Truyện cổ tích đối với trẻ giống như cánh cửa mở ra một thế giới hoàn toàn mới, khác biệt với đầy phép màu và những điều kỳ diệu.
Truyện cổ tích được coi là người bạn đầu tiên của các bé, nó có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Những câu chuyện diệu kỳ mà mẹ, bà đã kể cho nghe đã giúp tuổi thơ của trẻ lớn lên với rất nhiều cảm nhận về cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống, mang lại những bài học quý giá về cuộc sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ giúp cho các bé phát triển tư duy trong sáng và lành mạnh nhất.
Đồng thời, khi nghe truyện trẻ sẽ được phát huy trí tưởng tượng của mình về một diễn biến hoặc khung cảnh nào đó trong truyện.
Nếu mẹ thường xuyên đọc những câu chuyện cổ tích cho các bé trước khi đi ngủ sẽ giúp con nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tăng khả năng cảm thụ văn học và lòng trắc ẩn, khả năng tư duy logic.
Dưới đây là top 3 truyện cổ tích kích thích trí tưởng tượng của trẻ, thông minh, sáng dạ, mẹ nên đọc cho trẻ nghe để giúp con phát triển tốt hơn.
Chú Thỏ thông minh và Cáo
Trong khu rừng nọ có, một chú Thỏ con thông minh sống cùng mẹ. Ngày ngày, Thỏ con thường tung tăng chạy ra bờ sông uống nước. Trước khi đi, bao giờ Thỏ mẹ cũng nhắc:
– Con phải cẩn thận nhé vì Cáo cũng hay ra sông dạo chơi lắm đấy!
Một ngày nọ, vừa mới cúi xuống uống no bụng nước, Thỏ con ngẩng đầu lên bất ngờ thấy Cáo đang đứng gần mình và tỏ ra thân thiện:
– Chào Thỏ con, lên lưng anh cõng vào rừng hái nấm và hoa nào!
Thỏ con chần chừ nhìn Cáo. Chợt nhớ lời mẹ dặn, Thỏ con nhanh trí giả vờ hào hứng đáp lời:
– Ôi thế thì thích quá anh Cáo ơi, chờ em về nhà lấy mũ đội che nắng đã nhé!
Nói rồi Thỏ con nhanh nhẹn chạy ù về nhà. Thỏ con kể lại câu chuyện gặp Cáo cho mẹ nghe. Thỏ mẹ ôm Thỏ con vào lòng, khen con thông minh và nhanh trí.
Trong lúc ấy, ở ngoài bờ sông, con Cáo gian ác và ngờ nghệch cứ đứng chờ mãi, chờ mãi mà không thấy Thỏ con trở lại. Cuối cùng, khi ông mặt trời đã đi ngủ, nó không thể chờ được nữa nên đành ôm cái bụng đói meo lủi thủi đi về rừng.
Chuyện cổ tích chú Thỏ thông minh và Cáo ca ngợi sự thông minh, nhanh trí của chú Thỏ. Thỏ đã bình tĩnh xử trí trước nguy hiểm, đánh lừa con cáo gian ác định ăn thịt mình và thoát thân an toàn. Nhắc nhở trẻ nên nhớ, khi gặp khó khăn, các con cần bình tĩnh tìm cách để vượt qua khó khăn.
Chuyện cổ tích chú Thỏ thông minh và Cáo ca ngợi sự thông minh, nhanh trí của chú Thỏ.
Bác nông dân và con quỷ
Ngày xưa đất đai đều bị loài quỷ chiếm mất cả. Một hôm, có người nông dân vào rừng trồng củ cải. Anh đang cuốc đất thì có một con quỷ chạy lại và quát lên:
– Anh kia, ai cho vào rừng của ta?… Anh muốn chết à?
Người nông dân bình tĩnh nói:
– Quỷ ơi, đừng ăn thịt tôi. Quỷ để tôi gieo cải. Khi cây lớn lên, tôi chỉ lấy gốc thôi, còn ngọn xin nhường quỷ.
