4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia

Hạ Mây - Ngày 24/06/2022 18:54 PM (GMT+7)

Những câu chuyện cổ tích thế giới giúp trẻ khám phá về đời sống, văn hóa của các quốc gia, mẹ nên kể con nghe thường xuyên.

4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia - 1

4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia - 2

Đất quý, đất yêu - Truyện cổ tích Ethiopia

Ngày xưa, có hai người khách du lịch từ châu Âu đến nước Ethiopia. Họ đi khắp đất nước thăm đường sá, núi đồi, sông ngòi.

Vua nước Ethiopia mời họ vào cung. Vua chúc mừng họ, mở tiệc chiêu đãi và tặng họ nhiều vật quý. Sau đó, via sai quan hầu đưa khách xuống tàu.

Lúc hai người khách định bước xuống tàu, quan hầu bảo khách dừng lại, cởi giày ra. Họ cạo sạch đất ở đế giày rồi mới để khác xuống tàu trở về châu Âu. Hai người khách rất ngạc nhiên, nghĩ mãi về tập quán kì lạ của người Ethiopia. Họ hỏi:

– Tại sao các anh lại phải làm như vậy?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lúc đó quan hầu mới trả lời:

– Vua nước chúng tôi dặn đưa các ông đi, chúc các ông lên đường bình yên. Ngài còn dặn chúng tôi: các ông là người ở nước xa xôi tới đã thấy mảnh đất giàu đẹp ở nước chúng tôi.

Đó là mảnh đất quý của chúng tôi. Chúng tôi ở đây, chết cũng ở đây. Trên mảnh đất này, chúng tôi nghỉ ngơi sau khi lao động. Trên mảnh đất này, chúng tôi trồng trọt chăn nuôi. Đất Ethiopia là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt của chúng tôi.

Chúng tôi đã tiếp các ông như những khác quý. Nhà vua đã tặng các ông nhiều sản vật quý hiếm. Song đất Ethiopia đối với chúng tôi là thiêng liêng, cao quý nhất. Chúng tôi không thể để các ông mang đi, dù chỉ là một hạt cát nhỏ.

4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia - 4

Người vợ bép xép - Truyện cổ tích Nga

Ngày xửa ngày xưa, có anh nông dân nọ có chị vợ miệng bép xép như miệng sáo. Không chuyện gì chị ta giữ kín dược, cứ ngứa ngáy phải nói cho hàng xóm láng giềng biết mới chịu thôi. Chẳng những chị ta kể những điều mắt thấy tai nghe mà chị ta còn thêu dệt ra nữa. Chuyện nhỏ như cái kim, qua miệng chị ta, to bằng tấm liếp.

Một hôm, anh chồng vào rừng hái củi. Anh ta vừa đặt chân lên một mô đất, bỗng mô đất sụt xuống, suýt nữa thì ngã. Cái gì thế này? Anh ta bẻ một cành cây thọc thọc, nghe cồm cộm.

Thế là anh ta đào và được một hũ vàng. Anh ta nghĩ bụng: “Của trời cho nhưng đưa làm sao về nhà được. Vợ mình bép xép thế kia, chỉ trong chốc lát là cả làng biết, phiền quá”. Anh ta không biết tính sao.

Một lúc, anh ta đem cái hũ vàng để lại chỗ cũ, lấp đất bằng phẳng rồi trở về nhà, cơm nước xong là đi ngủ. Hôm sau, anh ta dậy thật sớm, lấy trong chạn chồng bánh nướng mà chị vợ nướng từ tối định đưa đi chợ bán, lại đến chuồng thỏ bắt một chú thỏ con, rồi đi qua ao chúa đất gần đấy, câu trộm một con cá chép và vác búa vào rừng.

Dọc đường, cứ mỗi chặng anh ta treo một tấm bánh nướng vào cành cây, con cá chép anh ta cột trên ngọn cây thông, còn con thỏ anh ta úp trong một chiếc nơm đặt xuống gần bìa rừng. Xong xuôi, anh ta trở về nói thầm vào tai chị vợ.

– Nhà ơi! Chẳng hiểu ra làm sao mà hôm nay tôi thấy nhiều chuyện lạ lắm. Tôi nói với nhà, nhà đừng nói với ai nhé.

Chị vợ gắt:

– Anh đã thấy tôi nói với ai chuyện gì chưa nào. Tôi chả nói với ai bao giờ cả. Chuyện gì? Nói đi. Tôi đâu phải hàng đàn bà bép xép.

– Này, nhà ơi! Tôi đào được một hũ vàng.

– Đâu? Đâu?

