Trẻ có tính cách này sẽ khó kết bạn, chuyên gia nhắc nhở bố mẹ sửa ngay cho con

Kiều Trang - Ngày 06/02/2024 12:33 PM (GMT+7)

Trẻ có tính cách này sẽ gặp thách thức rất lớn trong việc giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh.

Khi đến một độ tuổi mà trẻ bắt đầu nhận thức về bản thân và hình thành cái tôi riêng, bố mẹ đôi khi sẽ quan sát thấy đứa trẻ của mình có những biểu hiện như phản bác hoặc tranh luận lại trong nhiều vấn đề để bảo vệ quan điểm cá nhân. Điều này là dấu hiệu tốt cho thấy trẻ đang phát triển nhu cầu được thể hiện mình.

Tuy nhiên nếu không được bố mẹ hướng dẫn, giáo dục ngay từ đầu thì một số đứa trẻ sẽ có xu hướng trở nên độc đoán, luôn tự cho mình là đúng và nghĩ rằng những gì trẻ nói, những gì trẻ làm chính là quy chuẩn. Những đứa trẻ có tính cách này thường rất khó lắng nghe và chấp nhận ý kiến, cũng như quan điểm của người khác.

Đứa trẻ có tính độc đoán thường có tâm lý tự xem bản thân là trung tâm (Ảnh minh hoạ).

Đứa trẻ có tính độc đoán thường có tâm lý tự xem bản thân là trung tâm (Ảnh minh hoạ).

Trẻ sẽ lập tức bác bỏ, tranh cãi khi có bất kỳ điều gì đó trái với quan đểm, tư duy của mình. Cũng vì như thế mà trẻ gặp thách thức rất lớn trong việc giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Bởi từ trước đến nay, trên thực tế những đứa trẻ "xem mình là trung tâm" thường rất ít bạn.

Đó là lý do mà chuyên gia tâm lý Lưu Thị Hường đã có những chia sẻ và hướng dẫn dưới đây để giúp các bậc phụ huynh biết cách điều chỉnh tính độc đoán, luôn cho mình là đúng của trẻ sao cho hiệu quả nhất. Từ đó dạy cho trẻ những bài học giá trị về việc tôn trọng ý kiến của người khác, lắng nghe và tương tác tích cực để trẻ phát triển những hành vi đúng đắn.

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.

Trẻ có tính cách này sẽ khó kết bạn, chuyên gia nhắc nhở bố mẹ sửa ngay cho con - 3

Tại sao nhiều đứa trẻ có xu hướng không chấp nhận ý kiến, hành vi của người khác và tin rằng mình luôn đúng?

- Trẻ ở nhà không được bố mẹ lắng nghe

Những đứa trẻ thường bị bố mẹ la mắng, không lắng nghe hay chấp nhận ý kiến sẽ dễ bắt chước bố mẹ hình thành tính độc đoán này. Từ đó trẻ cũng sẽ bộc lộ ra bên ngoài tương tự như thế khi hành xử với người khác.

Độc đoán và chỉ cho mình là đúng là dấu hiệu của người bên trong có nhiều nỗi sợ và tổn thương. Sợ mọi người coi thường mình, sợ mình không quan trọng, sợ không được chấp nhận...

Nếu bố mẹ hay nói những câu kiểu như coi thường trẻ, "con nít thì biết gì", "bố mẹ nói luôn đúng, con cấm cãi"... thì sẽ dễ khiến cho trẻ có cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực về việc khi ai đó nói trái ý kiến của mình, từ đó mà học theo cách hành xử này.

- Trẻ không được bố mẹ giải thích, hướng dẫn cách hành xử đúng đắn 

Khi trẻ làm sai, bố mẹ dễ nổi cáu với trẻ và mắng trẻ, không hướng dẫn con cách làm đúng đắn là thế nào, nên trẻ không biết cách sử dụng hành vi phù hợp.

- Trẻ không biết cách làm chủ cảm xúc của mình

Trẻ không biết cách bộc lộ cảm xúc và làm chủ cảm xúc của mình, một là do trẻ được chiều chuộng thành quen, khi không được đáp ứng nhu cầu thì sẽ bộc lộ cảm xúc tiêu cực ngay; Hai là trẻ bị dồn nén cảm xúc, không được bộc lộ cảm xúc một cách chân thực và thoải mái (ví dụ nếu con trai khóc thì bố mẹ sẽ thường có phản ứng nghiêm cấm: "Im ngay, có mỗi việc đó cũng khóc à, con trai mà suốt ngày khóc lóc"...)

