Chuyên gia có những lời khuyên hữu ích, giúp bố mẹ phản ứng tích cực hơn khi trẻ thường xuyên cãi lời.
Trẻ em có tính cách hay cãi lời, thường được xem là dấu hiệu khó dạy dỗ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi cãi lời là phần tất yếu trong quá trình phát triển ngôn ngữ, trí tuệ ở trẻ.
Theo góc nhìn đó, trẻ cãi lời phản ánh sự độc lập, chủ động và tự tin của trẻ. Thay vì đơn giản tuân theo mọi yêu cầu của bố mẹ, trẻ chủ động phản ứng, tranh luận và bày tỏ ý kiến riêng. Điều này cho thấy trẻ đang ở giai đoạn phát triển nhận thức tích cực, sẵn sàng thách thức và thể hiện bản thân.
Ảnh minh họa.
Một số ý kiến khác cho rằng, trẻ hay cãi lời thường có khả năng tư duy phản biện tốt hơn, biểu hiện trí thông minh cao. Trẻ không đơn giản chấp nhận mọi thứ mà luôn đặt câu hỏi, phân tích và đưa ra quan điểm riêng. Đây chính là nền tảng quan trọng để trẻ phát triển tư duy logic, sáng tạo và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Vậy có phải đứa trẻ biết cãi lời thường thông minh? Để giúp phụ huynh hiểu hơn vấn đề này, cũng như cách nuôi dưỡng, điều chỉnh con phát triển phù hợp. Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã đưa ra những kiến thức, lời khuyên hữu ích.
Chuyên gia có nghĩ rằng việc trẻ biết cãi lời là liên quan đến sự thông minh? Vì sao có nhận định như vậy?
Con cái cãi lời bố mẹ có thể cho thấy con có ý kiến riêng và muốn bảo vệ ý kiến của mình. Điều này không đảm bảo việc đứa trẻ ấy có thông minh hay không. Để có thể xác định mức độ thông minh của trẻ thì chúng ta còn xét xem quan điểm của trẻ là gì? Có vận dụng lý luận thích hợp để giải thích cho quan điểm đó hay không?
Có biết cách lấy minh chứng xác đáng cho ý kiến của mình hay không. Những góc nhìn mới có hiện diện trong lý luận của trẻ hay không. Còn nếu trẻ chỉ cãi cùn và không kiểm soát được cảm xúc trong tranh luận thì như vậy không thể hiện được mức độ thông minh .
Trẻ cãi lời có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con. Bố mẹ nên xử lý tình huống này như thế nào?
Chuyện trẻ cãi lời bố mẹ, nhìn từ góc độ tích cực thì cho thấy sự phát triển lành mạnh, có những suy nghĩ, cảm nhận và đánh giá vấn đề riêng. Đồng thời, cho thấy con đang có nhu cầu được nhìn nhận như một cá nhân độc lập, có lập trường riêng, như một người trưởng thành.
Nếu trẻ được lắng nghe một cách tôn trọng và không phán xét thì trẻ sẽ thể hiện nhu cầu ấy một cách hoà bình, ngược lại, khi bố mẹ vẫn giữ lề thói giáo dục con như khi con còn nhỏ, mang nặng tính áp đặt và ép buộc con phải theo thì đứa trẻ sẽ phản ứng một cách gay gắt hơn. Do đó, bố mẹ cần ủng hộ con nói ra ý kiến của mình, lắng nghe tích cực và cùng con phân tích vấn đề như những người trưởng thành.
Thông qua đó, bố mẹ có thể giúp con có thêm góc nhìn, trau chuốt hơn tư duy và rèn luyện khả năng phân tích, phán đoán, suy luận, đưa ra và lựa chọn những giải pháp tốt cho vấn đề. Hơn thế nữa, điều này còn giúp cho mối quan hệ bố mẹ - con cái được gần gũi, gắn bó và tôn trọng lẫn nhau.
Trẻ hay cãi lời có thể liên quan đến việc muốn được lắng nghe và tham gia ý kiến? Chuyên nghĩ bố mẹ nên khuyến khích và dạy trẻ cách bày tỏ ý kiến một cách hiệu quả, phù hợp hơn phải không?
Khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên là lúc mà trẻ muốn được chứng tỏ bản thân, muốn được lắng nghe, muốn được ghi nhận, muốn được tham gia vào những công việc lớn của gia đình như một người quan trọng, có tiếng nói riêng.
Do đó, việc bố mẹ khuyến khích con tham gia và có sự hướng dẫn cách thức bày tỏ quan điểm một cách phù hợp, tích cực thì con sẽ rất vui vẻ và hài lòng. Thấy mình được trân trọng sẽ tăng cường lòng tự trọng, sự tự tin ở con, đồng thời cũng gia tăng tính trách nhiệm trong những hành vi và quyết định của con.
Hơn thế nữa, trẻ còn học được cách để nêu quan điểm và bảo vệ quan điểm của mình, sau đó có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh và mối quan hệ khác ở nhà trường cũng như bên ngoài xã hội.
Theo chuyên, việc trẻ biết cãi lời có thể là do cách tiếp cận của bố mẹ hoặc môi trường giáo dục chưa phù hợp không? Chuyên gia có lời khuyên gì cho phụ huynh để hỗ trợ trẻ phát triển tích cực?
Khi con cái trưởng thành, các chuyên gia về tâm lý trẻ em đều đồng tình rằng đứa trẻ nên có sự độc lập trong suy nghĩ, cảm xúc và hành xử. Điều này giúp đứa trẻ có thể độc lập trong tư duy, và có thể đưa ra những lựa chọn riêng, giải pháp riêng cho những vấn đề trẻ gặp phải.
Đó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ mà còn ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý và nhân cách cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn giữ một thói quen trong suy nghĩ là con còn nhỏ, chưa biết gì và thường hay áp đặt và yêu cầu trẻ làm theo ý mình.
Cách hành xử này khiến con bị tước đoạt đi suy nghĩ và cảm xúc riêng tư, hành vi cũng không theo ý mình. Đó là một trong những lý do có thể dẫn đến việc con cái thường hay cãi lời, có hành vi thách thức chống đối với cha mẹ.
Như vậy, cha mẹ cần phải thay đổi dần dần cách tương tác với con khi con lớn dần bằng việc gia tăng sự tự chủ và độc lập ở con, tôn trọng con như một cá nhân độc lập và trưởng thành.
Việc bố mẹ ở bên cạnh nhằm hỗ trợ, đóng góp ý kiến tham khảo, phản biện thực tế cho những suy nghĩ và quyết định của con chứ không nhằm mục đích bắt buộc con cái phải tuân phục.