Truyện cổ tích: Chàng khổng lồ trẻ tuổi

Thi Thi - Ngày 25/06/2024 20:00 PM (GMT+7)

Câu chuyện kể về một chàng trai có sức mạnh phi thường đi chu du thiên hạ, đã ra tay trừng trị những kẻ hà tiện, keo kiệt.

Truyện cổ tích: Chàng khổng lồ trẻ tuổi - 1

Nội dung truyện cổ tích chàng khổng lồ trẻ tuổi

Ngày xưa có bác nông dân. Bác có đứa con trai nhỏ chỉ bằng ngón tay cái, nuôi bao năm trời mà không lớn thêm lên ly nào.

Một hôm, bác nông dân sắp ra đồng cày thì đứa con nhỏ nói:

– Bố ơi, bố cho con ra đồng với.

Bố nói:

– Đi với bố ra đồng à? Con ở nhà đi. Ra đó con chẳng giúp được việc gì. Con còn có thể đi lạc mất.

Tí Hon lăn ra khóc. Ông bố cho Tí Hon vào túi mang theo, để cho nó nín. Đến ruộng, bố lấy con ra, đặt nó ngồi trên luống đất mới cày. Tí Hon vừa mới ngồi thì có một người khổng lồ vượt núi bên kia lại. Bố dọa con:

– Kia kìa, con ngáo ộp đến bắt mày đấy!

Nghe thấy thế, ông khổng lồ chỉ bước vài bước đã đến bên luống cày. Ông lấy hai ngón tay khẽ nhấc Tí Hon lên ngắm và lẳng lặng mang đi. Ông bố đứng đó nhưng sợ quá không nói lời nào, nghĩ bụng, chắc không bao giờ thấy lại mặt con. Ông khổng lồ mang Tí Hon về nhà, cho nó bú. Tí Hon lớn nhanh như với tốc độ của người khổng lồ. Nuôi được hai năm, ông khổng lồ đưa nó vào rừng để thử sức. Ông bảo:

– Mày nhổ cho tao một cái cọc.

Giờ Tí Hon đã khỏe lắm rồi. Nó nhổ một cây non cả rễ. Nhưng ông khổng lồ nghĩ:

– Nó cần phải khỏe hơn thế nữa.

Ông lại đem nó về nhà nuôi thêm hai năm nữa. Thử sức lần thứ hai, nó khỏe hơn trước nhiều, nhổ được một cây cổ thụ. Ông khổng lồ thấy chưa hài lòng, lại đem về nuôi thêm hai năm nữa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hai năm sau, ông lại đưa nó vào rừng và bảo:

– Giờ hãy nhổ cho ta một cái cọc thật to xem nào!

Nó nhổ cây sồi to nhất dễ như bỡn. Nghe tiếng kêu răng rắc, ông khổng lồ nói:

– Thế được rồi. Mày đã học thành tài.

Ông dẫn nó tới cánh đồng khi xưa bắt nó. Bố nó đang cày. Nó lại gần và nói:

– Bố có nhận ra con không, giờ con to lớn cường tráng rồi.

Ông bố hoảng hốt nói:

– Không, anh không phải là con trai tôi, tôi không nhận anh đâu, anh đi đi.

– Chính con là con trai của bố, bố để con cày cho, con biết cày, có khi cày còn giỏi hơn cả bố.

Bố đáp:

– Không, không, anh không phải con trai tôi. Anh không biết cày, anh đi đi.

Ông bố thấy anh to lớn đâm sợ, bỏ cày cấy, lùi lại đứng sang một bên. Chàng khổng lồ cầm cày nom như cầm nĩa, chàng mới ấn tay xuống, cày cắm sâu xuống ruộng. Ông bố thấy vậy, kêu lên:

– Muốn cày thì đừng ấn cày sâu quá sẽ gãy cày.

Chàng khổng lồ trẻ tuổi bèn tháo ngựa, tự mình kéo cày và nói:

– Bố cứ về nhà đi. Bố bảo mẹ nấu thật nhiều để con ăn, để con cày bừa nốt.

Ông bố về nhà bảo vợ nấu ăn. Chàng khổng lồ cày một mình hai thửa ruộng lớn, cày xong chàng lắp một lúc hai cái bừa để bừa ruộng.

Khi bừa xong, chàng vào rừng nhổ hai cây sồi để làm đòn gánh gánh ngựa và cày về nhà. Chàng gánh nhẹ nhàng nom như gánh rơm. Vào đến sân, bà mẹ chưa nhận ra con nên hỏi:

– Ai mà to ghê gớm thế?