Khi trẻ không biết cách làm chủ cảm xúc của mình, thì một cách rất bản năng là khi thấy ai đó nói không đúng ý mình trẻ sẽ ngay lập tức cáu, có phản ứng mạnh.

Trẻ có tính cách này sẽ khó kết bạn, chuyên gia nhắc nhở bố mẹ sửa ngay cho con - 4

Việc tạo một môi trường tôn trọng ý kiến, và quan điểm của người khác quan trọng đối với sự phát triển xã hội và tâm lý của trẻ nhỏ ra sao?

- Phát triển kỹ năng giao tiếp

Khi trẻ được khuyến khích lắng nghe và thể hiện ý kiến của mình trong một môi trường tôn trọng, trẻ sẽ học cách diễn đạt suy nghĩ và quan điểm của mình một cách rõ ràng, tự tin. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.

- Khám phá sự đa dạng và khác biệt

Một môi trường tôn trọng ý kiến khuyến khích trẻ tìm hiểu và chấp nhận sự đa dạng, sự khác biệt trong ý kiến, quan điểm, tư duy giữa người với người. Trẻ sẽ hiểu được rằng, mỗi cá nhân đều sẽ có những quan điểm khác nhau dựa trên kinh nghiệm và kiến thức. Điều này giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, trở nên linh hoạt trong giao tiếp xã hội.

- Xây dựng kỹ năng giải quyết xung đột

Trẻ nhỏ thường gặp phải xung đột ý kiến trong quá trình tương tác xã hội. Một môi trường tôn trọng ý kiến giúp trẻ học cách xử lý, và giải quyết xung đột tốt hơn dựa trên tinh thần mang tính xây dựng. Thay vì tranh cãi hoặc cố gắng chứng minh mình đúng, trẻ học cách lắng nghe và tôn trọng quan điểm của người khác, tìm kiếm sự thấu hiểu và tìm cách đạt được một sự thống nhất hoặc giải pháp hòa hợp.

Trẻ có tính cách này sẽ khó kết bạn, chuyên gia nhắc nhở bố mẹ sửa ngay cho con - 5

Chuyên gia có thể cho biết một vài tình huống cụ thể, phổ biến trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà trẻ nhỏ thường cho mình là đúng?

- Ví dụ trẻ bắt nạt em, bắt em hoặc anh phải nhường mình, phục vụ mình, sai bảo những việc vặt trong nhà.

- Trẻ dễ nổi cáu, ném đồ đạc, lăn đùng ra đất đòi bố mẹ phải đáp ứng điều mà trẻ mong muốn. 

- Trẻ hay dùng những ngôn từ như câu cửa miệng để nói, mắng người khác khi thấy một điều gì đó, hay phán xét người khác... cũng là một biểu hiện của trẻ độc đoán.

Trẻ có tính cách này sẽ khó kết bạn, chuyên gia nhắc nhở bố mẹ sửa ngay cho con - 6

Có những phương pháp nào bố mẹ có thể áp dụng để "trị" trẻ có tính độc đoán, luôn cho mình là đúng, từ đó giúp con điều chỉnh hành vi đúng đắn hơn?

- Bố mẹ nhìn con chỉnh mình: Nếu bố mẹ là người độc đoán thì trẻ sẽ học theo bố mẹ của mình. Cho nên khi thấy con có biểu hiện như vậy, bố mẹ cần xem xét lại bản thân mình hàng ngày có cư xử với con thế không để điều chỉnh từ bản thân mình trước.

- Tôn trọng và lắng nghe trẻ: Dù trẻ nói ý kiến gì, thì đó cũng là góc nhìn, tư duy, suy nghĩ của con, bố mẹ cần nghe trẻ nói hết, tôn trọng trẻ, khen ngợi nếu đó là điều đúng đắn, và hướng dẫn trẻ cách làm đúng nếu đó là điều chưa phù hợp.

- Bố mẹ quan sát trẻ và thông qua các tình huống hàng ngày để dạy com: Ví dụ, thay vì việc thấy trẻ có hành vi độc đoán liền cáu bẩn, khó chịu thì bố mẹ hãy nghĩ rằng đây là cơ hội tuyệt vời để giáo dục trẻ. Sau đó bố mẹ phân tích thế nào là điều đúng đắn, thế nào là chưa phù hợp, rồi hỏi ý kiến của trẻ xem trẻ nghĩ như thế nào về việc đó...

Để thực hiện được các phương pháp giúp trẻ điều chỉnh hành vi đúng mực, không độc đoán và xem mình là trung tâm thì bố mẹ cần phải có sự kiên nhẫn để hướng dẫn, hỗ trợ và làm gương cho con.

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con