Để chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần nắm vững 5 vấn đề thường gặp ở trẻ.
Sự ra đời của trẻ là niềm hạnh phúc của tất cả ông bố bà mẹ. Đồng thời, cũng là một thử thách đối với những người có con đầu lòng. Nhiều phụ huynh cảm thấy lúng túng và lo lắng, bởi vì cảm thấy trẻ sơ sinh rất mỏng manh và bé có thể dễ dàng gặp phải vấn đề về sức khỏe, dù trong bất kỳ tình huống nào.
Phải mất một khoảng thời gian để trẻ sơ sinh dần thích nghi với môi trường bên ngoài, vậy nên bé rất cần sự chăm sóc tận tình của bố mẹ, để vượt qua giai đoạn nhạy cảm này một cách an toàn nhất.
Dựa trên bảng khảo sát diện rộng các em bé sơ sinh, có 5 vấn đề mà trẻ thường xuyên gặp phải. Chúng đều có những tác động trực tiếp đến sức khỏe của bé, vì vậy các chuyên gia khuyên bố mẹ đừng nên mất cảnh giác.
Giấc ngủ “đảo ngược”
Trên thực tế, có nhiều trẻ sơ sinh “sở hữu” một “đặc thù” khiến không ít bà mẹ phải “lắc đầu” vì chán nản khi không thể giải quyết được vấn đề, đó là đảo ngược thói quen ngủ. Trẻ thường xuyên ngủ vào ban ngày, và thức vào ban đêm.
Tần suất diễn ra các hoạt động trong giờ “hành chính” rất ít, ngược lại thì trẻ sẽ dành toàn bộ thời gian đó để ngủ. Điều này đã khiến cho tinh thần của trẻ trở nên phấn chấn và tỉnh táo hơn vào ban đêm, giống hệt như đặc tính của “những con cú”.
Thậm chí, bố mẹ còn sẽ gặp rắc rối nếu như việc trẻ thức vào ban đêm nhưng còn kèm theo những tiếng quấy khóc. Lúc này, bố mẹ cần lưu ý quan sát trẻ, bởi vì rất có thể giấc ngủ của con đang bị rối loạn hoặc sức khỏe bé đang gặp vấn đề.
Tình trạng giấc ngủ “đảo ngược” ở trẻ sơ sinh, khiến đồng hồ sinh học bình thường của nhiều bố mẹ bị xáo trộn. Bởi vì, khi trẻ hoạt động nhiều vào ban đêm, trẻ sẽ đói và cảm thấy khát sữa thường xuyên.
Lúc này, bố mẹ cần phải thức cùng bé để chăm sóc và thậm chí là chơi đùa. Tuy nhiên, tình trạng thức đêm của trẻ chỉ diễn ra tạm thời. Đến khi trẻ được một tuổi, chu kỳ giấc ngủ của trẻ sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Nhiều trẻ sơ sinh gặp tình trạng "đảo lộn giấc ngủ". Tuy nhiên khi não và hệ thần kinh trung ương phát triển đầy đủ, chu kỳ giấc ngủ của trẻ sẽ ổn định hơn.
Trớ sữa
Hiện tượng trẻ bị trớ sữa khi bú mẹ, là một tình trạng phổ biến ở hầu hết em bé sơ sinh. Bởi vì lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện nên sẽ rất yếu. Nếu lượng sữa đưa vào dạ dày quá mức, trẻ lập tức sẽ nôn trớ sữa ra bên ngoài.
Nhiều bà mẹ cảm thấy vô cùng xót con trong tình huống này, vì vậy mà trong lúc cho con bú, mẹ đã nhìn chằm chằm vào bé để theo dõi, thậm chí còn không dám cử động mạnh. Sau khi cho trẻ bú xong, mẹ cũng liên tục bế trẻ với một tư thế cố định trong nửa tiếng đồng hồ, đến khi trẻ chìm dần vào giấc ngủ. Tuy nhiên, phương pháp này lại khiến nhiều bà mẹ cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Cách tốt nhất để xử lý tình trạng trớ sữa ở trẻ sơ sinh, theo lời khuyên của bác sĩ là bố mẹ cần hạn chế để trẻ bú quá no, không nên cho trẻ bú khi trẻ đang khóc và tư thế bú phải đúng.
Ngoài ra, nếu quan sát thấy dấu hiệu trớ sữa ở trẻ sơ sinh kéo dài, bố mẹ phải kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khám, vì nguyên nhân đằng sau có thể liên quan đến việc trẻ đang mắc một số bệnh lý.
Nếu bố mẹ cho trẻ bú quá nhiều, trẻ sẽ dễ gặp hiện tượng trớ sữa, bởi vì hệ tiêu hóa chưa hấp thụ kịp thời.
Mông xuất hiện vết đỏ
Dấu hiệu làn da quanh vùng mông hoặc bẹn của trẻ sơ sinh bị mẩn đỏ, cho thấy trẻ đang gặp tình trạng bị hăm tã. Triệu chứng đau, rát đã khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu, quá trình sinh hoạt của trẻ cũng gặp khó khăn.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phần lớn lỗi thuộc về kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh kém ở bố mẹ. Tã không được thay thường xuyên và vùng mông không được vệ sinh sạch sẽ, đã khiến cho da vốn rất nhạy cảm của trẻ bị kích ứng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn chất liệu tã kém chất lượng, khô cứng cũng đã làm tăng khả năng ma sát lên vùng da trẻ.
Muốn triệt để loại bỏ tình trạng hăm tã ở trẻ, cách tốt nhất là nên thay tã cho trẻ với khoảng cách giờ không quá dài. Chú ý vệ sinh mông sạch sẽ cho trẻ sau khi bé đi vệ sinh xong, đồng thời hãy để mông trẻ khô thoáng, sau đó bôi một ít kem dưỡng trước khi mặc tã vào cho trẻ.
Lưu ý việc lựa chọn tã cho trẻ cũng phải được đầu tư kỹ lưỡng, với tiêu chí mềm mại và đảm bảo chất lượng lên hàng đầu.
Da trẻ rất dễ bị kích ứng, nếu như bố mẹ không vệ sinh sạch sẽ các vùng quanh mông cho trẻ, trẻ sẽ bị hăm khi mặc tã.
Bệnh Chàm
Chàm là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh, mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cũng khiến cho sinh hoạt hằng ngày của trẻ bị hạn chế.
Sự xuất hiện rải rác, thậm chí là dày đặc của các nốt mụn nước đỏ ở hầu hết các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là vùng má, cánh tay, chân, da đầu, ngực đã gây nên cho trẻ sơ sinh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc và ngủ không ngon giấc.
Đây là bệnh lý có thể chữa khỏi nếu như bố mẹ có phương pháp xử lý phù hợp. Tuy nó không có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh, nhưng một khi để lại sẹo, tính thẩm mỹ trên cơ thể trẻ sẽ bị giảm sút.
Vì vậy, để hạn chế bệnh chàm trên vùng da của trẻ, bố mẹ cần chú ý đến thành phần trong sữa mẹ hoặc thức ăn của trẻ. Đặc biệt là tránh cho trẻ tiếp xúc nhiều với những chất dễ gây kích ứng.
Lựa chọn quần áo vừa vặn cho trẻ, không nên trùm quá kín đáo và bó sát. Và quan trọng là thường xuyên lau vùng mặt và cổ cho trẻ sau mỗi bữa ăn.
Làn da nhạy cảm của trẻ cần được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận để tránh bị kích ứng, hay còn gọi là bệnh chàm thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Đầy hơi
Đầy hơi chướng bụng là dấu hiệu nhận biết hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh đang gặp vấn đề bất thường. Nhiều bố mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng trước tình trạng sức khỏe của con, bởi vì hiện tượng này đã khiến trẻ gặp rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ.
Khi trẻ bị đầy hơi chướng bụng, phần bụng của trẻ sẽ căng phồng lên, đồng thời khi vỗ nhẹ vào có thể phát ra âm thanh “bộp bộp”.
Lúc này, lượng khí trẻ nuốt vào từ quá trình bú và khóc quá nhiều, nhưng không thể trục xuất ra bên ngoài, vì vậy nên đã dẫn đến hiện tượng trẻ bị đầy hơi chướng bụng. Thêm vào đó, hệ tiêu hóa không kịp thời xử lý lượng sữa được dung nạp vào, cũng là nguyên nhân xảy ra vấn đề trên ở trẻ sơ sinh.
Để xử lý, bố mẹ cần thực hiện các biện pháp như massage bụng, cho trẻ bú đúng tư thế, chườm nóng vùng bụng, bổ sung lượng nước cần thiết hoặc thay đổi cách cho trẻ ăn,...
Thường xuyên massage bụng cho trẻ là một phương pháp chữa đầy hơi, chướng bụng hiệu quả.