ tình cãm lãng mạn, có xu hướng gắn bó với bạn đời tốt hơn.
Bởi trẻ có nền tảng là tình thương để phát triển bản thân, nhận được sức khỏe tinh thần tốt.
Tại sao tình yêu thương của bố mẹ lại là yếu tố quan trọng trong sự thành công của trẻ?
Điều này ảnh hưởng nhiều từ yếu tố tâm lý:
Từ khi trẻ sinh ra đời, sẽ học cách biết về thế giới, về bản thân, sự lựa chọn, tình yêu, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống... thì lúc này trẻ sẽ nhìn vào bố mẹ là hình mẫu đầu tiên. Khi trẻ nhìn thấy bố mẹ đang có cuộc sống ý nghĩa, tình yêu thương truyền đến bên mình, trẻ sẽ có xu hướng bắt chước những điều đã quan sát được từ bố mẹ.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ sinh ra trong gia đình bố mẹ bất hòa, thường xuyên tranh cãi, sức khỏe tinh thần thấp? Theo tự nhiên, trẻ cũng sẽ học theo những điều này. Vì vậy, gia đình được xem là trường học đầu tiên để trẻ học theo. Do đó, tình yêu của bố mẹ là yếu tố quan trọng, là bước đệm, nền móng đầu tiên để trẻ phát triển.
Trẻ không được yêu thương có xu hướng hình thành những giá trị sống như thế nào?
Khi trẻ không nhận thấy được tình yêu thương, hay nói cách khác khi trẻ nhận ra tình yêu bố mẹ dành cho mình, không xuất phát từ việc yêu thương bản thân mình, mà bố mẹ chỉ yêu khi con ngoan, biết vâng lời, đáp ứng được kỳ vọng... Về sau, trẻ có xu hướng phát triển giá trị sống theo cách làm hài lòng bố mẹ và những người xung quanh.
Theo hướng này, trẻ nhận thấy mình thành công mới được yêu quý, lúc này giá trị của trẻ sẽ sống theo giá trị của người khác, trẻ dần đánh mất lập trường, đánh mất chính mình, thậm chí đặc thù riêng của bản thân về sở thích, nhu cầu, tính cách... Không ưu tiên những điều của bản thân, mà đề cao giá trị của người khác để làm hài lòng.
Mặc dù điều này sẽ khiến người khác yêu mến trẻ hơn, nhưng đáng lo ngại là bản thân trẻ không biết cách yêu thương chính mình.
Khi muốn con cảm nhận được tình yêu thương, bố mẹ cần lưu ý điều gì? Nói sao để con cảm thấy được yêu thương?
Điều quan trọng nhất, bố mẹ phải nhận đủ tình yêu thương, bởi thực tế nỗi đau, khó khăn liên thế hệ có thể truyền từ đời này sang đời khác. Nếu bố mẹ không được yêu thương, sẽ khó dạy bảo và truyền động lực cho con.
Đặt trường bố mẹ nhận đủ được tình yêu thương, lúc này chúng ta sẽ sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Không phải trường hợp nào cũng nói rằng "Bố mẹ yêu con" thì trẻ sẽ cảm nhận được. Thực tế, sẽ có nhiều trường hợp bố mẹ có thể thay thế lời nói bằng những món quà, dành thời gian vui chơi, trò chuyện... cũng là cách tốt để thể hiện tình yêu thương với con.
Đồng thời, hãy nói với trẻ những lời thể hiện sự công nhận, điều này không chỉ xuất phát từ việc trẻ làm được gì, mà là từ tình yêu thương thật sự. Ví dụ như "Mẹ yêu con, vì năm nay con đạt học sinh giỏi nhất lớp"... vậy trường hợp trẻ không đạt được thành tích tốt, thì mẹ sẽ không yêu con nữa?
Vì vậy, hãy trao cho trẻ sự công nhận, được yêu thương vì chính bản thân trẻ là con của bố mẹ, không phải khi con đạt được thành tích mới yêu thương.
Trường hợp, bố mẹ khen thưởng, khích lệ là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, cần rõ ràng và quán triệt rằng trẻ vẫn sẽ được yêu thương, chấp nhận ngay cả khi không ngoan. Chính tình yêu này, sẽ dần cảm hóa, trẻ nhận biết được giá trị bên trong, xưng đáng được yêu thương.
Đây là văn hóa rất quan trọng mà bố mẹ nên truyền cho con biết, bởi đôi khi chính bố mẹ cũng không hiểu được tầm quan trọng của điều này. Mỗi ngày, hãy cho trẻ biết bản thân có giá trị, được yêu thương qua lời nói, hành động, thời gian dành cho con, phần thưởng, những cái ôm...