Ông bố nói:

– Con trai mình đấy.

Bà mẹ nói:

– Không, không bao giờ có chuyện đó. Mình làm gì có con to lớn thế, con mình trước kia nhỏ tí bằng ngón tay cái.

Rồi bà nói to:

– Anh đi đi. Chúng tôi không nhận anh đâu.

Chàng khổng lồ chẳng nói chẳng rằng, đi nhốt ngựa vào chuồng, cho ngựa ăn thóc ăn cỏ như thường lệ, rồi vào buồng ngồi và nói:

– Mẹ ơi, con đói lắm rồi, cái ăn đã xong chưa mẹ?

Mẹ nói: “Đã xong rồi.” Và dọn ra hai thẩu lớn thức ăn, thức ăn nhiều tới mức giá như ông bà có ăn thì ăn tám ngày mới hết. Chàng khổng lồ ăn một mình hết chỗ thức ăn và có gì ăn nữa không. Bà mẹ nói:

– Không, hết cả rồi.

– Thế mới là tráng miệng, con còn phải ăn nữa.

Bà lẳng lặng xuống bếp đặt một nồi to lên bếp – loại to như nồi nấu cám heo – nấu xong bà mang lên cho con. Chàng khổng lồ nói:

– Chỗ này và vài miếng hết.

Một mình chàng ăn hết, nhưng chàng thấy vẫn còn đói. Chàng nói:

– Bố ơi, ở nhà con ăn không được no. Bố sắm cho con một thanh sắt cứng, loại con để trên đầu gối bẻ không gãy, rồi con đi chu du thiên hạ.

Ông bố thích lắm. Ông thắng hai ngựa vào xe và đến lò rèn mua một thanh sắt to và dày, nặng tới mức vừa đủ sức kéo của hai con ngựa. Chàng bẻ thanh sắt gãy đôi như que củi, rồi chàng quăng đi. Ông bố lại thắng xe tứ mã đi, đem về một thanh sắt to dài mà bốn ngựa gắng sức mới kéo nổi. Chàng cũng bẻ thanh sắt gãy đôi, quăng đi. Chàng nói:

– Bố ơi, thanh sắt này cũng không dùng được. Bố lấy cho con thanh sắt khác to hơn.

Ông thắng xe tám ngựa đi, đem về một thanh sắt to nặng mà tám ngựa mới kéo nổi về nhà. Chàng cầm thanh sắt bẻ một mẩu ở đầu, rồi nói:

– Bố ạ, con thấy bố không thể mang về cho con thanh sắt như ý con muốn. Vậy con không ở nhà nữa.

Nói xong, chàng liền lên đường. Chàng đến làng kia, ở đó có bác thợ rèn bủn xỉn, cả đời không cho ai cái gì bao giờ, chỉ bo bo giữ của. Chàng đến xin việc. Bác nhìn chàng nghĩ bụng:

– Thằng này to khỏe chắc quai búa tốt, có nuôi cũng bõ tiền.

Bác hỏi:

– Anh lấy bao nhiêu tiền công?

Chàng đáp:

– Tôi không lấy tiền công. Nhưng cứ hai tuần, khi anh em lĩnh tiền công thì tôi chỉ xin ông hai cái đá, ông ráng chịu nhé.

Bác hà tiện thấy không phải trả tiền công thì mừng lắm. Sáng hôm sau, bác thợ cả lấy thanh sắt đỏ ra đe. Chàng khổng lồ mới quai có một búa, nhưng nó mạnh đến mức thanh sắt đứt đôi, đe lún sâu tới mức không sao kéo được lên. Bác thợ cả hà tiện cáu nói:

– Trời ơi, không thể thuê anh được. Đời nhà ai lại quay búa văng mạnh thế. Anh mới đánh được một búa thì trả công thế nào đây?

Chàng nói:

– Chỉ xin biếu ông một cái đá khe khẻ.

Chàng giơ chân đá cho bác một cái, bác thợ cả bay qua bốn đống rơm. Rồi chàng lấy thanh sắt to nhất của lò rèn làm gậy đi đường. Đến một trại kia, chàng hỏi có cần người giúp việc không. Chủ trại nói:

– Cần một người. Trông anh khỏe mạnh, chắc làm được việc. Anh muốn lấy công một năm bao nhiêu?

Chàng đáp là không cần tiền công, mỗi năm chỉ xin ông chủ chịu ba quả đấm của tôi. Chủ trại cũng là một tay keo kiệt nên lấy làm thích lắm. Sáng hôm sau tất cả gia nhân phải vào rừng kiếm củi. Mọi người đã dậy chỉ còn chàng khổng lồ vẫn nằm ngủ. Một người gọi chàng:

– Đến giờ rồi, dậy mau! Chúng tao đi kiếm củi, dậy đi cùng.