– Ở trong rừng ấy.

– Trời ơi! Đi vào mà bưng về nhà ngay đi. Không thì người ta lấy mất.

– Nhưng nhà đừng nói với ai đấy, phiền lắm.

– Biết rồi, nhanh lên. Anh và tôi cùng đi bưng về.

Thế là hai vợ chồng cùng đi. Bỗng chị vợ trông thấy những chiếc bánh nướng treo lủng lẳng trên cành cây, kêu lên:

– Anh ơi, nhìn kia kìa! Bánh nướng trên cành cây.

– Tôi thấy từ chiều hôm qua rồi. Mua bánh nướng đây. Một đám mây bay qua, rồi thì rơi lả tả từng chiếc.

Chị vợ trố mắt nhìn, không nói gì nữa.

– Anh ơi, anh nhìn kìa. Trên ngọn thông có một con cá chép.

Anh chồng trèo lên cây thông bắt cá xuống, rồi hai người lại đi. Một lúc đến chỗ suối có con thỏ nằm trong nơm. Lần này thì anh chồng kêu to:

– con thỏ! Con thỏ úp trong nơm! Bắt về làm thịt trưa thì tuyệt.

Rồi anh ta bắt chú thỏ bỏ vào đãy.

Hai vợ chồng đến nơi chôn hũ vàng. Họ đào lên, mang về. Trời chập choạng tối. Đi qua nhà chúa đất, họ gặp một đàn bò. Một con bò cái đứng lại rống lên ò ò.

Chị vợ nói với anh chồng:

– Con bò nhà ai rống phải không?

– Không phải đâu, con mà nó đến hành lão chúa đất đấy. Nhà bước nhanh lên.

– Ma à?

– Thì tôi đã nói với nhà con ma nó đến hành lão chúa đất mà. Đêm nào chả thế, cứ tối là nó đến nó đánh. Tiếng rống là tiếng lão chúa đất kêu đau quá.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về đến nhà, chị vợ đi ngủ. Anh chồng loay hoay chôn hũ vàng vào góc nhà rồi mới lên giường nằm.

Chị vợ giữ kín được một hôm, hai hôm, đến hôm thứ ba thì chị ta sang hàng xóm mách những chuyện lạ chị ta trông thấy, kể cả chuyện đào được hũ vàng. Nhưng cái hũ thì không còn là cái hũ nữa mà thành cái chum. Thế là chuyện cái chum vàng truyền từ miệng người này qua miệng người kia đến tai lão chúa đất. Lão chúa đất đến nhà anh nông dân nọ dọa:

– Mày đào được chum vàng trên khu đất nhà tao phải không? Khôn hồn thì mang trả cho tao. Cái chum vàng ấy thuộc quyền sở hữu của tao, mày biết chứ!Anh nông dân chối:

– Bẩm ông, vàng bạc ở đâu? Làm gì có chuyện đó? Con xin thề với ông là không có đâu ạ! Chắc là vợ con nó bịa đặt ra rồi nói với hàng xóm chứ gì! Nó vẫn thường thế đấy! Khốn khổ!

Chị vợ đứng đấy, cãi lại:

– Sao? Tôi bịa đặt ra à? Chẳng phải là anh với tôi đã đào được cả chum vàng trong rừng là gì?

Lão chúa đất mừng rỡ, nói:

– Còn chối nữa không? Chính miệng vợ mày nói ra, chứ ai mà bảo người ta nói oan cho mày! Chum vàng ở đâu? Mang ra!

Anh nông dân vẫn chối:

– Bẩm, không có đâu ạ! Ông cứ hỏi lại nhà con khắc biết.

Lão chúa đất ngoảnh lại phía chị ta hỏi:

– Chồng mày vẫn chối đây đẩy! Mày thấy gì thì cứ nói ra!

Chị ta liền kể một tràng:

– Chẳng phải hôm kia, anh và tôi đi vào rừng, dọc đường còn thấy bao nhiêu chuyện lạ nữa, anh quên rồi sao? Nào là mưa bánh nướng, những chiếc bánh nướng rõ to, treo trên cành cây…

Lão chúa đất mắng:

– A, cái con này, nó nói gì vậy?

Chị ta vẫn bô bô:

– Bẩm ông, con thấy gì con nói nấy. Con chẳng bịa đặt điều gì cả. Những chiếc bánh nướng rõ to treo trên cành cây… Rồi chúng con đến một gốc cây thông có con cá chép nằm trên ngọn, nhà con treo lên bắt nó về rán ăn trưa…

Anh chồng ngắt lời vợ:

– Bẩm ông, ông thấy chưa! Nó nói mà cũng chẳng biết nó nói gì nữa!

