Cách bố mẹ dạy con đối diện với nỗi buồn, sự mất mát có thể làm thay đổi cuộc đời con.
Sự mất mát trong cuộc sống là một trong những trải nghiệm đau khổ, và khó khăn nhất. Đối với người lớn, việc đối diện với những nỗi đau, sự mất mát vốn dĩ đã khó, với trẻ em thì trải nghiệm này càng khó khăn hơn. Khi trẻ đối diện với những đau buồn, mất mát lần đầu tiên trong cuộc đời, trẻ có thể không định nghĩa được cảm giác của mình.
Điều này có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt từ phía người lớn. Trong suốt quá trình này, việc giúp trẻ hiểu và chấp nhận sự thật về nỗi đau, sự mất mát là rất quan trọng để trẻ có thể vượt qua giai đoạn đau buồn, và hồi phục sau sự mất mát.
Mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng với nỗi buồn, sự mất mát khác nhau (Ảnh minh hoạ Internet).
Cách mà trẻ phản ứng trước những nỗi đau, sự mất mát sẽ khác nhau tùy vào từng độ tuổi và kinh nghiệm cuộc sống mà trẻ đã trải qua. Việc hiểu rõ những khác biệt này sẽ giúp người lớn có thể đưa ra những hành động, phương pháp hỗ trợ và chăm sóc phù hợp. Như vậy, mới không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, ngược lại còn có thể khiến nhận thức và quá trình phát triển tính cách, tâm lý của trẻ đạt được hiệu quả lành mạnh nhất.
Trước vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã đưa ra góc nhìn của bản thân và những hướng dẫn hữu ích để bố mẹ có thể tham khảo, từ đó có phương pháp giáo dục con phù hợp khi rơi vào hoàn cảnh mất mát trong cuộc sống.
Thạc sĩ Tâm lý học, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, khi đối diện với những nỗi đau mất mát trong cuộc sống (ví dụ bố mẹ ly dị, người thân mất) thì diễn biến tâm lý của trẻ ở từng độ tuổi sẽ khác nhau như thế nào?
Theo nhiều nghiên cứu tâm lý học, trẻ ở từng độ tuổi sẽ có diễn biến tâm lý khác nhau khi đối diện với những nỗi đau mất mát trong cuộc sống.
Chẳng hạn như trường hợp bố mẹ ly hôn thì trẻ trong độ tuổi từ 5 - 8 tuổi sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trẻ ở độ tuổi đã trưởng thành. Trẻ trong độ tuổi dậy thì sẽ có nguy cơ bị khủng hoảng về mặt tâm lý so với trẻ ở những độ tuổi khác khi rơi vào tình huống mất mát người thân...
Ngoại trừ độ tuổi, diễn biến tâm lý của trẻ khi đối diện với những nỗi đau mất mát trong cuộc sống cũng sẽ chịu tác động từ các yếu tố khác, ví dụ như đứa trẻ thuộc tính cách như thế nào, mối quan hệ giữa trẻ và gia đình ra sao hay nỗi mất mát đó có thực sự quan trọng trong nhận thức của trẻ,...
So với việc lãng tránh, kìm nén nỗi đau mất mát trước mặt trẻ thì để trẻ đối diện với sự thật có tốt hơn không? Vì sao?
Trong tình huống này thì thường sẽ xảy ra theo 2 cách. Cách đầu tiên là bố mẹ sẽ thể hiện, bộc lộ cảm xúc đau đớn, buồn bã cho đứa trẻ thấy. Cách thứ hai là bố mẹ cho phép, chủ động tương tác để có thể khơi dậy những cảm xúc chân thật, tự nhiên nhất của trẻ.
Với cách đầu tiên, bố mẹ cần phải thận trọng vì khi đứa trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, chưa đủ nhận thức để có thể diễn giải được vấn đề thì việc chứng kiến những tình huống bố mẹ đau khổ, buồn rầu, thậm chí là khóc trước mặt sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng, lo sợ, hoặc hơn thế nữa là tự quy kết nguyên nhân dẫn đến điều này là từ chính bản thân mình theo đúng với tâm lý lứa tuổi.
Còn đối với cách thứ hai, bố mẹ khuyến khích, động viên trẻ để trẻ được tự do bộc lộ cảm xúc của mình sẽ luôn luôn tốt hơn việc bố mẹ lãng tránh, kìm nén hoặc thậm chí là cấm trẻ khóc.
