Trong trường hợp xảy ra động đất, trẻ cần đưa ra quyết định trong 8 giây để bảo vệ bản thân.
Vào ngày đầu năm mới 2024, trận động đất xảy ra ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa làm rung chuyển khu vực miền trung, Nhật Bản. Hiện nay các chuyên gia và cơ quan thẩm quyền vẫn đang đánh giá thiệt hại và khẩn trương tìm kiếm những nạn nhân còn mắc kẹt.
Theo thông tin do Phòng Động đất và Núi lửa của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản công bố, có 70-80% khả năng một trận động đất mạnh 8-9 độ richter sẽ xảy ra trong vòng 30 năm tới. Trong đó, trẻ em là đối tưởng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Bố mẹ có thể không ở bên cạnh con vào thời điểm một trận động đất lớn xảy ra. Vì vậy, người Nhật rất chú trọng đến việc hướng dẫn trẻ cách bảo vệ bản thân trong những trường hợp khẩn cấp.
Diễn tập phòng chống thiên tai tại trường mẫu giáo Kaido Hoikuen ở tỉnh Saga. Tưởng tượng rằng một đám cháy bùng lên sau trận động đất, trẻ em lấy tay che miệng khi chạy trốn đến nơi sơ tán. (Ảnh: web-japan.org)
Văn hóa sinh tồn ở Nhật Bản lớn đến mức Amazon thậm chí còn bán bộ dụng cụ sơ tán, gói và vali. Nhiều gia đình Nhật Bản có sẵn những loại gói này trong nhà và đặt ngay cửa ra vào, dặn trẻ em đặc biệt chú ý.
Những món đồ này có thể giúp trẻ sinh tồn được khoảng 3 ngày.
Giáo sư Naho Kiyonaga, người đã nghiên cứu về động đất trong hơn 25 năm và rất am hiểu về các biện pháp phòng chống thiên tai, cũng như cách trẻ em có thể tự bảo vệ mình.
Bà cho biết, trong trường hợp xảy ra thảm họa, trẻ cần đưa ra quyết định trong 8 giây, trước đó trẻ nên được học và nhớ các tư thế để bảo vệ bản thân, được mô phỏng theo tư thế của các con vật.
Trẻ nên làm gì nếu không có bố mẹ ở bên cạnh khi xảy ra trận động đất?
Theo giáo sư Kiyonaga, trong trận động đất lớn Hanshin-Awaji năm 1995, ghi nhận cường độ địa chấn tối đa là 7, hơn 6.000 người đã thiệt mạng, khoảng 3/4 trong số đó thiệt mạng trong vòng 12 giây đầu tiên. Vì điều này, người ta nói rằng 8 giây ngay sau một trận động đất lớn có thể là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Nhiều trường hợp bố mẹ không ở bên cạnh con vào thời điểm trận động đất xảy ra, chẳng hạn như khi trẻ đang xem TV ở phòng khách trong khi bố mẹ đang lau bồn tắm.
Khi trẻ từ 0 đến 1 tuổi, bố mẹ thường không thể rời xa con nhiều thời gian, nhưng từ khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu tự di chuyển đến nơi an toàn trong 8 giây đầu tiên để đảm bảo an toàn.
Vì vây, trẻ nên ghi nhớ các từ khóa và tư thế bảo vệ sự an toàn của mình. Mật khẩu khi luyện tập cùng trẻ là “Tìm thỏ, tìm chuột, bảo vệ rùa”.
Khi có thiên tai, động đất xảy ra, trẻ em là đối tưởng dễ bị ảnh hưởng nhất. (Ảnh minh họa)
Tư thế con thỏ
Giáo sư Kiyonaga từng phối hợp diễn tập phòng chống thiên tai tại các trường mầm non, mẫu giáo.
Theo đó, khi có dấu hiệu xảy ra động đất, trẻ nên cúi người theo tư thế con thỏ và tìm đến nơi an toàn.
Để tránh cơ thể run rẩy, trẻ hãy khuỵu tay chân xuống như thỏ, đồng thời nhìn lên trên, nhìn hai bên và phía sau xem có vật gì rơi xuống, đồ đạc bị đổ hay có nguy hiểm gì không.
Sau đó xác định nơi an toàn trong nhà như dưới gầm bàn, giữa phòng hoặc ở một góc mà trẻ không phải lo đồ đạc rơi xuống.
Khi có dấu hiệu xảy ra động đất, trẻ nên cúi người theo tư thế con thỏ và tìm đến nơi an toàn. (Ảnh minh họa)
Tư thế con chuột
Với tư thế này, trẻ chạy thấp như chuột và sơ tán đến nơi an toàn như dưới gầm bàn.
Giữ tư thế thấp sẽ trẻ không bị ngã ngay cả khi bàn rung chuyển, đồng thời sẽ dễ dàng bò dưới gầm bàn hơn. Khi bò dưới gầm bàn, trẻ nên giữ chéo các chân bàn để tránh bị ngã.
Tư thế con rùa
Khi trẻ đã di chuyển, hãy thực hiện "tư thế con rùa", tưởng tượng một con rùa đang rút đầu vào mai.
