Tâm lý xem con mãi mãi như một đứa trẻ của nhiều bố mẹ Việt, khiến cho con cái không thể phát triển một cách toàn diện.
Tâm lý luôn xem con là đứa trẻ có thể phản ánh một số lo ngại và áp lực trong vai trò làm bố mẹ. Tuy nhiên, quan điểm này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sự tự chủ của con.
Chuyên gia tâm lý thường khuyến nghị rằng việc tạo điều kiện cho trẻ phát triển độc lập và tự tin là rất quan trọng. Bởi trẻ cần được khuyến khích, hỗ trợ để thể hiện ý kiến, đưa ra quyết định, và đảm nhận trách nhiệm của mình. Tuyệt đối không nên coi con mãi là đứa trẻ, vì điều này có thể ngăn cản sự phát triển và trưởng thành của con.
Một quan điểm khác là cho phép con tiếp xúc với các trải nghiệm, và trách nhiệm phù hợp với độ tuổi và khả năng của mình. Điều này giúp con xây dựng kỹ năng sống, học hỏi từ kinh nghiệm và phát triển sự tự tin, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
(Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, quản lý và giáo dục con không chỉ đơn giản là để con tự do hoàn toàn mà cần có sự cân nhắc và hướng dẫn từ phía bố mẹ. Điều quan trọng là tìm được sự cân bằng giữa việc tạo điều kiện cho con tự chủ và sự hỗ trợ, giám sát từ phía bố mẹ để đảm bảo an toàn và sự phát triển toàn diện của con.
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui cũng chia sẻ quan điểm, bày tỏ sự không đồng tình đối với một số bố mẹ Việt có tư tưởng xem con mãi như một đứa trẻ. Để bố mẹ có cái nhìn chuẩn xác hơn, chuyên gia cũng đã có những phân tích sâu sắc từ góc độ tâm lý học dưới đây, nhằm giúp những ông bố bà mẹ không bị "lệch khỏi đường ray" giáo dục con cái đúng đắn trong thời hiện đại ngày nay.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm Lý Học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thực tế, có nhiều bố mẹ mang tâm lý sợ con lớn, nên luôn xem con là đứa trẻ. Chuyên gia có quan điểm như thế nào về tâm lý giáo dục này?
"Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con", điều này trên thực tế luôn đúng. Với tình thương con vô bờ bến, bố mẹ nào cũng sẽ thường có tâm lý xem con như một đứa trẻ. Tuy nhiên nếu bố mẹ xem con là đứa trẻ, xuất phát từ mong muốn để có thể dễ quản lý, kiểm soát con thì sẽ là vấn đề hoàn toàn sai, thậm chí có thể được xem là sự ích kỷ của bố mẹ.
Trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của bố mẹ là nuôi dạy những đứa con trưởng thành, chứ không phải là mãi mãi xem con như đứa trẻ. Quan điểm này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sự tự chủ của con. Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không nên coi con như đứa trẻ mãi mãi, mà hãy tạo điều kiện cho con phát triển độc lập, trong khi đó thì bố mẹ vẫn sẽ giữ vai trò là người hướng dẫn và chỉ dạy cho con.
Theo góc độ tâm lý, vì sao khi con cái càng lớn, bố mẹ càng lo lắng con sẽ xa cách mình?
Tình yêu thương con cái của mỗi bố mẹ, thường sẽ luôn đi kèm với khao khát được ở bên cạnh, gắn bó với con đến suốt cuộc đời. Thế nhưng thực tế là khi con càng lớn, bắt đầu từ độ tuổi thiếu niên, khoảng 11 đến 13 tuổi thì thế giới trong mắt con sẽ ngày càng mở rộng ra.
Chính vì vậy mà sự quan tâm của con cái sẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình như lúc còn nhỏ, mà sẽ xoay chuyển từ gia đình sang bạn bè. Lúc này, bố mẹ chắc chắn phải chuẩn bị tâm lý để có thể "buông tay" con. Tuy nhiên thì một số bố mẹ sẽ khó chấp nhận được việc con càng trưởng thành sẽ càng xa mình, vậy nên luôn tự tạo cho bản thân tâm lý lo lắng, bất an.