Chị vợ không chịu làm thinh:

– Chẳng phải hôm kia anh mang con cá chép bằng này về rán là gì? Anh còn bắt cả con thỏ nằm trong cái nơm dưới suối ven rừng về làm thịt. Còn chối nữa thôi? Tôi thấy thế nào thì tôi nói thế ấy. Tôi chẳng bịa đặt điều gì cả.

Tên chúa đất trợn tròn mắt, há hốc mồm:

– Cá chép nằm trên cây! Thỏ úp trong nơm cá! Con mẹ kia điên rồi thật!

Anh chồng được thể nói luôn:

– Bẩm, bấy lâu nay, nhà con cứ như người bị ai lấy mất hồn, nói lảm nhảm, chẳng đâu vào đâu. Chắc là cơn điên lại nổi lên rồi đấy!

Chị vợ vặc lại:

– Tôi điên à? Còn cái chum vàng, cũng là tôi bịa đặt ra sao? Lúc về gần đến nhà thì nghe tiếng rống, tiếng rống của ngài chúa đất bị ma hành…

Nghe nói thế, lão chúa đất cho là chị ta điên thật và đang lên cơn, liền kêu lên:

– Con mẹ này mất trí thật rồi! Ta rống lúc nào? Ma quỷ nào đến hành ta?

Chị này vẫn khăng khăng cãi:

– Đúng như thế đấy ạ! Hôm ấy, đúng có con ma đến hành ngài. Chúng con nghe rõ tiếng ngài rống. Ngài cứ nhớ lại đi mà xem!

Lão chúa đất mắng át đi:

– Con mẹ điên kia! Đừng nói lảm nhảm nữa!

Anh chồng nói tiếp:

– Thì con đã thưa với ông lúc đầu. Nhà con nó có nói đúng cái gì đâu! Nó mất trí rồi mà! Khổ thân tôi!

Lão chúa đất bỏ ra về. Anh nông dân giữ hũ vàng làm của. Từ hôm đó, chị vợ chừa thói bép xép, biết chuyện gì là để bụng, chẳng dám nói với ai, mà nói gì cũng chẳng ai tin!

4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia - 6

Chàng Lihik và nàng Ma Talah - Truyện cổ tích Ấn Độ

Ngày xưa có hai người yêu nhau, người con gái tên là Ma Talah, người con trai tên là Lihik. Hai người yêu nhau rất say đắm và chung thủy, nhưng vì không cùng chung một làng nên cha mẹ, họ hàng đều rầy la, tìm mọi cách chia rẽ hai người.

Nơi đầu làng có một gò đất nhỏ, có chất một đống rơm, họ lấy làm nơi hẹn hò gặp gỡ. Ngày ngày cứ xong bữa chiều, nàng và chàng lại ra nơi hẹn hò để cùng nhau trao đổi tâm tình, than duyên trách số cho mãi đến khuya mới chia tay ra về.

Rồi một đêm nọ, như thường lệ, người con gái đến bên đống rơm chờ chàng. Hôm đó, người con trai có chút việc bận nên ra chỗ hẹn hơi muộn. Khi chàng đến nơi thì không thấy người yêu đâu cả. Tìm loanh quanh một lúc, người con trai mới thấy chiếc khăn của người yêu đánh rơi cạnh đó. Như có linh tính báo chuyện không lành xảy ra với người yêu, chàng cảm thấy hoảng hốt và lo sợ, cầm lấy khăn của người yêu lủi thủi đi về.

Đêm ấy, chàng Lihik lo lắng, đứng ngồi không yên cho đến tận sáng. Khi nghe tiếng con chim bìm bịp vừa gọi sáng, chàng Lihik mở cửa đi ra chỗ đống rơm nọ để xem xét.

Đúng như điều chàng suy đoán, nàng bị con Hà Niêu đực (con tinh cọp hình người), rình bắt đi làm vợ, chứ không phải bị thú dữ vồ ăn thịt, vì không thấy vết máu chảy, hoặc có dấu vết gì chứng tỏ điều đó. Chàng buồn bã trở về nhà nghĩa cách tiêu diệt Hà Niêu, cứu người yêu.

Từ hôm đó, Lihik thường hay lui tới thăm hỏi những người làng hay lên buôn bán ở vùng núi cao. Cuối cùng, chàng ngỏ ý muốn cùng được đi buôn theo. Những người này đều vui lòng cho chàng đi cùng.