Bởi vì theo nguyện tắc trong tâm lý học, khi có một nỗi đau, mất mát nào đó ập đến khiến cho con người xuất hiện cảm xúc đau đớn, buồn rầu nhưng họ lại cố tình đè nén hay lãng tránh thì nó cũng sẽ không bao giờ tự nhiên biến mất, mà sẽ từ từ "gặm nhấm", trở thành "thuốc độc" khiến cho người đó không thể sống một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc.
Vậy nên, tốt nhất là bố mẹ hãy nên thành thật với cảm xúc của mình và cho phép, động viên trẻ cùng làm điều đó. Mỗi đứa trẻ sẽ có diễn biến tâm lý khác nhau, tuỳ vào tính cách, độ tuổi và bố mẹ sẽ là người tìm ra phương pháp phù hợp. Nếu bố mẹ đủ sự khéo léo, tinh tế và hiểu đứa trẻ của mình, thì chắc chắn sẽ giúp con đối diện và vượt qua được những nỗi đau, mất mát trong cuộc sống.
Chuyên gia kể một trường hợp bản thân chứng kiến đứa trẻ rơi vào tình huống mất mát, diễn biến tâm lý của trẻ lúc đó ra sao? Tại thời điểm đó thì bố mẹ cần phản ứng như thế nào là phù hợp?
Trong quá trình làm tham vấn tâm lý, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ rơi vào tình huống mất mát. Một trường hợp như cô bé nhìn thấy bố mẹ cãi nhau, thậm chí là dùng vũ lực, đập phá đồ đạc trong chính ngôi nhà của mình. Vì còn nhỏ nên cô bé chỉ biết đứng trong một góc nhìn với nỗi sợ hãi, run rẩy mà không thể làm gì khác.
Nhiều lần như thế, tâm lý của cô bé bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thậm chí là đến bây giờ khi đã lớn, nhưng mỗi lần nghe tiếng cãi vã hay ai đó chửi bới, la mắng, đập đồ thì toàn thân cô bé sẽ run lẩy bẩy, cảm xúc bị nghẹn lại. Bởi vì sự mất mát cảm giác an toàn từ khi còn nhỏ đã tác động sâu sắc đến tâm lý của cô bé.
Như vậy thì tại thời điểm sự việc diễn ra, đáng lẽ bố mẹ cần phải bình tĩnh ngồi xuống để nói chuyện cùng với trẻ, giải thích cho trẻ hiểu rõ những gì đang xảy ra. Thậm chí là nếu cần phải nói lời xin lỗi với con, thì bố mẹ cũng nên thực hiện để làm gương và xoa dịu, trấn an cảm xúc của trẻ lúc đó, thay vì im lặng và để cho con cái tự chịu đựng, "gặm nhắm" những trạng thái tiêu cực này.
Để giúp trẻ vượt qua cú sốc, nỗi đau mất mát trong cuộc sống thì ở từng độ tuổi khác nhau, chuyên gia có thể gợi ý cho bố mẹ cách dạy con phù hợp?
Có 3 bước chung trong vấn đề này để bố mẹ có thể giúp con vượt qua được những cú sốc, nỗi đau mất mát trong cuộc sống. Bước đầu tiên được gọi là bước chấp nhận, nghĩa là bố mẹ cùng ngồi xuống với con, để quan sát và trò chuyện cùng con, từ đó đánh giá xem con đã chấp nhận được sự thật về một mất mát nào đó hay chưa.
Sau bước này sẽ đến bước tìm kiếm, nghĩa là khơi dậy, kích thích những cảm xúc thật của trẻ, thay vì để con kìm nén hay lãng tránh nó. Có thể tại thời điểm đó, trẻ sẽ cảm thấy kinh hoàng, hoảng sợ không biết cần làm gì để đối diện với nỗi mất mát, nhưng bố mẹ hãy giúp con hình dung về hoàn cảnh đã xảy ra để con hiểu và cảm nhận.
Cuối cùng là bước thấu hiểu, nghĩa là bố mẹ lắng nghe con, chia sẻ, an ủi, động viên con để giúp con hiểu và chiêm nghiệm ra được những thông điệp tích cực từ trong những mất mát của cuộc sống. Ngoài những nỗi buồn, con sẽ nhận được niềm vui hay ý nghĩa, bài học gì cho bản thân từ sự mất mát này.