Gặp 9X Việt đầu tiên tạo "hàng rào" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Huyền Đỗ - Ngày 17/04/2021 16:00 PM (GMT+7)

Nguyễn Như Quỳnh là Chủ tịch và là người sáng lập tổ chức xã hội đầu tiên ở Việt Nam bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

CyberKid Vietnam chính thức ra đời vào tháng 10/2020, do một nhóm những người trẻ thành lập với sứ mệnh bảo đảm sự an toàn của trẻ em trên không gian mạng và phát triển thế hệ công dân số Việt Nam. Chỉ trong chưa đầy một năm, tổ chức đã từng bước thay đổi nhận thức của phụ huynh và các em học sinh khi sử dụng Internet, đồng thời nêu ra một thực trạng cấp thiết ở hiện tại đó là sự phát triển và an toàn của con trong thời đại số.

Chị Nguyễn Như Quỳnh - Chủ tịch và người sáng lập tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng sẽ cung cấp thêm thông tin về những nguy cơ đe doạ trẻ em trên mạng, cách phụ huynh đồng hành và bảo vệ con tốt nhất khi sử dụng Internet, cũng như câu chuyện ra đời của dự án.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 2

Nguyễn Như Quỳnh - Chủ tịch tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 3

Vì sao chị quyết định thành lập dự án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở Việt Nam?

Về câu chuyện ra đời của dự án, có 2 lý do chính để tôi quyết định thành lập tổ chức. Đầu tiên là từ sự quan sát của tôi và các bạn trong ban điều hành khi nhìn thấy các em, các cháu trong gia đình sử dụng internet rất nhiều nhưng thiếu đi sự định hướng của gia đình và nhà trường. Hàng ngày các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ trên không gian mạng nhưng không có khả năng nhận biết nguy hiểm. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi muốn tạo ra các dự án có thể bảo vệ chính người thân của mình.

Thứ hai, chúng tôi được biết chính phủ cũng đang có những nội dung và đề án liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Là một công dân Việt Nam, chúng tôi muốn đóng góp sức mình để hỗ trợ và tham gia vào các chương trình của chính phủ, hướng đến mục tiêu bảo vệ thế hệ công dân số Việt Nam trong tương lai.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 4

Chị có thể chia sẻ một số mối đe dọa diễn ra thường xuyên trên không gian mạng mà bản thân các em và phụ huynh không ngờ tới hay xem đó là vấn đề nguy hiểm?

Theo tôi, có 4 mối đe dọa thường trực bao gồm nội dung độc hại, bắt nạt trên mạng, lạm dụng tình dục trên mạng và để lộ thông tin cá nhân.

Các nội dung độc hại trên mạng gồm có nội dung khiêu dâm, nội dung về bạo lực và hướng dẫn hành vi xấu như các clip hướng dẫn về ảo thuật treo cổ, các nội dung về chống phá nhà nước và cuối cùng là những nội dung gây ám ảnh tâm lý của trẻ như hình ảnh tử thi. Hầu hết những nội dung xấu độc đều tràn lan trên không gian mạng, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và tâm lý xã hội của các em nhưng không hề có một sự giới hạn nào về độ tuổi hay phương thức tham dự. Do đó nhiều em đã trở thành nạn nhân của những nội dung này mà chính các em và phụ huynh đều không biết.

Thứ hai là các nguy cơ về bạo lực trên mạng, một dạng thức mới của bạo lực học đường. Bạo lực trên mạng có thể là những bình luận chê bai nhau, lập ra các nhóm chat nói xấu một cá nhân nào đó hoặc tung tin đồn thất thiệt lên trang cá nhân, xúc phạm và cãi vã trên mạng.

Nguy cơ thứ ba là lạm dụng tình dục trên mạng. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, các em có thể thích kết bạn và tìm hiểu những người lạ trên mạng xã hội. Những mối quan hệ không rõ nguồn gốc này có khả năng phát triển thành những mối quan hệ yêu đương mà các em bị lừa trao đổi ảnh nóng và các thông tin nhạy cảm. Kẻ xấu có thể sử dụng những thông tin này để tấn công, tống tiền hay bôi nhọ các em.

Cuối cùng là vấn đề bị lộ thông tin cá nhân khi các em bấm vào những đường link lạ và bị đánh cắp thông tin. Những thông tin cá nhân bị đánh cắp có thể được sử dụng để lừa đảo, thực hiện tội ác và để lại hậu quả cho các em gánh chịu.

Trong quá trình tìm hiểu và triển khai dự án, có trường hợp nào về trẻ bị xâm hại trên không gian mạng khiến chị đặc biệt lưu tâm?

Chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp nhưng đáng lưu tâm nhất là vấn đề người xấu thu thập thông tin của bố mẹ và trẻ em, đặc biệt là những bé gái. Sau đó họ gọi điện cho bố mẹ báo là các em có ngoại hình tốt nên được mời tham gia các cuộc thi hoa hậu nhí và yêu cầu gửi ảnh bikini

Có những em ở độ tuổi dậy thì, thích tham gia các cuộc thi nhan sắc đã gửi những bức ảnh nhạy cảm cho kẻ xấu. Những bức ảnh ấy có thể trở thành công cụ dùng cho mục đích ấu dâm, buôn bán hình anh trẻ em trái phép và tấn công ngược lại các em. 

Chị nghĩ rào cản lớn nhất trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở Việt Nam là gì?

Tôi nghĩ một trong những rào cản hiện tại là nhận thức của phụ huynh. Nhiều phụ huynh vì muốn bảo vệ con nên đã cấm đoán và theo dõi trẻ. Tuy nhiên điều này gần như là bất khả thi vì con cần lên mạng để học tập và giải trí. Bố mẹ phải đi làm nên không thể theo sát con 24/7. Tư duy đúng phải là đồng hành, học cách chia sẻ, làm bạn với con trên không gian mạng. Phải là người bạn của con để con chia sẻ, cho người lớn biết con đang làm gì, như thế mới bảo vệ được con.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 5

Chị đánh giá thực trạng các bố mẹ Việt đã làm được những gì để bảo vệ con khỏi mối đe dọa xấu trên mạng và chưa làm được gì và cần làm gì?

Về những điều đã làm được, phụ huynh Việt khá nhanh nhạy trong việc cập nhật các xu hướng công nghệ và ý thức được sự cần thiết của việc bảo vệ con trên không gian mạng.

Điều các bố mẹ chưa làm được đó là chưa làm con cảm thấy thoải mái khi chia sẻ. Khi bắt đầu dự án, chúng tôi có làm cuộc khảo sát xã hội học tương đối lớn trên khoảng hơn 500 phụ huynh và 3000 trẻ em vào tháng 10/2020 và có một con số đáng lưu ý như là hơn 60% trẻ nói rằng khi gặp vấn đề trên không gian mạng sẽ không bao giờ kể cho bố mẹ hay thầy cô giáo nghe. Về phía bố mẹ, hơn 70% nhóm khảo sát khá tin tưởng nếu con có vấn đề gì thì con sẽ báo ngay với mình. Vấn đề ở đây là bố mẹ chưa biết bảo vệ con một cách hiệu quả.

Tiếp đến, bố mẹ vẫn phải nâng cao năng lực số của mình. Bởi vì trẻ em bây giờ sử dụng mạng Internet rất thành thục và các em có khả năng bắt xu hướng nhanh hơn bố mẹ rất nhiều. Bố mẹ cũng cần cập nhật các xu hướng công nghệ, học cách sử dụng mạng xã hội, giải trí trên mạng. Vì muốn làm bạn của con thì phải hiểu con sử dụng mạng như thế nào.

Việc tổ chức các lớp dạy trẻ bảo vệ bản thân trên không gian mạng theo chị có là khô khan, khó tiếp thu với trẻ tiểu học? 

Tôi nghĩ khó tiếp thu hay không còn phụ thuộc vào nội dung giáo án. Chúng tôi chú trọng xây dựng giáo án học mà chơi với các con trong vòng 60 phút. Các tình nguyện viên sẽ đến từng lớp để chơi với các em, để mỗi em được chạm tới và kết nối với giáo án.

Với trẻ độ tuổi cấp 2, 3 đang tự tin chứng tỏ bản lĩnh, thích tự do khám phá internet thì liệu có nảy sinh tâm lý “chúng em biết rồi, không cần dạy” không?

Hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên nhưng không vì vậy mà chúng tôi chùn bước. Thay vào đó, tổ chức sẽ cập nhật bản thân và trau dồi kỹ năng sư phạm để khơi gợi sự hứng thú trong trẻ.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 6

Dự án đã tiếp cận được những đối tượng ở lứa tuổi nào, ở độ tuổi và hoàn cảnh nào trẻ dễ gặp nguy hiểm nhất?

Trong một năm qua chúng tôi chủ yếu tiếp cận các em từ độ tuổi lớp 3 đến lớp 9 vì đó là lứa tuổi bắt đầu sử dụng mạng. 

Thật ra độ tuổi nào cũng dễ gặp nguy hiểm nếu trẻ thiếu nhận thức, định hướng và kỹ năng sử dụng mạng. Trẻ thành thị và nông thôn đều gặp nguy cơ lớn về thông tin xấu độc, lạm dụng tình dục, lừa đảo trên mạng. Tuy nhiên trẻ em vùng sâu vùng xa và biên giới có thể gặp những vấn đề nguy hiểm hơn liên quan đến buôn bán người.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 7

Sau gần 1 năm hoạt động, chị đánh giá như thế nào về hiệu quả của dự án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở Việt Nam?

Tôi đánh giá hiệu quả của dự án dựa trên các con số. Trong năm vừa qua, chương trình Cyber School đã tổ chức được gần 200 lớp học và đạt được hiệu ứng truyền thông tốt, được lên Thời sự của VTV. Có nhiều trường công lập đã chủ động liên hệ với ban điều hành để mang dự án về trường. Theo tôi đây là bước tiến rất lớn vì trước đây các trường thường khá e dè.

Cyber Hotline hiện tại vẫn chưa có nhiều em gọi về, tôi nghĩ là do chúng tôi làm truyền thông chưa tốt. Cyber Class thì chúng tôi chủ yếu đi tìm các tài năng trẻ về công nghệ thông tin và hiện giờ dự án cũng đã tìm được những bạn thực sự có năng khiếu để đào tạo về lĩnh vực bảo mật.

Còn Cyber Home là đào tạo năng lực số, đào tạo kỹ năng nuôi dạy trẻ trong kỷ nguyên 4.0. Chúng tôi mới ra mắt vào tháng 4 và dự kiến là sẽ có lớp học vào đầu tháng 5. Vì chưa có lớp học nên chưa đánh giá được mức độ hiệu quả.

Gặp 9X Việt đầu tiên tạo amp;#34;hàng ràoamp;#34; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 8

Chị có thể chia sẻ một số dự định về dự án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ở Việt Nam trong tương lai gần?

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai 4 dự án hiện tại. Trong đó, Cyber Home sẽ là dự án được đẩy mạnh nhất trong năm nay, nhằm giúp phụ huynh được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể truy cập mạng cùng con.

Với vai trò là người thành lập tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chị có lời khuyên nào giúp các bậc phụ huynh bảo vệ con trên mạng?

Theo tôi, bố mẹ cần thay đổi hành vi, thay vì kiểm soát con và ngăn cấm con thì hãy đồng hành cùng con. Cố gắng bắt kịp xu hướng, sử dụng công nghệ của con, cùng con học tập và phát triển bản thân nhờ khai thác các nguồn tài nguyên trên internet. Cuối cùng là trở thành những người bạn thực thụ của con.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!

Chuyên đề "Con muốn "lên mạng" - Làm sao an toàn!” do Eva.vn thực hiện với sự hỗ trợ thông tin từ CyberKid Việt Nam, Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương cùng với sự dẫn dắt chương trình của MC Minh Trang.

Thân mời quý độc giả lắng nghe những chia sẻ và giải đáp thắc mắc trong việc làm thế nào để giúp trẻ sử dụng Internet an toàn từ các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực an ninh mạng và chuyên gia tư vấn tâm lý, thông qua chương trình Eva Chatting: "Con muốn "lên mạng" - Làm sao an toàn!”, được phát sóng đồng thời vào lúc 20h00 ngày 20/04/2021 trên Fanpage Eva.

Bà mẹ dừng ngay việc đăng ảnh con lên mạng xã hội sau khi biết được sự thật này!
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy trung bình các ông bố, bà mẹ đăng khoảng 1500 bức ảnh con lên mạng xã hội trước khi con được 5 tuổi. Điều này tiềm ẩn rất...
Huyền Đỗ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con