Được họ nhận lời, chàng về nhà chuẩn bị các thứ cho chuyến đi buôn sắp tới. Họ đã hẹn ngày lên đường. Sau mấy ngày trèo đèo lội suối, ngủ rừng, ngủ bụi, đoàn người đã lên đến những buôn làng xa tít tắp chân trời và ngọn núi liền nhau làm một.

Đến một khu rừng nọ, có những cây to bằng mấy người ôm, không một dấu chân người, Lihik đoán chắc đây là vùng Hà Niêu ở, nên trong lúc mọi người đi cùng không để ý, chàng liền tách ra, luồn vào rừng sâu, trèo hết ngọn núi này sang đến bờ khe khác, chui hết hang sâu này đến hang nông nọ để tìm nơi Hà Niêu.

Chàng đi như vậy đã mấy hôm liền mà vẫn chưa tm thấy người yêu. Rồi một buổi chiều, đến một cái hang nọ, trước cửa hang có cây to bằng mấy người ôm, ngước nhìn hút tầm mắt chưa hết ngọn, Lihik thấy Ma Talah đang ngồi trên một đống lửa trước miệng hang.

Chàng mừng quá vội lên tiếng gọi. Ma Talah giật mình ngoảnh lại. Thấy đúng chàng Lihik, nàng vô cùng sung sướng. Nhưng nàng trấn tĩnh ngay được. Nàng ra hiệu cho Lihik không được nói to. Rồi nàng chạy nhanh đến bên người yêu nức nở khóc. Mãi sau này nàng mới hỏi được là ai đã chỉ cho chàng biết nơi này và làm thế nào chàng đến đây được.

Đang mải chuyện chưa dứt, bỗng gió bão nổi lên ầm ầm. Biết là Hà Niêu đực sắp về, nàng Ma Talah vội khuyên chàng Lihik hãy bình tĩnh chạy trốn và tìm cách nhanh giết con tinh cọp. Theo tay chỉ của nàng Ma Talah, Lihik trèo vội lên cây đại thọ cao nhất trước của hang.

Vừa trèo lên được tới ngọn, chàng nhìn xuống đã thấy Hà Niêu đực ngoạm một con thú đi tới. Nó đến trước mặt nàng Talah, mắt đỏ ngó láo liên, khịt mũi, rồi hỏi nàng:

– Có người lạ đến đây, hình như còn quanh quẩn đâu đây. Để ta xem kẻ nào lớn gan làm vậy?

Nàng Talah nghe Hà Niêu nói vậy, biết là không thể giấu nó được nên tỏ vẻ âu yếm nói với nó:

– Có ai là kẻ gian lại cả gan đến chốn này đâu. Chỉ có người anh tôi vừa lặn lội tìm đến thăm. Vì lúc ông đem tôi lên đây thì cả nhà, cha mẹ, anh em đều nhớ nhung thương tiếc, nên mới cho anh tôi đến tìm. Nhưng vì sợ ông không ưng nên anh tôi tạm lánh trên ngọn cây cao kia.

Hà Niêu đực nghe Talah nói liền tưởng thật nên bảo nàng cho gọi người anh xuống để anh em được gặp mặt chuyện trò. Nàng Talah nhìn Hà Niêu có vẻ thực bụng, lấy làm vững lòng, gọi Lihik xuống.

Tối hôm ấy, chàng Lihik được con cọp đón tiếp như người nhà. Chàng lựa nói với Hà Niêu rằng chàng rất mừng khi thấy em gái sống yên lành, và ngày mai chàng sẽ trở về báo tin cho gia đình biết. Hà Niêu nghe vậy liền bảo chàng Lihik hãy cố nán đợi để mình đi kiếm thức gì về gửi làm quà biếu cho cha mẹ.

Suốt đêm hôm ấy, cả chàng Lihik  và nàng Talah trằn trọc không ngủ tìm mưu kế. Riêng Hà Niêu, vì không hay biết gì nên vẫn ngáy ngon lành.

Khi tiếng con gà rừng vừa gọi sáng, Hà Niêu đã thức giấc. Nó nhẹ nhàng chui ra khỏi miệng hang rồi phóng nhanh vào rừng sâu. Chờ Hà Niêu đi khỏi, hai người cũng ra khỏi hang, lấy củi lấp cửa hang lại, rồi nổi lửa đốt. Thấy lửa bén đã kỹ, họ dắt nhau chạy xuống núi nhằm hướng đông mà chạy.

Hai người lặn lội được một lúc thì đến một thung lũng có một con sông rộng, nước chảy mạnh như thác đổ. Trong lúc hai người đang loay hoay bối rối tìm cách qua con sông thì có một con thỏ trong bụi cạnh đấy chui ra hỏi:

– Hai người muốn đi qua con sông này phải không?