Chàng làu bàu ương ngạnh:

– Thì cứ đi đi. Tao đi sau tụi mày nhưng về trước cho mà xem.

Chàng ngủ thêm hai giờ nữa, rồi mới ra khỏi giường. Chàng lấy hai đấu đỗ trắng nấu cháo, cháo được chàng ung dung ngồi ăn xong mới đi thắng ngựa và vào rừng lấy củi.

Gần tới rừng chàng phải đi qua một quãng trũng lầy lội. Chàng kéo xe qua chỗ này rồi lộn lại nhổ cây và bụi rậm lấp chỗ trũng. Đến rừng chàng gặp mọi người đang đánh xe chở củi về. Chàng bảo họ:

– Cứ đi đi, tao sẽ về trước cho mà xem.

Chàng đi tiếp một quãng nữa rồi dừng xe. Chàng chọn và nhổ hai cây cổ thụ to nhất, rồi chất lên xe. Chàng đánh xe quay trở về. Đến chỗ đường mới lấp, chàng thấy những người kia bị nghẽn, không đi tiếp được. Chàng nói:

– Các người thấy không, nếu cứ ngủ thêm giấc nữa có phải ta cùng đi và cùng về không.

Ngựa không sao kéo được xe qua quãng đường lầy lội. Chàng tháo ngựa ra, chất luôn lên xe. Rồi chàng hai tay nắm hai càng xe. Hự một cái. Chàng kéo xe băng qua như kéo xe chở toàn lông vịt. Kéo xong, chàng nói:

– Thấy chưa, giờ thì nhanh hơn mọi người rồi.

Chàng đánh xe đi tiếp tục trong khi đó những người khác còn đứng đó. Xe đánh vào trong sân nhà, chàng cầm lấy một cây, giơ cho chủ xem và nói:

– Ông xem thanh củi này có đẹp không?

Chủ trại bảo vợ:

– Thằng này khá. Nó dậy muộn, nhưng lại về trước những thằng kia.

Quanh đi quẩn lại chàng ở trại đã được một năm. Bọn đi ở được lĩnh tiền công. Chàng nghĩ, đã đến lúc mình cũng phải lĩnh tiền công. Ông chủ sợ phải ăn những quả đấm của chàng nên cố xin hoãn, muốn gạ cùng chàng thay bậc đổi ngôi, thầy xuống làm tớ, tớ lên làm thầy. Chàng nói:

– Không, tôi chẳng muốn làm thầy. Tôi là người ở, tôi cứ giữ địa vị người ở. Tôi giữ đúng như trong bản giao ước.

Chủ trại hứa xin gì cũng cho, nhưng nói thế nào chàng cũng trả lời “Không”. Không biết làm thế nào, ông xin để mười bốn ngày suy nghĩ. Chàng đồng ý như vậy. Chủ trại bèn họp tất cả gia nhân lại để xem ai có kế gì không. Họ suy đi tính lại rồi đồng thanh nói:

– Đụng vào thằng ấy toi mạng dễ như bỡn. Nó đập chết người như đánh muỗi.

Họ bàn, nên sai chàng xuống nạo giếng, khi chàng đang ở dưới đáy giếng thì ở trên lăn đá cối xay xuống cho vỡ đầu để chàng chẳng bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời nữa.

Chủ trại cho là kế hay. Chàng khổng lồ bằng lòng đi nạo giếng. Khi chàng xuống tới đáy giếng, họ liền lăn đá cối xay to nhất xuống, tưởng thế nào chàng cũng vỡ đầu. Nhưng họ nghe tiếng chàng gọi lên:

– Này, ở trên ấy đuổi gà hộ, nó bớt cát rơi xuống, bụi vào mắt nên chẳng nhìn thấy gì cả.

Ông chủ kêu: “Husch! Husch!” giả vờ đuổi gà.

Nạo giếng xong, chàng lên bờ nói:

– Trông này, tôi đeo cái vòng cổ có đẹp không.

Đó là cái thớt đá to choàng vào cổ chàng.

Giờ chàng lại đòi tiền công, nhưng chủ lại xin khất mười bốn ngày nữa, để nghĩ.

Tất cả gia nhân lại tụ họp để bàn cách đối phó. Họ bàn, sai chàng đến xay bột ban đêm ở nhà xay có ma. Chẳng một ai đến đấy mà về được. Chủ cho là kế hay, gọi ngay chàng đến và bảo:

– Nhà cần bột. Mang tám thùng lúa mì đến nhà xay, xay ngay tối nay ở đó.

