Có một số câu nói con muốn nghe nhất từ bố mẹ, điều này có thể thúc đẩy trẻ tự tin, hạnh phúc hơn.
Lời nói thực sự có sức mạnh, giúp trẻ hình thành nên cách nhìn về thế giới. Thực tế, trẻ luôn nghe và để ý đến những lời nói của bố mẹ.
Có một số câu nói con muốn nghe nhất từ bố mẹ, tuy ngắn gọn nhưng có thể thúc đẩy trẻ tự tin, hạnh phúc hơn. Vì vậy, hãy tham khảo những câu nói dưới đây để có thể nói chuyện dễ dàng hơn với con.
"Mẹ tin tưởng vào con"
Không ít trường hợp trẻ không mắc lỗi lầm gì nhưng vẫn thường xuyên bị mẹ trách mắng đầy vô lý. Điều này khiến con dần mất niềm tin vào những người xung quanh. Nguyên nhân đơn giản vì chính người yêu thương mình nhất cũng trở nên cau có và xa lánh mình thì những người không dành tình cảm cho mình sẽ như thế nào.
Trẻ con giống như một tờ giấy trắng và nó chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Khi bố mẹ mất niềm tin vào con sẽ kiến con đánh mất sự tự tin của bản thân. Không những thế, điều này còn khiến trẻ có suy nghĩ rằng con không thể làm được điều gì để bố mẹ tự hào.
Vì vậy khi trẻ làm một điều gì đó nhưng không thành công, hay khi trẻ phạm lỗi việc nói ra những lời tin tưởng sẽ giúp trẻ không nản lòng và cố gắng thử lại lần nữa.
Bằng cách tin tưởng vào trẻ, mẹ đang giúp con củng cố thêm sự tự tin vào bản thân. Trẻ sẽ tin rằng, mình có thể đạt điều bản thân muốn nếu không dễ dàng từ bỏ, sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách giải quyết khác.
"Nói cho mẹ biết đã xảy ra chuyện gì, mẹ ở đây để giúp đỡ con"
Mối quan hệ yêu thương và tích cực của bố mẹ chính là chìa khóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ hãy thể hiện tình yêu thương với con cái thường xuyên, để trẻ biết rằng mình được quan tâm và có cảm giác an toàn.
Trên thực tế, có không ít đứa trẻ bị bạo lực học đường hay gặp một số vấn đề trong quá trình trưởng thành, thay vì cầu cứu thầy cô, gia đình, trẻ thường lại chọn cách im lặng chịu trận. Kết quả mỗi ngày đến trường đều là cực hình, thường xuyên bị bạn bắt nạt, đánh đập.
Vì thế, là bố mẹ, ngoài việc dạy con cái cách giải quyết vấn đề một cách độc lập, cũng cần dạy trẻ biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, hãy tin tưởng vào bố mẹ vì người gần gũi và thấu hiểu con nhất chính là bố mẹ.
Trẻ biết cầu cứu, nhờ người khác giúp đỡ sẽ có thêm hy vọng vào cuộc sống. Khi trẻ có sự chia sẻ, hỗ trợ từ bố mẹ, trẻ mới có thể bước đi vững vàng hơn trên con đường đời sau này.
“Không sao đâu, con có thể khóc nhiều hơn nếu cảm thấy cần”
Khóc là một phản ứng tự nhiên mà cả trẻ em lẫn người lớn có thể cần trong một số tình huống nhất định. Sau khi khóc xong, hầu hết chúng ta thường cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Vì thế, nếu yêu cầu trẻ không được khóc, điều này chẳng khác nào buộc chúng phải kìm nén cảm xúc của mình. Do đó, điều tốt nhất bố mẹ có thể làm là để con cái trút bầu tâm sự hoặc để ter khóc nếu cần.
Theo các nhà tâm lý học, giúp trẻ bộc lộ cảm xúc và thể hiện tình cảm là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển cá tính và nhân cách của trẻ.
Hãy để trẻ có quyền tự do được bộc lộ tình cảm, kể cả ở khía cạnh "tiêu cực". Nếu trẻ nói ra được tình cảm tiêu cực, có tâm trạng thoải mái hơn, mới có chỗ để cảm xúc tích cực thay thế.
Điều quan trọng là phải thông cảm với tâm trạng của trẻ. Để giáo dục con, bố mẹ cũng cần có những kỹ năng cơ bản, mà một trong số đó là biết bộc lộ cảm xúc của mình đúng cách.
"Mẹ xin lỗi, con có thể tha thứ cho mẹ không"?
Một số phụ huynh tin rằng muốn giáo dục được con thì đứa trẻ phải sợ mình. Và lời xin lỗi của cha mẹ sẽ làm giảm vị thế cũng như sự tôn trọng của con cái với bố mẹ.
Nhưng trên thực tế, đôi khi bố mẹ cũng có thể mắc sai lầm vào một lúc nào đó. Cách tốt nhất để giáo dục con cái về tính trách nhiệm chính là thừa nhận việc mình làm sai.
Do đó, bất cứ khi nào bố mẹ nghĩ mình đã mắc sai lầm như lớn tiếng quát mắng con cái, hay áp dụng những hình phạt bất công, hãy đưa ra lời xin lỗi chân thành với con mình.
Bố mẹ có thể thích mình sai ở đâu, cảm giác như thế nào và học được gì sau sự việc đó để trẻ cũng có thể hiểu và rút kinh nghiệm.
Khi xin lỗi con sau những sai lầm, trẻ sẽ hiểu giá trị của bản thân và học cách tôn trọng người khác. Khi trẻ mắc lỗi, bản thân trẻ sẽ tự nhận biết mình cũng phải xin lỗi.