Truyện cổ tích: Sự tích cây chổi

Thi Thi - Ngày 27/11/2022 19:50 PM (GMT+7)

Câu chuyện giải thích tục lệ không quét nhà vào 3 ngày tết của người Việt, đồng thời nhắc nhở chúng ta không nên làm trái những gì pháp luật đã quy định.

Truyện cổ tích: Sự tích cây chổi - 2

Nội dung truyện cổ tích sự tích cây chổi

Xưa kia, trên thiên đình có một đầu bếp rất giỏi. Tất cả các món ăn đã qua tay bà chế biến thì chỉ cần nếm một lần là không thể quên được. Vì vậy, Ngọc Hoàng, giao cho bà toàn quyền trông nom công việc nấu ăn cho mình.

Trên nhà trời có đặt ra một luật lệ là tất cả người hầu kẻ hạ đều có thức ăn riêng. Như thế nghĩa là không ai được phép đụng đũa vào các món ăn của Ngọc Hoàng, kể cả khi Ngọc Hoàng ăn thừa cũng vậy.

Nhưng bà bếp trưởng lại rất tham lam và hay ăn vụng. Tính xấu đó đã khiến bà nhiều lần tìm cách ăn vụng làm kho thức ăn của nhà trời bị hao hụt.

Tuy không còn trẻ, nhưng bà ta vẫn phải lòng một lão chăn ngựa trên thiên đình. Đời sống của những người chăn ngựa thì ở cõi trời cũng như cõi đất đều cực khổ không kém gì nhau.

Lão ta có tính xấu là rất hay uống rượu. Từ khi gặp bà bếp trưởng, cuộc sống của lão dễ chịu hơn nhiều. Không những lão ta có rượu uống thoả thích mà còn rất hay được ăn các món ngon vật lạ của nhà Trời.

Sự việc cứ tiếp diễn như thế cho đến một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế mở tiệc đãi quần thần. Hôm đó, nhà bếp bận tíu tít từ sáng đến tối. Vì phải chuẩn bị rất nhiều món ngon nên đến chập tối, khi ánh trăng lên sáng vằng vặc, bữa tiệc mới bắt đầu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lúc cỗ bàn đang được bày lên, bà bếp trưởng chợt nghe thấy tiếng lão chăn ngựa hát từ đằng xa. Bà biết ông ta tìm mình nên lật đật chạy ra đón, rồi giấu kỹ vào một góc, đưa cho lão mấy chén rượu ngon nhất thiên đình. Sau đó, bà quay lại làm nốt các món còn dở.

Về phần lão chăn ngựa, khi nuốt xong mấy chén rượu lấy làm khoái chí lắm. Rượu ngon thì ngon thật đấy, nhưng lão còn đang rất đói nữa. Đi chăn ngựa về, lão đã ăn gì đâu. Mà thực ra, lão đã ăn vụng cơm nhà trời quen rồi.

Bây giờ cơm dành cho mình, lão không nuốt được nữa. Bụng đói, thêm mấy chén rượu lại càng cồn cào hơn. Trong hơi men choáng váng, lão lần mò tìm được một mâm toàn cao lương mỹ vị đặt gần đó. Lão bốc lấy bốc để, ăn ngấu ăn nghiến.

Rủi thay, đó chính là các món nấu cho Ngọc Hoàng. Khi người lính hầu bưng lên, bát nào bát nấy đều có dấu vết rõ ràng là đã có người nếm trước. Ngọc Hoàng thượng đế nổi cơn thịnh nộ. Tất cả mọi người trong bữa tiệc đều rất sợ hãi. Bà bếp trưởng cúi đầu nhận tội cùng lão chăn ngựa.

Vì cả hai đã vi phạm một trong những điều cấm của Thiên đình nên bị đày xuống trần gian làm chổi để suốt ngày suốt tháng phải làm việc không nghỉ và phải tìm thức ăn ở những nơi rác rưởi dơ bẩn của trần gian. Đây cũng là một hình phạt nặng nhất của thiên đình.

Về sau, thấy phạm nhân phải làm việc khổ sai quanh năm suốt tháng, không lúc nào ngơi tay, Ngọc Hoàng thương tình gia ân cho họ được phép nghỉ ba ngày trong một năm. Đó là ba ngày tết Nguyên đán. Đến tận bây giờ, cho mãi đến sau này, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà trong ba ngày Tết là vì vậy.

Người Việt ta có một câu đó rất hay về cái chổi “Trong nhà có một bà hay la liếm”. Không những câu đó mô tả một cách xác thực động tác quét nhà mà còn có ngụ ý gợi nhớ câu chuyện sự tích cây chổi.

Truyện cổ tích: Sự tích cây chổi - 4

Bài học hay từ truyện cổ tích

Câu chuyện giải thích tục lệ không quét nhà vào 3 ngày tết của người Việt, đồng thời nhắc nhở chúng ta không nên làm trái những gì pháp luật đã quy định.

Câu chuyện giải thích tục lệ không quét nhà vào 3 ngày tết của người Việt, đồng thời nhắc nhở chúng ta không nên làm trái những gì pháp luật đã quy định.

Truyện cổ tích: Người học trò và ba con quỷ
Nội dung câu chuyện kể về một chàng học trò can đảm đã ra tay trừng trị loài quỷ hay quấy nhiễu người dân.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con tình cảm