Theo chuyên gia tâm lý, nếu có con gái bố mẹ không nên nói những câu này, tránh ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của con về sau.
Lời nói và giọng điệu của bố mẹ khi nói chuyện với con sẽ định hình cách con nhìn nhận thế giới, có thể hình thành niềm tin cho con khi lớn lên.
Một số cụm từ bố mẹ nghĩ rằng là bình thường nhưng có thể vô tình làm ảnh hưởng đến tâm trí trẻ. Theo chuyên gia tâm lý, nếu có con gái bố mẹ không nên nói những câu này, tránh ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của con về sau.
"Đây không phải việc của con, con gái thì có thể làm được cái gì"
Nhiều bố mẹ thường có thói quen phân rõ ranh giới giữa con gái và con trai, và câu nói "Đây không phải việc của con, con gái thì có thể làm được cái gì" thường được nhiều bố mẹ vô tình nói trước mặt con.
Bố mẹ thậm chí có sự phân biệt rõ rệt cụ thể như con trai thì phù hợp với các công việc năng động, mạnh mẽ như cảnh sát, kỹ sư,... Trong khi đó con gái chỉ nên trở thành giáo viên hoặc làm các công việc văn phòng nhẹ nhàng.
Một số trường hợp trẻ bày tỏ mong muốn được theo đuổi sở thích hay công việc yêu thích, bố mẹ lập tức ngăn cản cho răng: "Đó không phải việc phù hợp cho con" hay "Con không thể làm tốt việc đó như anh/em trai", "Con gái chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng",...
Thực tế, tư tưởng này của bố mẹ vô tình kìm hãm ước mơ, sở thích của con. Đồng thời khiến trẻ bị gò bó, giới hạn và khó phát huy năng lực của bản thân.
Nếu trẻ lớn lên trong môi trường chỉ chú trọng tầm ảnh hưởng nam giới, các cô con gái có thể trở nên nhút nhát, tự ti, dễ bị khuất phục bởi đàn ông hoặc những người mạnh mẽ hơn.
Do đó, thay vì truyền cho con tư tưởng bất bình đẳng giới, bố mẹ hãy cho con biết bản thân con gái cũng có thể làm bất cứ công việc gì, khuyến khích con trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình, miễn là cư xử đúng mực, thông qua giáo dục phù hợp, đôi khi phụ nữ có thể làm tốt như nam giới.
Đồng thời, hãy rèn luyện cho con thói quen trình bày ý kiến cá nhân, điều này sẽ giúp các bé gái tăng khả năng thuyết phục, kỹ năng nói trước công chúng, rất hữu ích trong tương lai về sau.
"Con ăn ít thôi, để béo lên là rất xấu sẽ không có ai thương"
"Dạo này con béo lên đấy!", "Con trông có vẻ kém xinh hơn trước", "Xấu quá sẽ không có ai yêu thương",... đều là những câu không nên nói với bé gái. Bố mẹ thông minh hãy cho con những lời khuyên xuất phát từ lợi ích sức khỏe, thay vì bắt ép con đi theo hình mẫu những cô gái xinh đẹp, thân hình thon gọn "mình dây".
Cái đẹp không có chuẩn mực chung và các cô gái không cần thiết phải sở hữu vẻ bề ngoài như người mẫu, đồng thời vô tình trẻ nghĩ rằng bản thân phải đẹp mới được yêu thường. Nếu thường xuyên bị chê bai ngoại hình và áp đặt tiêu chuẩn về cái đẹp, các bé gái có thể tự ti, trầm cảm, thậm chí nhịn ăn để giữ vóc dáng.
Thay vì bắt con ăn ít đi hay chê bai ngoại hình của trẻ, bố mẹ nên lựa lời khuyến khích con ăn những món yêu thích kết hợp hướng dẫn về những thực phẩm lành mạnh để trẻ có thể giữ được sức khỏe tốt.
Ngoài ra, không ít bố mẹ yêu cầu con phải chọn lựa màu sắc quần áo dịu dàng như mong muốn của mình, trang phục cũng chỉ loanh quanh những mẫu đầm công chúa. Điều này vô tình khiến con bị giam lỏng trong một khuôn mẫu được định sẵn, đồng thời khiến trẻ không còn tính sáng tạo và luôn làm mọi việc rập khuôn theo những gì định sẵn, để cố làm vừa lòng bố mẹ.
"Sao con chẳng làm được việc gì tử tế, để bố mẹ làm luôn cho"
Trong mắt nhiều bố mẹ, con gái luôn là các cô công chúa, phải chiều chuộng, nâng niu cẩn thận. Vậy nên bố mẹ sẵn sàng làm thay con gái mọi việc từ việc từ nấu nướng, rửa bát, giặt giũ đến quét dọn, lau nhà.
Yêu thương con cái là điều hết sức bình thường nhưng bố mẹ cũng cần phải dạy con bản lĩnh tự lập. Nếu được chiều chuộng quá, con sẽ đâm ra dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Cuộc sống khi trưởng thành cũng có thể nhiều khó khăn, vì trẻ thiếu kỹ năng sống.
"Sao con chẳng làm được việc gì tử tế, để bố mẹ làm luôn cho" câu nói này nghe có vẻ bố mẹ muốn thay con làm tốt hơn việc gì đó, nhưng thực tế vô tình kìm hãm cơ hội bày tỏ khả năng giải quyết vấn đề và tự lập của trẻ.
Lâu dần trẻ sinh ra tính tự ti, rụt rè vì bản thân khó có thể làm tốt việc gì, chỉ có bố mẹ mới giải quyết ổn thỏa.
"Con lớn lên phải cố gắng cưới một người giàu có, để bố mẹ được nhờ"
Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên có một cuộc sống hạnh phúc, sung túc, quan trọng hơn là kết hôn cùng ai đó có thể chăm sóc tốt cho con mình, bố mẹ vì thế cũng sẽ bớt lo lắng.
Tuy nhiên, bố mẹ không nên vì thế mà quá kỳ vọng vào con, đôi khi vô tình biến những điều kỳ vọng đó trở thành đòi hỏi. Bởi điều này nếu được nhắc lại nhiều lần có thể khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ đặt sự quan trọng vào vật chất hơn là hạnh phúc và tương lai của mình.
Do đó, thay vì mong đợi trẻ có thể kết hôn với một người giàu có, bố mẹ hãy hướng dẫn và giáo dục con trở thành người bản lĩnh, tự lập, có kiến thức và thích ứng tốt trong mọi trường hợp, môi trường sống khác nhau.