Trẻ cuộn người thành như con rùa nhỏ, đưa hai tay ra sau cổ, các ngón tay đan chặt vào nhau. Đưa hai tay ra sau cổ là để bảo vệ đốt sống cổ. Bởi tổn thương đốt sống cổ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tư thế bảo vệ đầu bằng cả hai tay cũng rất nổi tiếng, nhưng trong khi đầu được hộp sọ bảo vệ ở một mức độ nào đó thì đốt sống cổ không có khả năng tự vệ, vì vậy trẻ nên thực hiện tư thế con rùa.
Sau đó, trẻ che tai bằng khuỷu tay cùng một lúc, để ngăn ngừa tổn thương màng nhĩ. Nếu trẻ có thứ gì đó chắc chắn, chẳng hạn như túi hoặc sổ ghi chép, hãy sử dụng để bảo vệ đốt sống cổ của mình.
Ngoài ra, trong trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản Năm 2011, rung lắc mạnh kéo dài khoảng 3 phút. Nếu rung lắc kéo dài, thỉnh thoảng trẻ nên quay lại tư thế con thỏ từ tư thế rùa, kiểm tra sự an toàn xung quanh và hành động nếu cần thiết. Điều quan trọng là phải di chuyển đến nơi an toàn hơn bằng cách sử dụng tư thế con chuột.
Trẻ cuộn người thành như con rùa nhỏ, đưa hai tay ra sau cổ, các ngón tay đan chặt vào nhau. (Ảnh minh họa)
Trẻ từ 2 tuổi nên luyện tập như thế nào?
Ở Nhật Bản, việc luyện tập cách phòng tránh động đất cho trẻ 2 tuổi có thể được xem như hoạt động trò chơi thường ngày.
Để luyện tập, trước tiên bố mẹ Nhật hoặc giáo viên thường đứng ở nơi an toàn và ra hiệu, ví dụ "Có động đất, Pan ơi!''. Xem liệu trẻ có chạy đến chỗ bố mẹ trong tư thế con chuột trong vòng 8 giây hay không. Điều rất quan trọng là trẻ phải biết nơi nào trong nhà, trường học, khu vực công cộng nào là an toàn và trẻ có thể đến đó nhanh chóng.
Tiếp theo, hãy bắt đầu bằng việc giả định rằng các thành viên đang ở những khu vực khác nhau trong nhà.
Ví dụ: Giả sử gia đình ở các phòng khác nhau, như mẹ đang dọn dẹp phòng tắm, con đang dọn dẹp phòng khách, bố đang đi vệ sinh. Khi động đất xảy ra, trẻ chỉ có 8 giây để "Tìm (con thỏ), tìm (con chuột), và bảo vệ (con rùa).”
Trẻ trên 2 tuổi có thể thực hành cách phòng chống động đất như là hoạt động trò chơi thường ngày.
Trẻ khoảng 2 tuổi chưa có cảm giác về “8 giây”, vì vậy bố mẹ, giáo viên ở Nhật Bản thường thả rơi những đồ vật gây ra tiếng động như hộp kẹo rỗng hoặc chai nhựa trong khi đếm trong 8 giây. Điều này sẽ giúp trẻ tập di chuyển mà không hoảng sợ ngay cả khi đồ vật rơi, hay phát ra tiếng động do chấn động lớn.
Để trẻ có cảm giác 8 giây đã ăn sâu vào tâm trí, những hành động này nên lặp lại đếm to 8 giây, sau đó tiếp tục đếm và yêu cầu trẻ nhắm mắt lại.
Khi trẻ đã quen, hãy thử luyện tập ở những nơi khác nhau, chẳng hạn như nhà bếp, phòng ngủ hoặc cầu thang. Thực hành hàng ngày sẽ có ích với trẻ trong trường hợp khẩn cấp. Trẻ sống ở khu vực càng dễ xảy ra thảm họa thì dường như bố mẹ và giáo viên càng thực hiện các cuộc diễn tập sơ tán thường xuyên hơn.
Một cách dạy trẻ kỹ năng sinh tồn khi có động đất phổ biến khác ở Nhật Bản là các chuyến đi học đến Trung tâm Phòng chống Thiên tai, nơi trẻ có thể trải nghiệm những gì có thể xảy ra trong nhiều tình huống thảm khốc khác nhau.
Điều quan trọng nhất khi động đất xảy ra là trẻ tìm được nơi trú ẩn an toàn. (Ảnh minh họa)
Tìm hiểu về an toàn sơ tán rất phổ biến ở các trường học Nhật Bản. Các quy định của chính phủ Nhật Bản yêu cầu trẻ em phải được diễn tập sơ tán thường xuyên và cập nhật liên tục các thông tin liên quan đến thảm họa. Có một cụm từ đặc biệt mà hầu hết người Nhật đều biết và dạy con cái khi có động đất, đó là: 'Không chạy; không xô đẩy, không gào thét và không bao giờ quay lại'.
Đặc biệt, khi động đất xảy ra, các đồ vật như kính sẽ dễ vỡ, nếu trẻ đi chân trần ở những khu vực có kính vỡ vương vãi sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy điều quan trọng l phải trang bị giày và dép trong mỗi phòng đề phòng trường hợp khẩn cấp.