Chàng Lihik và nàng Ma Talah liền thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho thỏ nghe, những mong thỏ may ra có thể có cách gì giúp mình vượt sông. Thỏ nghe hai người kể xong, bèn thưa:

– Hai người cứ đi mau theo dòng sông này, chừng nửa dặm sẽ có một bến đò, rồi nhờ họ đưa qua. Tôi đợi đây đón đường và lừa Hà Niêu, nếu nó đuổi theo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hai người hết lời cảm ơn rồi hối hả đi theo lời mách của thỏ.

Nói về con Hà Niêu đực, từ khi chui ra khỏi hang thì chạy khắp rừng sâu để lùng bắt mồi. Mãi đến trưa mới về được một con lợn rừng, nó bèn vội mang về. Nhưng khi về tới nơi thì đã thấy đống lửa đang cháy rừng rực trùm kín cửa hang. Hà Niêu lăn lộn tìm đường vào hang cứu hai đứa người nhưng không được nữa.

Hà Niêu gọi Talah và “người anh trai vợ” đến khản cả tiếng, nhưng chỉ nghe thấy tiếng nhại lại của núi rừng, mà chẳng nghe tiếng đáp lại của hai người. Biết mình đã mắc lừa, Hà Niêu lồng lộn tức giận, gầm lên như điên dại, rồi phóng nhanh xuống núi đuổi theo hai người.

Từ xa, thỏ thấy Hà Niêu với vẻ hung hăng lồng lộn, đang phóng thục mạng về phía mình, bèn lựa lời nói:

– Chào ngài Hà Niêu. Có việc gì vội thế? Chắc ngài đang đuổi theo cặp trai gái vừa dắt nhau qua đây?

Hà Niêu nghe thỏ nói có hai người đi qua đây, liền hỏi ngay:

– Ngươi thấy hai người qua đây lâu chưa? Chúng nó đi theo đường nào? Hãy chỉ cho ta mau!

Nghe giọng nói hách dịch của Hà Niêu, thỏ đã bực nhưng vẫn làm ra vẻ từ tốn trả lời:

– Ngài làm gì mà nóng thế. Hãy ngồi nghỉ để nghe tôi kể. Đúng là có hai người qua đây, không biết từ đâu tới và họ đã nhờ tôi đưa đường giúp qua sông này. Nếu ngài cần tôi sẽ giúp. Ngài hãy vào rừng lấy về đây một vác dây mây.

Nghe nói vậy, Hà Niêu liền nhảy ngay vào rừng. Một thoáng sau nó vác về một đống mây nước. Thỏ lại bảo Hà Niêu dùng mây đan thành một cái giỏ hai đầu to ở giữa thắt lại. Sau đó thỏ lại bảo Hà Niêu nhặt một hòn đá to bỏ vào một đầu, rồi chui vào đầu giỏ kia.

Thỏ nói dối rằng đó là cái đò để giúp Hà Niêu vượt sông được chóng và chắc chắn, cho đá vào để khi sang ngang sẽ không bị trôi theo dòng thác. Hà Niêu tuy to xác, hung dữ nhưng tối trí, nên nghe thỏ nói sao thì làm theo vậy. Hà Niêu vừa nhảy xuống sông thì chìm nghỉm tức khắc.

Lại nói về chàng Lihik và nàng Talah, theo lời thỏ, hai người đi một lúc thì đến một bến đò. Trên bến có hai người đàn ông mặc toàn đồ tang, đầu cũng bịt khăn trắng. Nhìn thấy có hai người xuống bến đò, họ liền chèo thuyền độc mộc tới, hỏi:

– Hai người định qua sông phải không? Chúng tôi là người tu hành, sống ở bến sông này từ lâu, chuyên đưa người qua sông làm phước. Nhưng chiếc đò không thể chở một lúc hai người, phải làm hai chuyến. Vậy ai sang trước thì hãy bước xuống để chúng tôi đưa sang ngay kẻo lỡ.

Suy nghĩ một lúc, Lihik cho người yêu sang trước. Hai người lái đò là hai vị thầy tu Paseh: một vị đã lên chức Paseh puah, chức cao nhất, trong đạo Bà La Môn. Vị kia mới lên chức Paseh liah, tức thầy nhì. Trước nhan sắc kiều diễm của nàng Talah, cả hai vị tu hành đều ngây ngất đắm say. Cả hai đều thầm muốn chiếm đoạt người con gái đẹp.