Thế nhưng thực tế thì sự lo lắng này có thể là bình thường, và phần nào là tự nhiên trong quá trình nuôi dạy con. Điều quan trọng là bố mẹ không nên để nỗi lo lắng này chiếm quá nhiều tâm trí, ảnh hưởng đến sự phát triển và tự chủ của con. Hỗ trợ và khuyến khích con trong việc phát triển độc lập, và xây dựng mối quan hệ tình cảm là cách tốt nhất để giảm bớt lo lắng này, và duy trì một mối quan hệ lành mạnh giữa bố mẹ và con cái.
Việc bố mẹ nghĩ con còn nhỏ nên ra sức cấm đoán, quản lý, thậm chí là xâm phạm quyền riêng tư của con, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Có rất nhiều những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ bởi cách giáo dục sai lầm này của bố mẹ. Đầu tiên, việc bố mẹ quá can thiệp và kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của con, sẽ làm hạn chế sự phát triển của trẻ trong việc tự quyết định và thể hiện ý kiến của mình. Trẻ sẽ thiếu cơ hội để phát triển kỹ năng tự lập và tự chủ, dẫn đến sự phụ thuộc và thiếu tự tin trong việc đưa ra quyết định, cũng như xử lý các tình huống trong cuộc sống.
Ảnh hưởng tiêu cực thứ hai là khi con cái không được tôn trọng, và không được phép tự quyết định trong các vấn đề mang tính cá nhân thì sự tự tin và lòng tự trọng của con sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ có thể phát triển cảm giác không an toàn trong chính gia đình của mình, thậm chí đánh mất sự tin tưởng dành cho bố mẹ.
Ảnh hưởng thứ ba là cách giáo dục này, có thể gây ra sự căng thẳng và xung đột trong mối quan hệ gia đình. Trẻ có thể trở nên căng thẳng, cảm thấy bất mãn và không thoải mái trong việc chia sẻ và giao tiếp với bố mẹ. Điều này có thể làm suy yếu mối quan hệ gia đình, và gây hạn chế trong việc xây dựng một môi trường gia đình ủng hộ và an toàn cho trẻ.
Với vấn đề này, chuyên gia có lời khuyên, góp ý gì cho các bậc bố mẹ để có cách giáo dục con đúng đắn, đồng thời giúp gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái?
Bố mẹ nên là người đồng hành cũng con trong từng độ tuổi khác nhau, biết con ở độ tuổi nào thì sẽ được quyền gì và từ đó dần dần trao quyền cho con để con tự quyết định. Điều này sẽ giúp con học được nhiều bài học, thậm chí là bài học của sự thất bại, nhưng nó sẽ giúp con khôn lớn, trưởng thành hơn.
Việc bố mẹ đi ngược lại với khoa học, sự phát triển tự nhiên của con cái, luôn xem con như một đứa trẻ để quản lý và kiểm soát cần được sớm thay đổi, bởi vì đó là một quan điểm giáo dục vô cùng sai lầm.
Bố mẹ có thể sửa nó bằng cách, nếu con không chủ động nhờ vả khi cần, bố mẹ tuyệt đối đừng can thiệp hay "làm hộ" con dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bố mẹ có thể quan tâm và hỏi con về việc có cần sự giúp đỡ của bố mẹ hay không? Nhưng tuyệt đối không thay con làm mọi thứ, mà hãy biết "buông tay" đúng lúc.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần tạo cho con môi trường gia đình ủng hộ, sẵn sàng bên cạnh hỗ trợ con để con có thể tự tin chia sẻ những khó khăn của mình. Con cần hiểu rằng, đôi khi có những thời điểm, những việc nằm ngoài sức của con, vì vậy con sẽ không có đủ "chiều sâu" để có thể tự giải quyết nó một cách đúng đắn. Những lúc như thế, con cần một người cố vấn và bố mẹ sẵn sàng trở thành người đó.
Việc bố mẹ luôn đồng hành, gắn bó với con cái, thay vì chỉ biết kiểm soát, quản lý hay cấm đoán sẽ khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái thêm gắn kết hơn. Tóm lại, đứa trẻ nào cũng cần phải lớn lên, sẽ không ai là trẻ con mãi, quan trọng là bố mẹ có cho phép con được lớn hay không? Và điều này quyết định rất lớn đến sự phát triển toàn diện của con cái về sau.