Chàng nhét hai thùng vào túi áo bên phải, hai thùng vào túi áo trái. Bốn thùng cho vào bao dài vắt ngang vai thành ra hai thùng ở trước ngực, hai thùng đằng sau lưng. Rồi chàng đến nhà xay. Chủ nhà xay bảo chàng biết, rằng xay ban ngày thì không việc gì, nhưng ai xay ban đêm thì sáng hôm sau người ta thấy chết nằm ở trong nhà xay. Chàng đáp:

– Cháu có cách thoát được. Ông cứ yên tâm đi ngủ cho kỹ.

Rồi chàng vào nhà xay, đổ lúa mì vào cối xay. Khoảng mười một giờ khuya chàng vào ngồi trên ghế trong buồng chủ xay. Lát sau, cửa tự nhiên mở. Một cái bàn lớn đi vào. Rượu nho, thịt quay và nhiều món ăn ngon tự nhiên theo nhau nhảy lên bàn mà chẳng cần người bưng lên. Ghế tự động xê xích lại. Không thấy người, chỉ thấy bàn tay cầm dao, nĩa lấy thức ăn cho vào đĩa. Chàng đói bụng lại thấy đồ ăn ngon, liền ngồi vào bàn ăn tới kỳ no nê thỏa thích. Khi chàng ăn đã no và những người khác đã vét sạch đĩa của họ, thì có tiếng thổi phụt một cái. Hình như có ai bạt tai chàng. Chàng nghĩ bụng:

– Nếu bạt tai ta cái nữa, ta sẽ nện lại.

Bị tát cái thứ hai, chàng đánh lại ngay. Hai bên đánh nhau túi bụi mãi đến tang tảng sáng mới thôi. Sáng hôm sau, ông chủ nhà xay chạy đến xem chàng ra sao, ông ngạc nhiên khi thấy chàng còn sống. Chàng kể:

– Cháu được ăn uống no nê thỏa thích. Cháu bị tát nhưng cháu cũng tát lại ra trò.

Ông chủ lấy làm mừng vì nhà xay như vậy sẽ không còn ma nữa. Ông hỏi chàng thích có bao nhiêu tiền ông thưởng cho. Chàng đáp rằng, chàng có đủ tiền tiêu, không muốn lấy. Chàng vác những bao bột về trại, báo với chủ công việc đã làm xong và xin tiền công.

Nghe nói đến tiền công, chủ trại hoảng hồn, Ông đi đi lại lại trong buồng toát cả mồ hôi mà chưa nghĩ ra kế. Ông mở cửa sổ cho thoáng thì bất ngờ bị chàng khổng lồ đá cho một cái, bay qua cửa sổ tít lên trời. Chàng khổng lồ lại bảo bà chủ trại:

– Nếu ông không trở lại thì bà phải chịu cái đá khác.

Bà chủ kêu:

– Không, không. Tôi không chịu nổi đâu.

Bà sợ toát mồ hôi trán, mở cửa sổ khác cho thoáng liền bị chàng khổng lồ đá cho một cái, bà bay lên cao hơn ông vì bà nhẹ hơn. Ông réo gọi bà:

– Bà mày lại đây!

Bà đáp:

– Ông lại đây, chứ tôi không lại ông được.

Hai ông bà cứ lơ lửng trong không trung, không ai lại gần ai được. Không biết giờ họ còn bay lơ lửng nữa hay không tôi cũng không biết. Còn chàng khổng lồ lại cầm gậy sắt lên đường.

Truyện cổ tích: Chàng khổng lồ trẻ tuổi - 3Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui

Truyện cổ tích: Chàng khổng lồ trẻ tuổi - 4

1

Bác nông dân có người con trai, được ví nhỏ như vật gì?

Ngón chân.

Ngón tay.

2

Con trai bác nông dân tên là gì?

Tí Hon.

Tí Nị.

3

Bác nông dân cho Tí Hon vào vật gì để đưa cậu bé ra đồng?

Chiếc túi.

Chiếc gùi.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Truyện cổ tích: Chàng khổng lồ trẻ tuổi - 5

Truyện cổ tích: Chàng khổng lồ trẻ tuổi - 6

Truyện cổ tích: Sự tích các loài hoa
Câu chuyện nói về nguồn gốc vẻ đẹp và hương thơm của các loài hoa.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi Sưu tầm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Câu chuyện kể về tấm lòng hiếu thảo của người con Út, được chim thần mách cho lá thuốc hay cứu sống mẹ.

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé