Trẻ lớn lên trong môi trường tình yêu kiểm soát có thể phát triển cảm giác thiếu tự tin, lo âu...
Tình yêu bố mẹ trao cho con luôn được xem là thiêng liêng và trân quý nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình yêu này có thể trở nên "kiểm soát," nơi mà những hành động và quyết định của bốmẹ nhằm bảo vệ và chăm sóc con lại dẫn đến những áp lực không cần thiết.
Câu nói "Mẹ làm tất cả là vì con" thường được dùng để biện minh cho những hành động kiểm soát, nhưng liệu điều này có thực sự đúng đắn?
Hành động này có thể xuất phát từ sự lo lắng, mong muốn tốt đẹp cho con, nhưng lại không nhận ra rằng nó có thể gây tổn thương cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Sự kiểm soát có thể khiến trẻ cảm thấy bị ràng buộc, thiếu tự do và không thể phát triển bản thân một cách tự nhiên.
Trẻ lớn lên trong môi trường tình yêu kiểm soát có thể phát triển cảm giác thiếu tự tin, lo âu, và khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ, hạn chế khả năng phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy độc lập.
Ảnh minh họa.
Vì vậy, chính sự bảo vệ quá mức này có thể khiến trẻ cảm thấy bị bó buộc, do đó bố mẹ cần nhận thức rằng tình yêu không chỉ là bảo vệ mà còn là cho phép trẻ khám phá và học hỏi từ cuộc sống.
Để tạo ra một mối quan hệ lành mạnh, cần thiết phải thiết lập sự giao tiếp cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tự do thể hiện bản thân, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ chúng trong những quyết định mà không áp đặt ý kiến của mình.
Một môi trường nuôi dạy thoải mái, nơi mà trẻ cảm thấy được yêu thương và tự do khám phá, sẽ giúp trẻ phát triển tốt về thể chất lẫn tâm lý. Bằng cách này, câu nói "Mẹ làm tất cả là vì con" sẽ trở thành một thông điệp tích cực, mang lại niềm vui trong gia đình. Đối với vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui sẽ phân tích, đưa ra lời khuyên, phương pháp điều chỉnh phù hợp hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Vì sao nhiều bố mẹ cảm thấy cần phải kiểm soát con cái, mặc dù có thể nghĩ rằng họ đang hành động vì lợi ích của con?
Chúng ta cần hiểu một vấn đề thực tế đang tồn tại là nhiều người có xu hướng mang danh tình yêu để kiểm soát. Ví dụ, chúng ta cho rằng vì tình yêu và sự quan tâm nên cho phép bản thân quyền can thiệp vào không gian riêng tư, xem trộm tin nhắn, kiểm soát cuộc sống của người mình yêu....
Cho đến hiện tại, một phần đi sâu vào văn hóa người Việt là yêu để kiểm soát, quan điểm này hầu như phổ biến khiến nhiều người tin rằng "Vì tôi yêu bạn, cho nên tôi sẽ kiểm soát bạn".
Điều này cũng không ngoại lệ đối với mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Vì yêu thương, bao bọc nên nhiều phụ huynh có xu hướng kiểm soát. Với quan điểm đó, bố mẹ cũng có lý lẽ riêng là chăm lo cho cuộc sống của con, vì vậy khi trẻ sinh ra đã được nuôi dưỡng với tư duy này.
Tư duy này thực chất có phần đúng, chỉ sai khi bị lạm dụng, nhân danh tình yêu một cách không có lý trí, thao túng người khác. Đồng thời, có thêm một bước trung gian đó là "Bố mẹ yêu con, và biết điều gì là tốt nhất cho con" để thể hiện tình yêu đúng. Nếu chúng ta đặt sai bối cảnh thì tình yêu và sự kiểm soát không thể đi cùng nhau.
Vì vậy, bố mẹ nên xem xét thời điểm trẻ cần được kiểm soát, độ tuổi và vấn đề gì, động cơ thế nào... Trường hợp bố mẹ nhân danh tình yêu để tước đoạt quyền tự do phát triển, lúc này sẽ khó nuôi dạy con trưởng thành lành mạnh.
Những vấn đề tâm lý nào phát sinh ở trẻ nếu bố mẹ luôn mang danh "làm tất cả là vì con" trở thành áp lực?
Trong trường hợp này, nếu trẻ áp lực bởi tình yêu thương của bố mẹ, đầu tiên trẻ có tâm lý bức bối, cho rằng đây không phải cuộc sống của chính mình.
Trong quá trình tư vấn, tôi cũng gặp nhiều trường hợp thân chủ mình (hầu hết lứa tuổi thiếu niên) van nài bố mẹ hãy chuyên tâm sống cuộc sống của chính mình, đừng lo lắng cho con quá, trẻ không có nhu cầu được bố mẹ hy sinh đến ngột ngạt. Với mong muốn không được đáp ứng, trẻ dễ nảy sinh các vấn đề về tâm lý.