Thấy không phải làm gì mà lại được ăn, quỷ bằng lòng, bèn nói:
– Thế cũng được, nhưng anh phải giữ đúng lời hứa đấy. Nếu không đúng, đừng có hòng vào rừng này nữa.
Củ cải lớn, người nông dân dỡ lấy củ, để lại ngọn cho quỷ. Quỷ ăn thấy đắng, tức lắm không làm gì người được.
Sang mùa sau, người nông dân lại vào rừng tiếp tục trồng. Thấy vậy, quỷ lại đòi chia. Người nông dân hỏi:
– Thế quỷ định lấy gốc hay lấy ngọn?
Bực tức vì lần trước đã không được ăn, nên lần này quỷ đòi lấy gốc. Đến mùa lúa chín vàng, người nông dân gặt lấy ngọn gánh về, còn để gốc lại cho quỷ.
Gốc rạ không ăn được, quỷ tức giận, sùi bọt mép, đòi mùa sau ăn cả ngọn lẫn gốc. Quỷ nghĩ: “Cho người trồng gì đi nữa, kết quả thu hoạch lần này cũng về ta cả”. Nhưng không chịu thua quỷ, người nông dân đem ngô ra gieo. Vì ra sức chăm bón nên bắp ngô rất to. Mỗi cây có đến hai, ba bắp. Đến mùa người mang quang gánh, hối hả bẻ ngô, gánh về nhà, để lại cả ngọn lẫn gốc ngô cho quỷ.
Nhìn những thân cây ngô khô đét, không ăn được, quỷ đành hậm hực chạy về rừng mà không làm gì con người được.
Bác nông dân và con quỷ là câu chuyện ca ngợi người nông dân lao động cần cù, đã dùng trí thông minh để đối phó lại với loài quỷ tham lam và ngu xuẩn.
Người nông dân cày cấy, làm lụng vất vả mới có cái để ăn; trong khi đó có những kẻ lười biếng, tham lam như giống quý đã không làm cũng đòi chia ăn. Nhưng giống quỷ tham lam lại không biết cày cấy, thường ngu xuẩn, nên đã bị thua người nông dân cần cù và thông minh.
Con gấu và bầy ong
Một ngày nọ, một chú Gấu đi ngang qua khúc gỗ – nơi mà Bầy Ong xây tổ làm mật. Vì tò mò, Gấu ta dừng lại rồi nhìn ngó xung quanh. Cùng lúc đó, một chú ong thợ vì lo rằng Gấu sẽ ăn hết mật nên đã bay ra đốt thật mạnh vào mũi Gấu rồi nhanh chóng quay trở về tổ.
Tức giận vì bị đốt, Gấu nhất quyết phải “diệt” cho bằng được tổ ong. Để hả dạ, Gấu liền dùng móng vuốt nhọn của mình để đập mạnh vào khúc gỗ.
Bầy Ong vì bị động tổ nên bay ra ào ạt, chỉ trong phút chốc, ong đốt Gấu khắp cả người. Gấu do quá đau đớn nên chỉ còn biết co chân chạy mất mạng.
Lời khuyên rút ra từ câu chuyện này là hãy lặng lẽ chịu đựng nỗi đau hơn là phải chịu trăm ngàn tổn thương chỉ vì mình “xả” cơn giận không đúng cách.
Con gấu và bầy ong là câu chuyện giúp trẻ kích thích trí thông minh, tăng khả năng ngôn ngữ hiệu quả.
Những lợi ích lớn của truyện cổ tích đối với trẻ nhỏ
Những câu chuyện cổ tích hay và ý nghĩa sẽ giúp các bé học hỏi thêm nhiều điều mới và sống tốt hơn. Những mẩu chuyện ngắn gọn giúp trẻ hiểu hơn về cuộc sống thực tế, làm giàu vốn từ trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ, nền tảng cho trí tưởng tượng và sáng tạo sau này của trẻ.
Những câu chuyện cổ tích hay và ý nghĩa sẽ giúp các bé học hỏi thêm nhiều điều mới và sống tốt hơn.