Một trong những việc đầu tiên mà mẹ cần làm là biết cách giữ ấm cho trẻ khi mùa đông đến.
Những ngày này thời tiết miền Bắc đang duy trì nền nhiệt độ khá thấp. Ban đêm, trời lạnh sâu, ban ngày có nắng nhưng hanh khô. Trong khi đó, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi chưa biết điều chỉnh thân nhiệt phù hợp với nhiệt độ môi trường. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với bố mẹ là phải biết cách giữ ấm cho bé để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định trong thời gian mùa đông mà vẫn giúp trẻ cảm thấy thoải mái.
Vì sao bố mẹ cần chú ý việc giữ đủ ấm cho trẻ vào mùa đông?
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: Trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém và thân nhiệt chưa điều tiết được tốt với nhiệt độ môi trường, vì vậy, trẻ đặc biệt dễ bị nhiễm lạnh, nhất là vào mùa đông. Việc mặc ấm sẽ giúp bé phòng tránh được các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp, từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh viêm hô hấp dưới nguy hiểm hơn (viêm tiểu phế quản, viêm phổi).
Tuy nhiên, không phải cứ mặc thật nhiều quần áo cho bé là tốt, bởi như vậy mồ hôi sẽ ra nhiều mà không kịp lau khô, khiến bé khó chịu thậm chí dễ bệnh. Vì vậy, ba mẹ cần biết cách mặc quần áo cho cho bé vào mùa đông đúng cách để vừa để giữ ấm cho cơ thể bé nhưng vẫn đủ thông thoáng, dễ chịu.
Khi bố mẹ biết cách mặc quần áo “chuẩn” cho bé vào mùa đông, con sẽ tránh được nguy cơ bị nhiễm lạnh và các bệnh về đường hô hấp.
Các bộ phận nào trên cơ thể bé cần được chú ý đặc biệt để giữ ấm?
Cũng theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, cần chú ý đến nguyên tắc “4 ấm – 1 lạnh” khi mặc đồ cho trẻ vào mùa đông. “4 ấm” được hiểu là 4 vị trí mà bố mẹ cần phải giữ ấm cho bé, bao gồm: tay ấm, lưng ấm, bụng ấm và bàn chân ấm.
Mẹ nên đặc biệt chú ý giữ ấm tay, chân, bụng và lưng của trẻ.
Còn nguyên tắc “1 lạnh” tức là để cho phần đầu của bé hở ra thông thoáng, tốt nhất chỉ nên đội mũ để tránh gió cho bé khi ra ngoài. Khi ở trong nhà thì nên để cho đầu bé tiếp xúc với không khí, vừa giúp bé thoải mái vừa giúp cơ thể tản nhiệt tốt hơn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam. Giữ ấm cho trẻ vào ban ngày và ban đêm có khác nhau không? Thông thường ban đêm nhiệt độ có xu hướng giảm thấp hơn ban ngày, vì vậy trẻ cũng dễ bị nhiễm lạnh hơn. Chưa kể, ban đêm cả bé lẫn ba mẹ đều ngủ nên càng khó theo dõi, giữ ấm cho trẻ hơn. Cần lưu ý là nhiều bệnh ở trẻ em thường trở nặng hơn về ban đêm. Vì vậy, đặc biệt phải lưu ý giữ ấm cho trẻ cẩn thận hơn về đêm. Mẹo giúp mẹ kiểm tra thân nhiệt để biết trẻ đã mặc đủ ấm Để biết trẻ mặc đủ ấm hay chưa nên quan sát tay và chân của bé, nếu thấy tay chân ấm thì không cần mặc thêm quá nhiều quần áo. Các dấu hiệu cho biết trẻ có thể quá lạnh là: - Tay chân trẻ lạnh - Da nhợt nhạt - Nhảy mũi - Cử động bất thường - Ngủ li bì: là dấu hiệu nguy hiểm, có thể do hạ thân nhiệt thật sự Bố mẹ nên chọn và không nên chọn những trang phục nào cho bé mặc vào mùa đông? Chọn trang phục cho trẻ vào mùa lạnh, cần phải linh hoạt và phù hợp. Nếu thời tiết chỉ hơi se se lạnh như ở TPHCM cũng như các tỉnh phía nam và nếu trẻ ở trong nhà, bố mẹ chỉ nên cho trẻ mặc thêm một áo ấm vừa phải, mang bao tay, vớ (tất) cho trẻ có lẽ là đủ. Nhưng đối với thời tiết giá lạnh của các tỉnh miền bắc, khi ra ngoài bố mẹ cần cho trẻ mặc áo thật sự đủ ấm, đội nón len, khăn choàng cổ, mang bao tay, vớ (tất), thậm chí quấn thêm khăn cho trẻ sơ sinh đủ ấm là cần thiết. Nếu thời tiết thật sự rét, lạnh, ngay trong nhà cũng cần cho trẻ mặc đủ ấm, đội nón len, bao tay, vớ (tất) đầy đủ. Thời tiết thường không lập tức chuyển lạnh đột ngột ngay mà luôn có giai đoạn chuyển mùa. Bố mẹ nên cho bé làm quen dần với việc mặc áo ấm. Nếu nhiệt độ xuống quá thấp, nên để bé mặc ấm dần dần, từ từ tăng số lượng quần áo. Thông thường, ngay cả trong những thời điểm lạnh nhất của mùa đông, số quần áo mặc cho trẻ cũng không nên nhiều hơn 4 cái vì nếu không bé sẽ khó cử động và khó hít thở dễ dàng. Khi lựa chọn quần áo ấm cho bé, nên lựa chọn các loại vải mềm, đủ giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh. Lưu ý, các lớp áo trong tiếp xúc với da trẻ phải mềm, mịn nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt. Tránh dùng các loại vải có lông, tuy có thể ấm hơn nhưng khó làm vệ sinh hơn, dễ bám bụi hít mà khi trẻ hít phải sẽ không tốt cho hô hấp của bé. |