Chuyên gia Việt chia sẻ về vấn đề "tình yêu gà bông" của trẻ nhỏ.
Đôi khi trong các cuộc trò chuyện gia đình hoặc ở những dịp tụ họp giữa các ông bố bà mẹ, sẽ nghe thấy lời trêu đùa của người lớn, gán ghép bé gái và bé trai với nhau.
Tình huống này không hiếm gặp, vì đa số các bậc phụ huynh đều nghĩ rằng, trẻ nhỏ biết gì yêu đương, những câu chuyện "tình yêu gà bông" như thế chỉ là đùa giỡn hài hước, vui vẻ.
Bởi vậy mà nhiều trường hợp con trẻ đến tuổi đi học, về nhà hay kể hoặc "khoe" với bố mẹ rằng "Con có bạn trai/bạn gái rồi mẹ ạ!" hay "Bố ơi, hôm nay con được cầm tay một bạn gái trong lớp đấy!" thì một số phụ huynh có phản ứng trên chọc trẻ, xem đó là chuyện rất bình thường, nghĩ là không sao nên thường chủ quan.
Nhiều bố mẹ hay đùa giỡn, gán ghép bé trai và bé gái với nhau (Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên nếu bố mẹ luôn không có sự nghiêm túc khi nghe con trẻ nói về chuyện này, thì về lâu về dài sẽ làm trẻ hiểu không đúng về tình yêu.
Theo chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi, đây là một vấn đề quan trọng mà bố mẹ cần chú ý trong quá trình nuôi dạy con, để tránh gây hoang mang và khiến trẻ hình thành những nhận thức, hành vi không chuẩn xác về tình yêu.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Nhiều bậc phụ huynh thường trêu chọc, gán ghép con với bạn khác giới, hoặc đùa giỡn khi nghe con kể những câu chuyện "tình yêu gà bông". Thưa chuyên gia, điều này nên hay không và vì sao?
Nhiều bậc bố mẹ cho rằng chuyện trẻ con thì biết gì yêu đương, từ đó hay gán ghép giữa các bé, nhận dâu nhận rể xem như một cách đùa vui mà không để ý xem nó có ảnh hưởng gì đến cảm xúc của con hay không. Điều này có nguồn gốc từ xa xưa khi các bà, các mẹ có quyền đặt đâu con ngồi đó.
Ngày nay, sự phát triển tâm lý của trẻ sẽ sớm hơn so với trước kia. Cũng với tâm lý con nhỏ chưa biết yêu đương gì nên các bậc bố mẹ thường đem chuyện này ra đùa vui. Cách đùa như vậy thì có vẻ là niềm vui cho người lớn nhưng nó lại mang đến sự ngượng ngùng, khó xử cho trẻ.
Nếu chuyện này lặp đi lặp lại có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, bực bội trong lòng mà có những hành vi không phù hợp hoặc thiếu kính trọng với bố mẹ và người lớn, hoặc có hành vi không thân thiện với bạn mà mình bị ghép đôi hay thậm chí ghét chuyện yêu đương. Do đó, các bậc phụ huynh không nên đem chuyện tình cảm của con ra để mua vui như thế.
Trong các tình huống bố mẹ nghe trẻ nhỏ nói rằng, "con có bạn gái", hoặc "con thích chị này", "con đã hôn má bạn nữ trong lớp",... thì bố mẹ nên phản ứng ra sao là phù hợp?
Khi nghe con đề cập đến những trải nghiệm rung động đầu đời của con thì hẳn nhiều bố mẹ cũng ngạc nhiên và bối rối, không biết phải phản ứng như thế nào cho phù hợp. Nếu hào hứng với câu chuyện của con thì có vẻ như vào hùa với con về chuyện yêu đương, điều mà rất nhiều bố mẹ sợ con vướng vào sớm lại ảnh hưởng việc học.
Nhưng nếu phản ứng gay gắt kiểu lo sợ thì cũng sẽ khiến con dè chừng, và sau này không chia sẻ với bố mẹ chuyện tình cảm của mình nữa.
Do đó, bố mẹ nên đón nhận thông tin một cách trân trọng và hỏi thêm con để biết mức độ tình cảm của con, từ đó trở thành “quân sư quạt mo” cho con. Rồi bố mẹ từ từ phân tích cho con như thế nào là tình yêu, trong tình yêu thì cần có những cư xử như thế nào để bảo vệ tình yêu được trong sáng, bền đẹp theo thời gian mà không ảnh hưởng đến việc học hành và sức khoẻ bản thân.
Chuyên gia có thể phân tích lý do vì sao nhiều đứa trẻ, đặc biệt là độ tuổi mẫu giáo, tiểu học lại phát triển nhận thức về "tình yêu gà bông" với người khác giới?
Con người chúng ta luôn có xu hướng kết nối với người khác để tạo dựng những mối quan hệ thân mật, vì ở đó chúng ta thấy được quan tâm, được yêu thương. Trẻ em cũng như vậy, khi các bé được gần gũi và quan tâm bởi người khác, trẻ dễ phát triển thiện cảm với người đó. Còn cách gọi tên tình cảm đó là tình yêu hay không thì đó là do học được từ người lớn trong xã hội.
Chúng ta thường khá nhạy cảm với bất kỳ sự gần gũi nào giữa những người khác giới, và có xu hướng ghép đôi họ với nhau khi thấy biểu hiện này. Ở con nít, các bé càng dễ bị gán ghép vì người lớn nghĩ rằng nó vô hại, và là chủ đề thú vị để trò chuyện cùng nhau giữa những người lớn, điều này khiến trẻ em học được.
Tuy nhiên, tình cảm này ở trẻ không hề có màu sắc như cách hiểu về tình yêu của người lớn. Do đó, để trẻ không nhìn nhận sai lệch tình cảm của mình thì người lớn cũng hạn chế việc gán ghép và dùng những từ ngữ yêu đương của người lớn cho các bé.
Để trẻ nhỏ hiểu đúng tuổi nào là yêu, tuổi nào là bạn thì bố mẹ nên hướng dẫn con như thế nào?
Tình yêu thì không căn cứ trên tuổi tác, mà căn cứ trên tính chất của mối quan hệ. Tình cảm chỉ dừng lại ở sự cảm mến lẫn nhau, muốn đồng hành cùng nhau thì đó là tình bạn. Còn nếu trẻ lớn hơn, có xu hướng bị hấp dẫn về mặt thể xác thì có thể liên quan đến quá trình dậy thì ở trẻ. Nếu kết hợp cả việc trẻ hấp dẫn lẫn nhau và có sự đồng điệu về cảm xúc, chia sẻ với nhau về những tâm sự trong cuộc sống, học tập thì đó là tình yêu.
Các bậc phụ huynh không nhất thiết cấm con yêu đương, mà thực ra có cấm cũng không được vì nó rất tự nhiên và khó kìm nén. Tuy nhiên họ có thể hướng dẫn con yêu sao cho đúng, cho đẹp và cho an toàn. Để có thể theo sát và hướng dẫn cho con có những giới hạn phù hợp và phát triển những kỹ năng về giao tiếp, về thể hiện tình cảm, quản lý cảm xúc và những quan điểm về tình yêu phù hợp thì bố mẹ không nên cấm mà nên là đồng minh và là tấm gương cho con.
Chuyện giáo dục giới tính, tình dục, tình yêu luôn là những thứ con cái chúng ta thiếu, và luôn cần để bổ túc cho mình. Để con có được những trải nghiệm rung động đầu đời thật đẹp, làm hành trang cho con xây dựng đời sống tinh thần và kết nối với người yêu thương trong tương lai thì vai trò của bố mẹ trong định hướng là rất quan trọng, bố mẹ cần cập nhật kiến thức và kỹ năng về chủ đề này để dễ dàng hướng dẫn cho con hơn.