Việc bố mẹ hy sinh "làm tất cả là vì con" trở thành áp lực, chắc chắn trẻ sẽ tìm cách để thoát ra, khi trẻ đã làm được điều này sẽ khiến bố mẹ, các mối quan hệ trong gia đình tổn thương. Lâu dần, đôi bên đều tin rằng mình là bạn nhân, đặc biệt phụ huynh thường có xu hướng cho rằng "con bất hiếu" , "con không yêu thương, thấu hiểu bố mẹ",,,
Một trường hợp khác nếu trẻ vùng vẫy thoát khỏi nhưng bất thành, sẽ dễ phát triển tính cách vô trách nhiệm, thiếu bản năng sinh tồn, trở nên cô đơn...
Có những tình huống cụ thể nào mà tình yêu và sự kiểm soát có thể giao thoa, và làm thế nào để nhận diện những tình huống này?
Về trường hợp này, chúng ta nên hiểu rằng tình yêu và sự kiểm soát đôi khi cần đi với nhau, nhưng không hoàn toàn. Thậm chí có một định nghĩa cao nhất nói về tình yêu, cho rằng "Khi yêu chúng ta tin tưởng và chịu đựng, kể cả đối tượng đang yêu vượt khỏi tầm kiểm soát"...
Điều này cũng có liên quan đến phương pháp nuôi dạy, nhiều gia đình tri thức cao thường dạy con tính trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ, nuôi dưỡng tự lập, cho phép hành động sai và học hỏi từ điều sai đó. Khi trẻ đến độ tuổi thiếu niên, bố mẹ không cần phải kiểm soát, bởi trẻ đã được trang bị những kỹ năng để tự chịu trách nhiệm và kiểm soát cuộc sống của chính mình. Lúc này, tình yêu không còn phải đặt trên nền tảng của sự kiểm soát.
Vậy khi nào tình yêu và sự kiểm soát có thể giao thoa? Như đã nói ở trên, "bố mẹ yêu thương và biết điều này tốt nhất cho con, trước khi con 5 tuổi, mẹ sẵn sàng chỉ ra điều tốt để con lựa chọn". Đồng thời, bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu vì sao lựa chọn đó là tốt nhất.
Với trẻ từ 6 tuổi, bắt đầu bước vào môi trường học tập nghiêm túc, các mối quan hệ bạn bè mở rộng sẽ có sự hướng dẫn của bố mẹ. Đến tuổi thiếu niên, bắt đầu có những rung động đầu đời, trẻ sẽ hiểu được nên kiểm soát bản thân theo hướng nào là tốt nhất.
Có thể trong một số tình huống khó cần sự can thiệp của bố mẹ, nhưng theo cách nào cũng cần được cân nhắc kỹ, nhắc nhở trẻ đưa ra lựa chọn và tự chịu trách nhiệm, hậu quả đó, tự quyết định.
Khi trẻ tin chắc rằng bố mẹ yêu thương mình vô điều kiện, nhưng bên cạnh đó bản thân trẻ cũng có nhu cầu tự kiểm soát cuộc sống theo cách mình muốn. Trẻ có sự tự tin, nền tảng vững chắc bên trong.... sẽ tự nhận diện được bố mẹ đã chăm sóc, quan tâm mình dựa trên tình yêu đúng đắn.
Bố mẹ nên thể hiện tình yêu thương với con như thế nào mà không tạo ra cảm giác căng thẳng hoặc áp lực cho trẻ?
Hãy cho trẻ hiểu tình yêu là thiêng liêng và cao đẹp, một món quà mà bố mẹ dâng tặng đến con vô điều kiện. Tình yêu không chỉ đơn thuần là việc chăm sóc và bảo vệ, mà còn là việc cho phép trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách tự do và an toàn.
Bố mẹ cũng nên chỉ cho con đến thời điểm thích hợp để tạo không gian riêng cho trẻ trải nghiệm. Khi trẻ có không gian riêng, sẽ cảm thấy mình có quyền tự quyết định.
Nhà tâm lý học người Nga đã chỉ ra rằng trong quá trình giáo dục trẻ, có 4 bước quan trọng mà bố mẹ nên áp dụng:
Bước 1: Bố mẹ làm, con quan sát.
Bước 2: Bố mẹ làm chính, con làm phụ theo.
Bước 3: Con làm chính, bố mẹ phụ theo.
Bước 4: Con tự làm, bố mẹ quan sát.
Trong quá trình nuôi dưỡng, việc bố mẹ dạy con từng bước sẽ tạo ra sự thoải mái, giảm thiểu áp lực cho trẻ. Khi trẻ cảm thấy an toàn và được hỗ trợ, sẽ phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc một cách tự nhiên.