Cha mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản nhằm thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ về sau.
Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi là khi bộ não của trẻ hoàn thiện và phát triển nhanh chóng, cha mẹ có thể tận dụng những năm tháng đầu đời này của con để áp dụng các phương pháp giúp con phát triển toàn diện trí tuệ và sức khỏe thể chất.
Bộ não của chúng ta có đến 100 tỷ tế bào thần kinh tồn tại kể từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, tất cả các tế bào thần kinh này cần phải có sự gắn kết thành một mạng lưới để hoạt động tốt nhất. Những trải nghiệm cụ thể trong 3 năm đầu đời của trẻ sẽ xây dựng nên những kết nối lâu dài của hệ thống tế bào thần kinh.
Do đó, cha mẹ có thể giúp trí tuệ của con phát triển thông minh hơn và cải thiện các kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các cách đơn giản để thúc đẩy hoạt động của các tế bào thần kinh.
Cùng chơi với trẻ
Những trò chơi vận động đầu óc nhẹ nhàng hoặc ca hát, trò chuyện cùng với con đều là những điều cha mẹ nên làm để các tế bào thần kinh tích cực tham gia vào quá trình phát triển não bộ ở trẻ. Điều này sẽ hình thành nền tảng tốt về trí tuệ, ảnh hưởng đến tất cả việc học tập và hành vi cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần diễn ra trong suốt cuộc đời của con.
Tăng sự gần gũi với trẻ
Từng tế bào thần kinh của trẻ được hình thành và kết nối từng phút từng giây, do đó thói quen hàng ngày và những người xung quanh thường tiếp xúc với con trẻ đều ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Cha mẹ hãy cung cấp một không gian sống lành mạnh cho con với nhiều cơ hội để phát triển và học hỏi thông qua việc vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ...
Trẻ sơ sinh cũng cần cha mẹ thấu hiểu rằng khi nào con căng thẳng, đói, mệt, hoặc cần một cái ôm, âu yếm. Điều cần thiết là những trải nghiệm dành cho trẻ phải thể hiện được sự ấm áp, lặp đi lặp lại nhiều lần như một thói quen để trẻ có thể “dự đoán trước” được và cảm thấy an toàn.
Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn mới sinh ra
Theo trang Today Parent, khi trẻ được 6 tháng, mẹ có thể bắt đầu cho con ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng giúp phát triển trí não, chẳng hạn như thực phẩm giàu chất sắt và chứa nhiều vitamin như trái cây và rau. Khi con lớn hơn, mẹ sẽ thấy trẻ tò mò nghịch ngợm với đồ ăn như hành động thả thức ăn, ném thức ăn xuống để xem điều gì xảy ra? Đừng trách mắng con nhé, vì đây không chỉ là cách giải trí mà còn là cơ hội để bé tìm hiểu sự vận động của các đồ vật.
Có thể cho trẻ tập ăn bốc để hỗ trợ kỹ năng vận động của tay. Khi đến giai đoạn này, mẹ có thể dạy con cách nhận biết những khái niệm mới như: Đồ ăn lạnh, nóng… và đừng quên mô tả sự khác biệt giữa những khái niệm này nhé!
Thường xuyên đi dạo cùng con
Khi đưa trẻ ra ngoài đi dạo, hãy tận dụng cơ hội này để chỉ ra những thứ như chim chóc, cây cối và bầu trời và đặt tên cho chúng để khởi động sự phát triển trí não của bé. Sử dụng lời nói để giải thích những gì đang xảy ra xung quanh con trên đường phố, trong công viên...
Đọc sách cho trẻ nghe
Một trong những điều tốt nhất để giúp phát triển trí não của con là cha mẹ có thể đọc sách cho trẻ nghe mỗi ngày. Ngay cả khi con chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa của những cuốn sách thì trẻ vẫn có thể nhận ra các từ ngữ, hình ảnh quen thuộc.
Duy trì thói quen lành mạnh khi ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ vì đây là thời gian mà các tế bào thần kinh trong não bộ phát triển mạnh mẽ nhất. Do đó khi đến giờ đi ngủ, cha mẹ hãy đưa ra những thói quen tốt cho sự phát triển của não bộ trẻ như kể cho trẻ nghe một câu chuyện, đọc truyện cho con nghe, nhắc trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc... để tăng cường hoạt động của não.
Một phần nhỏ của câu chuyện có thể tạo nên sự phát triển vượt bậc về khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và khả năng liên kết mọi thứ của con.