Khi chiếc thuyền độc mộc vừa cập bến thì bỗng nhiên thầy Paseh liah ngã lăn ra chết. Vị tu hành kia vẫn thản nhiên giục nàng Talah lên bờ, mắt đăm đắm không rời nàng. Thấy vậy nàng Talah giật mình hoảng sợ. Nhưng rồi nàng trấn tĩnh được ngay để tìm cách đối phó. Nàng suy nghĩ rất nhanh, rồi lựa lời hỏi lão:

– Lạ quá ! Chẳng hay chiếc gậy của thầy dùng làm gì mà một đầu nhọn một đầu tù?

Vị thầy tu nghe nói hỏi bèn cười tít mắt đáp:

– Đây là chiếc gậy thần, đầu nhọn dùng để cứu người, đầu tù dùng để giết người.

Nàng Talah sực nhớ lúc đò sắp cập bến, lão ta quả có cầm gậy này chỉ vào kẻ xấu số nọ, và người đó ngã lăn ra chết tức khắc. Nàng hơi hoảng, nhưng ngay lúc đó nghĩ ra được kế hay. Đến bên hắn, nàng trầm trồ khen hắn là người tài cao đắc đạo nên mới có được cây gậy thần quý giá như vậy. Ra vẻ âu yếm, nàng thỏ thẻ:

– Người có thể cho em chiêm ngưỡng cây gậy quý này một lát được chăng?

Tưởng đã chiếm được lòng nàng, vị thầy tu háo sắc không hề lưỡng lự liền đưa gậy cho nàng. Cầm cây gậy trên tay, nàng tấm tắc khen, rồi bất thình lình trong lúc thầy tu sơ ý, nàng liền chỉ ngay đầu tù vào gáy hắn.

Lão thầy tu hám sắc lăn ra đất chết liền. Vì Talah và người yêu lạc nhau, chờ mãi cũng không gặp, nàng đành lấy y phục của tên thầy tu để cải trang thành người tu hành, cầm cây gậy thần nhằm hướng đông đi tới.

Đến một xứ nọ, nàng thấy một đoàn người toàn đàn bà con gái, đang đi đội nước từ cái giếng đầu làng. Nàng hỏi một người con gái:

– Chẳng hay bữa nay làng ta có hội gì lớn mà nhộn nhịp vậy?

Người con gái nọ lễ phép đáp:

– Thưa thầy, hôm nay là lễ hoả táng cho công chúa Hala Muk của chúng tôi vừa mới qua đời.

Thầy tu cải trang tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi nói to, cố ý để mọi người đều nghe tiếng:

– Sao không cứu công chúa sống lại mà lại hoả táng? Bên xứ tôi, nếu người lương thiện bị chết thì được cứu cho sống lại. Tôi là Paseh đã từng cải từ hoàn sinh cho nhiều người.

Cả đám đội nước nghe vậy liền hối hả về triều báo cho nhà vua biết chuyện lạ. Nhà vua nửa tin nửa ngờ, bèn sai người mời thầy tu vào hỏi:

– Trẫm xin hỏi có phải ngài là một vị thầy tu có phép thần thông, có thể cải tử hoàn sinh? Nếu quả như vậy thì xin thầy hãy rủ lòng thương cứu sống cho ái nữ của trẫm. Nếu công chúa sống lại, trẫm sẽ gả con gái cho khanh, cấp cho khanh đất đai, của cải, binh gia.

Nàng Talah (tức thầy tu cải trang) cúi đầu tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, thần hèn mọn xin được lĩnh chiếu.

Sau khi công chúa Hala Muk được cải tử hoàn sinh, nhà vua giữ lời hứa: tổ chức lễ thành hôn, ban đất đai, của cải và binh lính cho vị thầy tu Paseh. Khoảng gần một tháng sau ngày cưới, công chúa ủ dột, khóc lóc tâu với mẫu hậu và vua cha vì không hiểu lẽ gì mà phò mã không chịu chung chăn gối. Nhà vua cho đòi phò mã vào hỏi xem có điều gì uẩn khúc. Nàng Talah bèn tâu:

– Muôn tâu thánh thượng, sở dĩ hạ thần buồn lo vì chuyện riêng, người anh của hạ thần bị lạc đã gần một năm, hạ thần có đi tìm nhưng chưa gặp. Nay trên đường tìm, thần được bệ hạ đòi đến cứu công chúa. Vì chưa gặp được anh nên hạ thẩn không thể vui vẻ hưởng lạc thú được.

Nhà vua nghe tâu, liền tươi cười nói:

– Trẫm tưởng việc gì làm phò mã bận tâm. Con là người có nghĩa có tình, trẫm sẽ giúp con tìm được anh trai mình. Con cứ an tâm.

Đoạn nhà vua truyền cho mở hội mừng thọ, loan truyền mọi người phái đến dự. Từ khắp mọi nơi công chúng kéo đến rất đông.

Suốt hơn chục ngày hội, nàng Talah vẫn chưa thấy người tới. Đang sắp tuyệt vọng thì bỗng một hôm nàng nhìn thấy từ xa có một người giống chàng Lihik đi lại. Nàng Talah liền nói với nhà vua cho mời chàng trai nọ đến.

Nhìn vị thầy tu trong bộ y phục, Lihik đã ngờ ngợ. Khi vị thầy tu khẽ gọi tên chàng, thì chàng không còn ngờ mình nhìn nhầm nữa, hai người quấn quýt nhau thở than kể sự tình trong những ngày sống xa cách. Rồi cả hai người đến quỳ trước mặt nhà vua tâu trình mọi sự về mối tình éo le của mình, và cũng xin đức vua rộng lượng cho hai người se duyên cầm sắt, kết tóc trăm năm.

Nhà vua và hoàng hậu khi nghe rõ sự tình uẩn khúc của hai người thì cảm động lắm, nhà vua bèn truyền:

– Ôi! Thật là những tấm lòng cao đẹp. Trước mặt bá quan, ta tác duyên cho hai người. Vị thầy tu cải trang này vì có mối tình sâu nặng nên được làm chính thê, con gái trẫm đi sau, và được nàng cứu sống nên trẫm thuận gả cho Lilik làm thứ phi, cùng Talah kết nghĩa chị em. Nay trẫm đã tuổi già sức yếu lại có một ái nữ duy nhất, nên xin nhường ngôi cho phò mã lên kế vị, sửa trị ngôi trời và chăm dắt muôn dân.

Nghe vua truyền lệnh xong, bá quan văn võ đều mừng tung hô vạn tuế, cùng chúc cho tân hoàng đế Lihik cùng hoàng hậu Talah, thứ phi Hala Muk chăm dân trị nước được phồn thịnh.

4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia - 8

Con chó có nghĩa - Truyện cổ tích Trung Quốc

Câu chuyện này xảy ra dưới triều đình nhà Thanh, tại một huyện lị có tên là Trung Mâu. Ngày hôm đó, quan huyện đang thăng đường làm việc, đột nhiên một con chó từ bên ngoài xông thẳng vào nằm phục dưới đất và cất tiếng sủa váng lên, như đang muốn tố giác một điều oan khuất nào đó.

Con chó chui hắn xuống gầm bàn của quan huyện, mặc cho mọi người đâm chọc, lùa gạt thế nào cũng không chịu ra, chỉ cất lên tiếng tru tréo nghe như tiếng khóc thảm thiết.

Quan huyện cảm thấy trong sự việc này có cái gì hơi kì quái liền ngăn bọn công sai lại và cúi xuống gầm bàn nói với con chó, cứ như là nó hiểu tiếng người vậy :

– Mày có việc gì oan ức phải không? Có phải mày đến đây kêu kiện không? Vậy thì mày hãy ra đây để tao xem mày kiện về việc gì nào.

Kể cũng lạ, nghe câu đó, con chó từ trong gầm bàn chui ra, vẫn nằm phục trên sàn nhà và tiếp tục sủa.

Quan huyện nhíu đôi lông mày lẩm bẩm:

– Việc này biết làm sao đây? Mày lại không biết nói !

Con chó hình như nghe được tiếng người, liền đứng dậy cắn vào chiếc áo dài của quan huyện và lôi ra ngoài. Quan huyện liền nói với nó :

– Được rồi! Được rồi! Tao sẽ phái công sai cùng đi với mày.

Con chó lập tức nhả chiếc áo quan huyện ra, quay đầu đi thẳng ra ngoài. Ra đến cửa huyện, nó lại quay đầu vào sủa ăng ắng, hình như muốn thúc giục công sai không nên chậm trễ. Các công sai không còn cách nào, đành vâng lệnh quan huyện đi theo con chó, nhưng trong lòng họ nửa tin nửa ngờ.

Ra khỏi huyện đường, con chó đi đến tận bên bờ một con sông, nhìn vào trong đám lau sậy rồi sủa váng lên. Đám công sai vạch bụi lau ra thì thấy một xác chết. Họ trở về bẩm báo với quan huyện.

Mọi người đều tấm tắc khen là con chó quá thông minh, đã làm một việc kì lạ, biết đến công đường để báo một vụ án giết người! Bây giờ chỉ còn có việc truy tìm hung thủ là ai. Đang lúc mọi người bàn luận thì con chó lại từ ngoài chạy vào, nằm phục xuống sàn sủa gâu gâu. Lúc này, quan huyện chẳng còn do dự nữa liền bảo ngay:

– Nếu ngươi biết được hung thủ, ta sẽ cử công sai đi cùng với ngươi!

Con chó nghe vậy liền quay đầu chạy ra ngoài, quan huyện chưa kịp dặn dò gì thì mấy công sai đi theo nó lúc nãy đã phải vội chạy đuổi theo nó ngay, cả huyện đường đều ngạc nhiên.

Đi được khoảng hơn hai mươi lăm dặm đường, chỉ thấy trước mặt có một ngôi nhà. Con chó liền xông vào nhà, ngoạm ngay vào một gã con trai và giữ chặt. Các công sai thấy vậy liền áp giải gã trai nọ về nha môn. Quan huyện lập tức thăng đường xét hỏi. Gã trai trẻ nọ chẳng phải là loại ngoan cố, vừa hỏi hai ba câu đã khai hết sự thật.

Con chó này nguyên là con chó anh ta mua trên phố về chuẩn bị giết thịt. Bởi vì con chó không chịu đi cho nên anh ta trói nó lại, buộc chặt mồm nó, rồi treo lên đầu gậy quẩy ngược về nhà. Trên đường đi, anh ta gặp một người khách buôn cưỡi lừa đang đứng nghỉ bên vệ đường, anh ta bèn dừng chân lại để nghỉ và lân la trò chuyện với nhà buôn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Con chó nhìn người khách buôn, cất tiếng rên ư ử, người khách buôn thây thương hại bèn hỏi rõ chuyện và lấy ra một lạng bạc mua lại con chó. Người khách buôn mở trói cho nó, cho nó ăn mấy miếng thịt và vài chiếc bánh bao rồi xua tay bảo nó hãy đi đi, còn mình tiếp tục cưỡi lừa đi tiếp.

Gã trai trẻ nhìn thấy hành lí của nhà buôn nặng trịch bèn nảy lòng tham, len lén bám theo sau ông ta rất xa, đến đoạn đường nọ liền xông tới vung gậy đập tới tấp cho đến lúc nhà buôn gục chết. Nào ngờ con chó đi theo phía sau, nhìn thây cảnh tượng đó, liền xô tới cắn anh ta. Anh ta nóng mắt liền vung gậy đập, con chó không làm gì được nên chạy ra xa.

Gã trai lôi xác người khách buôn đến bờ sông, lấp cát lên rồi dắt con lừa mang cả hành trang của nhà buôn về nhà mình. Ngày hôm sau, gã dắt lừa lên phố bán, nhưng gã nào biết được mọi việc làm của gã đều bị con chó lặng lẽ theo dõi và chính vì thế mà nó biết được nhà ở của gã.

Quan huyện ra lệnh cho công sai đến xét nhà gã để tìm tang vật, quả nhiên tìm thấy 500 lạng bạc. Trong hành trang của nhà buôn nọ còn có một cuốn sổ ghi chép, từ đó đã tìm được địa chỉ và tên họ của người bị hại.

Gia đình người bị hại nhận được tin tức, hết sức cảm động. Họ đưa linh cữu của người khách buôn về quê mai táng và nuôi con chó có nghĩa cho đến khi nó già và chết. Sau khi chôn cất nó xong, họ xây phần mộ cho nó và dựng bia ghi lại câu chuyện này.

4 câu chuyện cổ tích thế giới hay, trẻ khám phá thêm đời sống, văn hóa các quốc gia - 10

Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích

Những câu truyện cổ tích thế giới ca ngợi đức tính đẹp của con người, phê phán thói hư tật xấu và hướng con người đến cuộc sống thiện lương.

Ca ngợi lòng thủy chung son sắc, không bao giờ từ bỏ hy vọng trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Đồng thời, biết đi tố cáo kẻ xấu, trả ơn những người cư xử nhân hậu.

Những câu chuyện cổ tích thế giới giúp trẻ khám phá về đời sống, văn hóa của các quốc gia, mẹ nên kể con nghe thường xuyên.

Những câu chuyện cổ tích thế giới giúp trẻ khám phá về đời sống, văn hóa của các quốc gia, mẹ nên kể con nghe thường xuyên.

Top 3 câu chuyện cổ tích dạy bé bài học về lòng tham, tu dưỡng đạo đức tốt
Những câu chuyện cổ tích dạy bé bài học đạo đức giá trị, không nên tham lam những thứ không phải của mình.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con